Cuộc bầu cử “ý Đảng hợp lòng Dân”!
Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 – 2016 trên địa bàn Nghệ An đã thành công tốt đẹp. Đây sẽ là điều kiện góp phần xây dựng cơ quan Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới nâng cao chất lượng hoạt động và có nhiều khởi sắc, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ở giai đoạn mới.
(Baonghean) - Cuộc bầu cử Đại biểu Quốc hội khóa XIII và bầu cử đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 – 2016 trên địa bàn Nghệ An đã thành công tốt đẹp. Đây sẽ là điều kiện góp phần xây dựng cơ quan Quốc hội và HĐND các cấp trong nhiệm kỳ mới nâng cao chất lượng hoạt động và có nhiều khởi sắc, tiếp tục đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ đất nước ở giai đoạn mới.
Thành công trước hết là đã tạo ra không khí bầu cử vui tươi, phấn khởi, dân chủ, an toàn, thực sự là ngày hội của nhân dân, thể hiện tỷ lệ cử tri đi bầu cao (98,37%). Có được kết quả này phải kể đến việc lãnh đạo, chỉ đạo tốt khâu tuyên truyền, phát huy tối đa các phương tiện thông tin đại chúng, tuyên truyền có trọng tâm, trọng điểm từng thời kỳ; đặc biệt nhấn mạnh những vấn đề giúp cử tri nắm bắt đầy đủ về quyền và nghĩa vụ của mình trong bầu cử; đến giai đoạn gần bầu cử tập trung tuyên truyền sâu về thời gian, địa điểm bỏ phiếu ở từng khu vực bầu cử. Trong quá trình chuẩn bị công tác bầu cử, nhất là quy trình hiệp thương, giới thiệu và lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp để bầu được tiến hành đúng quy trình, đảm bảo công khai, dân chủ.
Ủy ban bầu cử từ tỉnh xuống cơ sở cũng đã chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo của nhân dân nên hầu hết những bức xúc của người dân đều đã được xử lý trước bầu cử. Công tác an ninh trật tự được chỉ đạo chặt chẽ từ tỉnh xuống cơ sở và đặc biệt là ở các khu vực bỏ phiếu trong ngày bầu cử và kể cả thời gian kiểm phiếu vào ban đêm, trong thời gian nộp các hồ sơ bầu cử… Đặc biệt, Ủy ban bầu cử các cấp đã chú trọng chỉ đạo công tác bầu cử ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo phương châm “cầm tay chỉ việc”; quan tâm chỉ đạo vùng biển, các cơ quan, đơn vị hoạt động đặc thù, khách vãng lai, đảm bảo tỷ lệ cử tri đi bầu cao và đúng luật. 100% tổ bầu cử đều bố trí hòm phiếu phụ và tổ chức phát phiếu cho cử tri là khách vãng lai, cử tri là bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện, người già yếu, tàn tật thực hiện bỏ phiếu bầu.
Thành công thứ hai, đó là Nghệ An là một trong số các địa phương được đánh giá cao với số người trúng cử đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016 cơ bản đúng cơ cấu, thành phần định hướng, thể hiện sự thống nhất giữa "ý Đảng với lòng Dân". Đây có thể coi là một kinh nghiệm quý của Nghệ An trong công tác hiệp thương, lựa chọn, giới thiệu những người ứng cử đại biểu Quốc hội và những người ứng cử đại biểu HĐND các cấp thực hiện đúng quy định của luật. Chất lượng đại biểu Quốc hội khóa XIII và đại biểu HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2011 - 2016 trúng cử kỳ này được nâng cao hơn cả về trình độ các mặt so với nhiệm kỳ trước. Trong đó, đại biểu Quốc hội có trình độ đại học và trên đại học là 100%; đại biểu HĐND tỉnh 90,59%; đại biểu HĐND huyện là 73,31%; đại biểu HĐND xã là 17.46%. Về cơ cấu, đại biểu Quốc hội có 23% nữ, 16,8% dân tộc, 7,6% ngoài Đảng; đại biểu HĐND tỉnh có 17,65% nữ, 16,47% dân tộc, 2,35% tôn giáo; đại biểu HĐND huyện có 27,97% nữ, 18,9% dân tộc, 2,81% tôn giáo; đại biểu HĐND xã có 23,01% nữ, 20,33% dân tộc, 3,24% tôn giáo, 21,14% trẻ tuổi.
Tuy nhiên, kỳ bầu cử lần này, một số địa phương chưa quan tâm đúng mức công tác chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra nên không nắm chắc tình hình. Đặc biệt, ở một số xã có vấn đề nổi cộm, mất đoàn kết, cục bộ địa phương, dòng họ, nên khi có sự cố xảy ra không giải quyết kịp thời để ảnh hưởng đến công tác bầu cử. Toàn tỉnh có 91 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã bầu thiếu đại biểu và 3 đơn vị bầu cử đại biểu HĐND xã vi phạm luật bầu cử phải tiến hành bầu cử thêm và bầu cử lại. Một số thành viên các tổ chức phụ trách bầu cử, đặc biệt là ở tổ bầu cử chưa được tập huấn nghiệp vụ kỹ, thiếu kinh nghiệm, nên khi có vấn đề phát sinh lúng túng, giải quyết không kịp thời, thậm chí để xảy ra sai sót làm ảnh hưởng đến kết quả. Một số cơ sở trong quá trình hiệp thương, lựa chọn ứng cử viên chưa được thực hiện tốt nên vẫn đưa vào danh sách những ứng cử viên không đủ tiêu chuẩn, mất uy tín để bầu nên dẫn đến tình trạng ở một số đơn vị bầu cử số phiếu bầu phân tán, không tập trung, tỷ lệ phiếu bầu của một số đại biểu trúng cử thấp, một số đơn vị bầu cử thiếu đại biểu. Việc bố trí, chuẩn bị khu vực bỏ phiếu, hòm phiếu chưa đúng quy định. Công tác báo cáo về diễn biến cuộc bầu cử và kết quả bần cử làm chưa tốt, báo cáo chậm, số liệu có sai lệch làm ảnh hưởng đến công tác tổng hợp chung của toàn tỉnh.
Mai Hoa