Cuộc cách mạng của giáo dục

(Baonghean) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa thông báo tạm dừng tuyển sinh 207 ngành đào tạo đại học trong năm nay ở 71 cơ sở đào tạo vì không đủ số giảng viên cơ hữu đảm nhận giảng dạy tối thiểu 70% khối lượng của chương trình đào tạo, trong đó có ít nhất 1 giảng viên có trình độ tiến sĩ và 3 giảng viên có trình độ thạc sỹ đúng ngành đăng ký theo quy định hiện hành.
Quyết định này được coi là cú sốc lớn trong ngành Giáo dục và thu hút sự quan tâm, bàn luận  không chỉ riêng với các trường đại học mà của tất cả những ai quan tâm đến sự nghiệp giáo dục nước nhà. Phần đông ý kiến là đồng tình và sự phản ứng khá kịch liệt chủ yếu xuất phát từ các trường đại học có các chuyên ngành bị tạm dừng. Điều đó cũng không có gì là khó hiểu cả. Vấn đề cần xem xét, trao đổi ở đây là quyết định đó của Bộ GD&ĐT có hợp lý, có bất ngờ và có làm khó các trường đại học hay không?
Trước hết phải khẳng định quyết định này của Bộ GD&ĐT là dũng cảm và không bất ngờ. Vì từ năm 2010, Bộ đã tiến hành rà soát điều kiện bảo đảm chất lượng đào tạo của các ngành và đã cảnh báo 139 chuyên ngành đào tạo tiến sỹ thuộc 55 cơ sở đào tạo thiếu giảng viên cơ hữu. Sau đó 2 năm, Bộ chính thức thu hồi quyết định đào tạo tiến sỹ 57 chuyên ngành thuộc 27 trường đại học, viện, học viện không khắc phục được tình trạng thiếu giảng viên. Năm 2012, Bộ tiếp tục rà soát các chuyên ngành Thạc sỹ và đã thông báo dừng tuyển sinh đối với 161 chuyên ngành không đủ giảng viên cơ hữu. Năm 2013, Bộ rà soát các chuyên ngành đào tạo đại học và thông báo dừng tuyển sinh 207 ngành.
Trong năm 2014, Bộ sẽ tiếp tục rà soát các ngành bậc cao đẳng để xử lý những trường hợp thiếu điều kiện đảm bảo chất lượng theo quy định. Như vậy, Bộ đã đánh động từ 3 năm nay để các trường có thời gian khắc phục chứ hoàn toàn không đột ngột “xuống tay”. Không chỉ có một mình Bộ GD&ĐT có những động thái cảnh báo, nhắc nhở mà cách đây 3 năm, trong báo cáo kết quả giám sát về các điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục đại học, đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã cảnh báo về tình trạng quy mô đào tạo vượt xa năng lực đào tạo, không đáp ứng được các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo… Điều đáng nói là những cảnh báo đó đã không được các trường đại học hồi đáp, sửa chữa theo hướng tích cực.
Còn quyết định này có gây khó cho các trường đại học hay không? Đương nhiên là có, nhưng không phải Bộ gây khó cho trường mà chính là các trường tự làm khó cho mình. Vì lẽ, nếu như ngay từ đầu khi mở ngành họ thực hiện theo đúng quy định của Bộ hay ngay khi nhận được lời cảnh báo, nhắc nhở của Bộ và của đoàn giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội lập tức điều chỉnh, bổ sung những gì còn thiếu thì đâu đến nỗi bị dừng để rồi bị động, lúng túng như ngày hôm nay. Còn vì sao các trường cố tình phớt lờ quy định cũng như những lời cảnh báo sớm đó thì chỉ có các trường mới có câu trả lời xác thực nhất. Nhưng tựu trung là ở chỗ các trường mải chạy theo lợi nhuận mà coi nhẹ chất lượng đào tạo. Vì càng mở ra nhiều ngành, càng tuyển sinh được nhiều thì càng thu được nhiều tiền. Đây chính là vấn đề mà dư luận xã hội đã nhiều lần lên tiếng cảnh báo và phản bác, nhưng đều đã bị các trường lờ đi. Việc Bộ tạm dừng tuyển sinh hơn hai trăm ngành học là hậu quả do chính các trường tự gây ra và cũng là một sự công bằng, không thể trách cứ hay đổ lỗi cho ai được. 
Để xảy ra tình trạng nói trên, có một phần lỗi của Bộ GD&ĐT vì đã không kiên quyết ngay từ đầu để các trường và người học lâm vào cảnh dở dang và gây tốn kém và lãng phí một nguồn lực không nhỏ của xã hội. Nhưng việc tạm dừng tuyển sinh các ngành học không đủ điều kiện theo quy định và không bảo đảm chất lượng là một quyết định sáng suốt, dũng cảm, hết sức cần thiết và phù hợp với đòi hỏi của tình hình thực tế trong thời gian  qua và cả hiện tại. Vì lẽ thực trạng đào tạo ở cấp bậc đại học nói riêng và ở các bậc học nói chung đang có quá nhiều bất cập, quá nhiều vấn đề cần xốc lại. Nếu không kịp thời chấn chỉnh ngay và có những quyết định kịp thời thì sẽ gây nhiều tổn hại về lâu dài cho đất nước chứ không riêng gì ngành Giáo dục.
Quyết định này có thể coi là một thông điệp của ngành Giáo dục báo hiệu một thời kỳ mới trong giáo dục đại học là chuyển từ chú trọng phát triển quy mô sang bảo đảm chất lượng. Đây chỉ là hành động đầu tiên, mở màn cho những cải cách lớn của ngành Giáo dục nước nhà. Ngành Giáo dục và Đào tạo đang tiến hành đổi mới và cải cách mạnh mẽ để nâng cao chất lượng dạy và học phù hợp với yêu cầu của thời đại. Đó thật sự là một cuộc cách mạng. Và đã làm cách mạng thì phải có sự hy sinh. Việc tạm dừng tuyển sinh chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các trường đại học và gây thiệt thòi cho những người đang theo học ở các ngành đó. Nhưng đó là sự hy sinh rất cần thiết để có một bước phát triển mới đem lại lợi ích to lớn hơn cho quốc gia, dân tộc.
Mặt khác, với quyết định này khẳng định một điều hiển nhiên mà lâu nay chưa được thực hiện nghiêm túc, đó là tất cả những gì không đúng với quy định của Nhà nước đã ban hành thì phải bị loại bỏ ngay tức khắc không được du di dưới bất cứ lý do nào. Trong tất cả mọi việc, ngay từ đầu đều nên cứ đúng quy định mà làm để tránh gây hậu quả như việc phải tạm dừng tuyển sinh 207 ngành học.
Duy Hương

