"Cuộc chiến" mẹ chồng - nàng dâu
(Baonghean) - Tình yêu là cái nôi nuôi dưỡng những mối liên hệ giữa người với người trong xã hội. Chẳng thế, mà Tố Hữu đã không tiếc lời ca ngợi:
Có gì đẹp trên đời hơn thế,
Người yêu người sống để yêu nhau...
Tuy nhiên, có những tình yêu từ xưa đến nay cứ luôn xung đột, tranh chấp với nhau, gây nên nhiều bi kịch trong xã hội. Tôi đang muốn nói đến tình mẫu tử, tình vợ chồng và cuộc chiến muôn thuở của mẹ chồng - nàng dâu. Nhưng nếu đôi bên đứng trên lập trường của nhau mà nghĩ, thực ra mẹ chồng xưa cũng đã từng là nàng dâu, và nàng dâu mai sau cũng sẽ là mẹ chồng, thì liệu mối bất hoà này có thể hoá giải được chăng?
Từ góc độ mẹ chồng, con dâu là người trực tiếp chăm lo cho con trai mình, sinh thành dưỡng dục các cháu mình, làm những điều mà mẹ chồng muốn được làm cho con, cho cháu. Thấy vị trí của mình bị thay thế và đảm đương bởi người khác ắt không tránh khỏi hụt hẫng, nhưng âu đó cũng là cái quyền và nghĩa vụ chính đáng của con dâu, của người làm vợ, làm mẹ mà thôi. Cái gì cũng có thời, có vận, có thứ tự, lần lượt của nó. Nếu mẹ chồng ngày xưa và bây giờ dựa dẫm vào chồng thì con dâu ngày nay và mai sau cũng chỉ biết trông chờ vào người đàn ông của mình vậy. Khi mỗi con người trưởng thành và có khả năng tự chủ, gây dựng cuộc sống riêng, cũng là lúc những thế hệ đi trước cần học cách ngừng bao bọc, ôm ấp chúng, trao cho chúng toàn bộ quyền hạn, trách nhiệm đối với cuộc đời mình mà không tạo áp lực, gây ảnh hưởng và can thiệp một cách không cần thiết, điều này bao gồm cả cuộc sống vợ chồng, gia đình.
Đổi lại, phận làm dâu phải biết kính, biết yêu lấy cha mẹ chồng như thể họ là cha là mẹ mình. Vốn dĩ có trước mới có sau, có trên mới có dưới, đừng quên rằng trước khi mình bước vào cuộc đời của người đàn ông thì mẹ là người phụ nữ quan trọng nhất đối với họ, là người yêu thương và thấu hiểu, khoan dung với họ hơn ai hết. Nếu một mai hai người có buông tay nhau trên đường đời, mẹ vẫn sẽ ở bên, vỗ về và nâng đỡ họ, đi theo họ đến mãi về sau. Những điều đó, chắc gì người vợ đã làm được cho chồng mình? Thế nên đừng cho rằng những thứ tự trước sau, trên dưới có thể ngày một ngày hai mà bị xoá bỏ, hãy sống cho tròn đạo làm con, không nề hà dâu rể, gái trai...
Nếu cả mẹ chồng và nàng dâu đều nghĩ thông suốt, khoan dung được như vậy, ắt hoà khí trong gia đình sẽ tốt hơn nhiều, mà người chồng - người con cũng không lâm vào tình thế khó xử "bên tình bên hiếu bên nào nặng hơn". Thay vì thù ghét, mặt nặng mày nhẹ, tranh giành từng cái răng, cái tóc của người chồng - người con, khiến họ bỗng chốc rơi vào nỗi lo đánh mất một trong hai, thậm chí là cả hai người phụ nữ quan trọng của đời mình, tại sao mẹ chồng, nàng dâu không nắm tay nhau vun vén, lo lắng để người chồng - người con của mình yên tâm làm việc, phát triển sự nghiệp, sống trong hai vòng tay chở che, hai tình yêu thương và hai chỗ dựa vững chắc, há chẳng tốt hơn ư? Suy cho cùng, sự cạnh tranh giữa nàng dâu và mẹ chồng xuất phát từ tình yêu đối với người đàn ông quan trọng của họ, một thứ tình yêu méo mó, ích kỉ, chỉ muốn chiếm hữu lấy cho riêng mình mà không để tâm đến suy nghĩ, cảm nhận của người bị đem ra làm "vật tranh giành". Một khi yêu mà không biết cách yêu, không muốn nâng niu bảo vệ, chỉ muốn chia năm sẻ bảy, tình yêu đó sẽ vô tình biến thành lưỡi dao cắt đứt tình cảm mẹ - con, vợ - chồng, làm tan vỡ hạnh phúc gia đình, đẩy những người mẹ, người con, người vợ, người chồng vào cảnh đau khổ, li tán.
Con người chúng ta sinh ra, lớn lên, yêu nhau rồi hận nhau, gần nhau rồi xa nhau, nếm trải qua ngần ấy hạnh phúc và khổ đau, rốt cuộc đều chỉ để hướng đến một bến bờ bình yên làm nơi cuộc đời neo đậu. Nếu đã có duyên có số yêu nhau, gần nhau bằng tình máu mủ ruột thịt hay tình yêu nam nữ, xin hãy trân trọng lấy mối dây liên kết đó, vun đắp cho chúng bằng sự chân thành và lòng vị tha. Đừng vì sự tham lam ích kỉ nhất thời mà làm tổn thương những người ta cho là quý giá. Điều đó, bao gồm cả việc học cách trân trọng những gì người ta yêu, trân trọng...
Hải Triều (Email từ Paris)