"Cung trầm" nghề trống

28/03/2015 09:08

(Baonghean) - Trải thăng trầm thời gian, nghề làm trống ở Nghệ An vẫn được lưu giữ, thời nào cũng có những thợ cả nổi danh. Nghề làm trống đã, đang góp phần cải thiện cuộc sống người dân quê, tạo thêm việc làm cho lao động địa phương. Vậy nhưng những năm gần đây, nghề trống đang gặp khó do thiếu nguyên liệu và yếu đầu ra.

Ghé làng trống truyền thống Hoàng Hà, xã Diễn Hoàng (Diễn Châu), nhẩn nha câu chuyện với các bậc cao niên, biết nghề làm trống Hoàng Hà có khoảng mấy trăm năm rồi. Ông tổ của làng trống này là Nguyễn Phúc Giang và Nguyễn Phúc Ðạt, dòng dõi họ Nguyễn Ðình, hậu duệ của Cương quốc Công Nguyễn Xí. Ông Hoàng Thanh Tân, Trưởng xóm 18 (làng trống Hoàng Hà) kể: Trong kháng chiến chống Mỹ, nghề trống của làng có chùng xuống. Nhưng thợ làm trống của làng đều ý thức lưu giữ nghề, các cao niên ngày đêm truyền “tuyệt kỹ” cho lớp cháu con. Bền bỉ, gắn bó giữ nghề, làng trống Hoàng Hà đã được tỉnh công nhận làng nghề từ năm 2009. Trống Hoàng Hà với nhiều sản phẩm đa dạng như trống trung, trống đại, trống tiểu... được nhiều thị trường trong và ngoài tỉnh biết đến. Lâu nay nghề trống đã góp phần giúp người dân nâng cao cuộc sống, tuy nhiên đang gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là đầu ra cho sản phẩm.

Thợ trống ở Nam Sơn (Đô Lương) áp dụng máy bắn đinh làm tang trống.
Thợ trống ở Nam Sơn (Đô Lương) áp dụng máy bắn đinh làm tang trống.

Đến thăm cơ sở sản xuất trống của gia đình anh Nguyễn Văn Tâm, 45 tuổi. Cả một không gian lách cách đục đẽo; trống to, nhỏ la liệt. Anh Tâm cho hay: Tôi theo nghề trống từ khi 15 tuổi, năm 26 tuổi lấy vợ, rồi “truyền nghề” cho vợ cùng làm nghề trống. Trước đây 2 vợ chồng làm thủ công 2 - 3 ngày mới xong chiếc trống, nay mua sắm thêm máy cưa mâm, cưa vanh, máy doa, máy bào… làm được 2 - 3 cái trống/ngày. Tuy nhiên không phải lúc nào cũng chạy hàng. Bán chậm, còn có lý do là thường một chiếc trống trung có giá từ 1 - 1,5 triệu đồng, nhưng sử dụng phải trên 10 năm mới hỏng... Trống làm ra có khi phải đưa trống đi bán rong ở tận Hà Tĩnh, Quảng Bình. Theo anh Tâm thì do có máy móc hỗ trợ nên làm trống khá nhanh, nhưng do đầu ra khó khăn nên cũng chỉ dám sản xuất cầm chừng, chủ yếu ai đặt thì làm. Cơ sở của anh cả năm sản xuất được được khoảng 70 - 90 trống các loại, doanh thu khoảng trên 110 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi chỉ được 50 triệu đồng cho 2 lao động như vậy là quá thấp.

Anh Nguyễn Văn Tâm thợ trống ở làng Hoàng Hà-  Diễn Châu đang đóng đinh trống.
Anh Nguyễn Văn Tâm thợ trống ở làng Hoàng Hà- Diễn Châu đang đóng đinh trống.

Tại cơ sở sản xuất trống của gia đình ông Nguyễn Xuân Kỷ hiện đang “tồn” trên 10 chiếc trống, giá từ 1 - 8 triệu đồng/chiếc tùy loại. Ông Kỷ chia sẻ: Mỗi năm gia đình sản xuất được khoảng trên 150 trống, để tìm đầu ra cho sản phẩm, chúng tôi phải tìm cách tiêu thụ. Ví như cử người thường xuyên đi đến các dòng tộc, nhà thờ họ, trường học để “tiếp thị”. Khi bán được trống là phải ghi ngay số điện thoại lên “thân” trống để người khác biết. Vào dịp tết, khách hàng đến mua trống đều được kèm tặng “lịch” treo tường, trong đó không quên in số điện thoại để người mua trống dễ liên hệ. Chưa kể là còn lặn lội sang cả Lào, bán trống cho Việt kiều và người Lào. Ấy vậy nhưng đầu ra vẫn rất khó khăn, mỗi năm người làng trống Hoàng Hà chỉ thủng thẳng làm vào dịp Tết đến tiết Thanh minh và từ vào hè đến Trung thu. Sản phẩm làm ra chủ yếu là trống trung, trống đại dùng cho lễ hội rất ít.