tin mới

Một góc nhìn về trường tiên tiến

Một góc nhìn về trường tiên tiến

(Baonghean.vn) - Có thể thấy tính nhân văn từ ý tưởng xây dựng các trường học tiên tiến là nó mở ra cơ hội để đánh thức tiềm lực của người học. Tuy nhiên, việc xây dựng trường tiên tiến cần nhất là tính đồng bộ.

Cuộc thi

24 đội chơi tham gia cuộc thi 'Chinh phục tương lai'

(Baonghean.vn) - Sáng 13/9, tại Trường THCS Đặng Thai Mai, Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Ban Khoa giáo, Đài Truyền hình Việt Nam tổ chức vòng sơ khảo chương trình “Chinh phục tương lai” dành cho học sinh trung học cơ sở năm học 2023 - 2024 trên địa bàn thành phố.

'Gieo chữ' giữa sóng gió Trường Sa

'Gieo chữ' giữa sóng gió Trường Sa

(Baonghean.vn) - Giữa ngàn khơi nơi xa nhất của Tổ quốc Việt Nam, vẫn có những đứa trẻ bi bô học chữ. Điều đó khẳng định rằng, ở đâu có chủ quyền, lãnh thổ Việt Nam, ở đó có sự nghiệp trồng người.

Để trường tiên tiến thực sự...tiên tiến

Để trường tiên tiến thực sự...tiên tiến

(Baonghean.vn) - Nghệ An đang bước vào năm thứ 2 thực hiện thí điểm mô hình trường tiên tiến ở các nhà trường, trong đó có nhiều trường công lập. Trong những năm đầu triển khai, không tránh khỏi những băn khoăn.

Sáng 5/9, giáo viên và học sinh TH School hân hoan đón chào ngày khai giảng năm học mới. Ảnh: Phú Hương

TH School Vinh: Khơi niềm cảm hứng, chắp cánh ước mơ

(Baonghean.vn) - Sáng 5/9, học sinh TH School Vinh đã có một mùa tựu trường mới. Đây  là năm học thứ 2, TH School Vinh phối hợp, liên kết cơ sở vật chất với Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng, thực hiện mục tiêu đưa chương trình chuẩn quốc tế vào các trường công lập trên địa bàn toàn quốc.