Thợ trống ở Nam Sơn –Đô Lương áp dụng máy bắn đinh bắn  tang trống.
Thợ trống ở Nam Sơn - Đô Lương áp dụng máy bắn đinh bắn tang trống.

Đầu ra cho nghề làm trống không đảm bảo, cũng là nguyên nhân khiến lớp trẻ không mặn mà với nghề. Như gia đình anh Nguyễn Văn Tâm lâu nay 2 vợ chồng làm nghề trống, 2 đứa con đều cho đi học ngành nghề khác. Gia đình ông Nguyễn Xuân Kỷ có 5 người con, thì chỉ có 1 người theo nghề, còn lại 4 người làm nghề khác. Được biết làng trống Hoàng Hà hiện có trên 200 hộ dân, nhưng chỉ có 18 hộ theo nghề làm trống, trong đó có gần 10 hộ sản xuất quy mô. Do việc tuyên truyền, quảng bá thương hiệu còn hạn chế, nên hợp đồng tiêu thụ trống những năm gần đây không nhiều, thu nhập của người lao động làm trống ngày một giảm sút, chỉ đạt khoảng từ 2,5 - 3 triệu đồng/người/tháng,...

Đến xã Lưu Sơn (Đô Lương) được anh Trần Công - một thợ trống, cho hay: Trước đây chúng tôi sản xuất trống ở Thanh Văn (Thanh Chương), do khó bán nên phải lên đất ở Quốc lộ 7 xã Lưu Sơn để thuận lợi cho tiêu thụ. Chuyển đến nơi ở mới đã được 2 năm, nhưng đầu ra cho trống vẫn bấp bênh, có khi cả tháng trời chỉ bán được 7 - 10 chiếc trống loại nhỏ, chủ yếu cho dân địa phương, các trường học. Theo anh Công thì tại xã Thanh Văn (Thanh Chương) trước đây có 5 - 6 hộ sản xuất trống, nay chỉ còn vài hộ theo nghề. Riêng cơ sở của anh Công cũng chỉ 2 vợ chồng làm với quy mô nhỏ, anh cũng không dám cho con cái “nối dõi” nghề này.

Tại xã Nam Sơn (Đô Lương) cũng có vài hộ làm nghề trống quê gốc ở làng trống Đọi Tam - Duy Tiên (tỉnh Hà Nam) phiêu dạt vào đây làm nghề. Anh Trường - một thợ trống tâm sự: “Làng trống Đọi Tam vốn nổi tiếng cả nước nhưng cũng do khó tiêu thụ, những năm qua nhiều hộ làm nghề đã chuyển sang làm “bom” rượu (gỗ cưa, xẻ ghép thành vỏ đựng chai rượu vang). Gia đình tôi đã gắn bó với nghề làm trống không biết đã qua bao thế hệ. Để giữ nghề và lấy nghề nuôi mình, tôi đã phải vào Nghệ An làm trống...

Khi được hỏi các thợ trống ở làng Hoàng Hà tổ chức xã hội có sự giúp đỡ nào cho các hộ sản xuất kinh doanh về vốn, đầu ra không? Được người làm trống trả lời, mặc dù tỉnh công nhận làng nghề trống từ năm 2009, tuy nhiên lâu nay người làm trống vẫn phải tự mình làm hết, tự tìm đầu ra, tự vay vốn, nếu được vay vốn thì lại ưu tiên cho hộ nghèo, đối tượng chính sách.

Thợ trống ở làng Hoàng Hà cho hay: Để làm được nghề trống gia đình phải đầu tư thiết bị, máy móc trên 50 triệu đồng, chưa kể là hàng năm phải đầu tư trên 150 triệu tiền gỗ mít, da trâu để dự trữ. Số tiền trên chủ yếu phải “vay ngoài”, không được vay ưu đãi theo chính sách nào nên rất khó khăn cho phát triển nghề trống. Tại xóm 5, xã Nam Sơn (Đô Lương), cơ sở sản xuất trống của anh Trần Sơn được đầu tư quy mô nhất. Anh Sơn cho hay: “Cơ sở chúng tôi đầu tư mua máy uốn gỗ mít (công nghệ Hàn Quốc) trị giá trên 500 triệu đồng (chủ yếu uốn gỗ mít thuê cho các làng trống của tỉnh).

Trước đây người ta phải cưa gỗ thành hình tròn nên rất lãng phí gỗ, nay chỉ cần đút những tấm gỗ thẳng cho vào máy là được uốn cong. Mỗi mẻ uốn được từ 400 - 500 thanh gỗ với đủ các kích thước của các loại trống. Nếu được vay từ nguồn vốn ưu đãi, chúng tôi sẽ mua thêm các loại máy làm phần gỗ “thô” cho nghề trống”. Theo anh Sơn, qua công đoạn làm “thô” gỗ mít bằng các loại máy móc thì nguyên liệu gỗ đảm bảo chất lượng về độ khô, độ uốn cong, người thợ trống vừa giảm được sức lao động và chi phí, trống bán ra giá rẻ hơn nên đễ bán hơn.

Tuy nhiên, khó khăn nhất đối với nghề làm trống hiện nay là nguyên vật liệu ngày càng khó mua và đắt đỏ. Cây mít được người nông dân trồng trong vườn nhà, chủ yếu để ăn quả, tuy nhiên do nhận thấy gỗ mít có nhiều ưu điểm như bền, không mối mọt, nhẹ… nên nhiều người “săn lùng” mua để làm nội thất, khung nhà. Khi chặt thì ồ ạt, nhưng lại không được trồng lại. Chưa kể là nhiều người còn phá bỏ cây mít chuyển sang trồng những cây khác có hiệu quả kinh tế cao hơn. Anh Đình Chiểu ở làng trống Hoàng Hà khẳng định: Vật liệu chính để làm trống chỉ có thể là gỗ mít và da trâu. Giá gỗ mít khá đắt đỏ từ 16 -18 triệu đồng/m3, nếu sản xuất trống quanh năm thì cần phải dự trữ từ 5 - 8m3 gỗ mít. Có những thời điểm “cháy” hàng gỗ mít có khi phải nghỉ việc cả tháng để đi “săn” gỗ mít ở các huyện Nghĩa Đàn, Tân Kỳ, Yên Thành…

Da trâu, bò không phải hiếm, tuy nhiên các lò mổ hầu hết thích bán cho các cơ sở, xí nghiệp sản xuất giày, dép da, vì vậy da làm trống cũng trở nên khó mua. Để làm được chiếc trống trung, trống đại thường thợ trống phải cất công đi mua những tấm da trâu mộng nguyên vẹn, tại các lò mổ trâu, bò. Khác với các nghề khác, nghề trống là nghề gia truyền bởi chỉ có con cháu trong dòng họ mới được truyền dạy bí quyết nghề. Tuy nhiên, cùng với nhiều khó khăn tác động của kinh tế thị trường khiến lớp trẻ không ham nghề làm trống. Và, không phải ai cứ theo nghề là thành thợ giỏi, người làm trống phải biết “tai nghe”, thẩm âm tốt để nắm được độ vang nền, nẩy của từng loại trống.

Với bao khó khăn chồng chất, nguy cơ thất truyền đang là nỗi lo của các làng trống hiện nay. Ông Trần Văn Huy, Trưởng phòng tư vấn chính sách liên minh HTX tỉnh cho biết: Đến thời điểm này, nghề trống có duy nhất làng Hoàng Hà được tỉnh công nhận làng nghề (với gần 20 hộ tham gia). Còn lại rải rác là các làng có nghề với quy mô nhỏ từ 3 - 7 hộ như làng trống Nghi Đức (TP. Vinh), làng trống Thanh Văn (Thanh Chương), các làng trống Nam Sơn, Lưu Sơn (Đô Lương).

Ngoài phải cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm, thì như với làng trống Hoàng Hà cần phải được cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể, nhằm nâng cao hơn nữa giá trị và danh tiếng của sản phẩm, giúp sản phẩm trống có sức cạnh tranh cao trên thị trường. Về vấn đề vốn, đến nay tỉnh chưa có cơ chế chính sách cụ thể nào cho nghề trống, vì vậy người làm nghề có thể liên doanh, liên kết thành lập doanh nghiệp để được vay vốn; chính quyền địa phương đứng ra tín chấp cho các nhóm hộ được vay vốn Ngân hàng chính sách thông qua các “kênh” của Hội nông dân, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên… Về nguyên liệu, đối với da trâu sẽ không thiếu, tuy nhiên dự báo, trong tương lai khi gỗ rừng khan hiếm thì gỗ mít sẽ càng trở nên có giá, ngành nông - lâm nghiệp cần phối hợp với các địa phương quy hoạch vùng trồng mít và khuyến cáo nông dân tận dụng diện tích vườn nhà và đất đồi hoang hóa đưa vào trồng mít, vừa để có nguyên liệu gỗ mít dồi dào cho nghề làm trống, vừa tăng thu nhập cho người trồng mít.

Như thế, trong giai đoạn khó khăn này, ngoài việc các thợ trống tâm huyết giữ nghề, thì đã đến lúc nhà nước “ra” cơ chế chính sách thiết thực giúp các hộ, làng nghề trống ổn định sản xuất, và nếu có cơ hội thì thăng hoa lên được một sản phẩm không kém bản sắc văn hóa Việt.

Văn Trường

Nổi bật Báo Nghệ An

Mới nhất

x
"Cung trầm" nghề trống
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO