Cuộc hội ngộ xúc động

27/04/2012 16:48

(Baonghean) - Họ là những cựu tù cách mạng đã từng sát cánh bên nhau trong lao tù của đế quốc. May mắn trở về từ "địa ngục trần gian" nhưng mãi đến 40 năm sau ngày giải phóng, họ mới có cơ hội gặp lại nhau trong niềm xúc động vỡ òa... Đó là câu chuyện về 2 cựu tù ở huyện Hưng Nguyên.

Đối với cựu chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày Nguyễn Bá Cảnh (SN 1933, ở xóm 2, xã Hưng Lợi, Hưng Nguyên), ngày 20/3/2012 trở thành một ngày không thể nào quên khi ông tình cờ gặp lại người bạn tù, người đồng chí, đồng hương đã từng chăm sóc ông khi ông bị kẻ thù tra tấn dã man ở nhà tù Phú Quốc ngày nào. Hôm ấy diễn ra Đại hội Hội Cựu chiến sỹ cách mạng bị địch bắt tù đày huyện Hưng Nguyên, ông Cảnh được mời dự và mắt ông như nhòe đi khi chợt thấy ngồi trên hàng ghế đại biểu là người bạn tù đồng hương tên Nguyễn Nhất Thăng (tên thật là Nguyễn Nhất Thắng) ở B2, nhà tù Phú Quốc. Ông Cảnh chỉ đợi giây phút giải lao giữa hội nghị để chạy đến bên người đồng chí của mình. Thoáng chút ngỡ ngàng, hai cựu tù tóc hoa râm ôm chầm lấy nhau trong niềm xúc động nghẹn ngào.




Hai cựu tù Nguyễn Bá Cảnh - Nguyễn Nhất Thắng trong ngày gặp lại.

không xúc động, mừng tủi sao được khi một người ở phường Cửa Nam (Thành phố Vinh), một người ở Hưng Lợi (Hưng Nguyên) chỉ cách nhau vài chục cây số mà mãi tới hơn 40 năm sau ngày giải phóng mới được gặp nhau. Phút gặp nhau bất ngờ đó cũng đưa họ về ký ức của nhà tù Phú Quốc hơn 40 năm trước...


Đó là những ngày bão lửa của năm 1971. Thời điểm này, địch khủng bố gắt gao, chi bộ Đảng trong nhà tù bàn cách để đưa anh em cán bộ cấp cao ra ngoài. Đây thực sự là một việc khó khăn, bởi trong lao tù, dụng cụ và các phương tiện đào hầm không có. Hơn nữa, khu B2 nơi ông bị giam giữ lại là khu vực đặc biệt, được mệnh danh là "chuồng cọp", là "địa ngục trần gian", là nơi dành để giam giữ những tù binh đặc biệt, sỹ quan, cán bộ cao cấp... nên thường xuyên bị theo dõi, quản lý.


Để thực hiện kế hoạch này, ông Cảnh và các đồng chí của mình đã bàn nhau dùng các dụng cụ để ăn như thìa, muỗng, cán cà men để "gia công" thành công cụ. Nhằm tránh bị lộ, chi bộ Đảng do ông Cảnh làm Bí thư chi bộ cũng quyết định chọn căn phòng giam giữ những người bị bệnh tật là điểm khởi đầu cho đường hầm, bởi đây là địa điểm bọn cai ngục thường mất cảnh giác nhất và ngại đến kiểm tra do sợ bị lây bệnh. Sau khi kế hoạch đề ra, nhiệm vụ của ông Cảnh lúc đó là dùng bao xác rắn địch dùng phát gạo mà anh em giấu được bện thành dây thừng, kéo những bao đất nhỏ mà những người đào hầm buộc vào chuyển ra bên ngoài. Đất sau khi được kéo ra chia nhỏ mỗi người một ít bỏ vào túi quần, đến khi địch tập trung điểm danh ngoài sân thì kín đáo tháo ra xoa xuống đất.

Về sau, anh em trong tù đấu tranh yêu cầu địch phải cho đào giếng và lợi dụng việc đó để đổ đất đào hầm. Ròng rã 3 tháng trời, cuối cùng đường hầm dài 300m vươn ra ngoài lớp lớp hàng rào thép gai của địch cũng hoàn thành. Ngày cuối cùng, khi đường hầm đã đào đến sát núi, tổ chức quyết định để anh em tù binh vượt ngục.

Theo dự kiến, trong khoảng thời gian từ 1 giờ đêm đến tảng sáng, nếu di chuyển nhanh sẽ có khoảng 20 tù cách mạng thoát ra ngoài theo đường hầm đó, bản thân ông Cảnh và những tù binh khác sẽ ở lại để nhường cho những đồng chí cán bộ cốt cán ra trước. Kế hoạch đến phút cuối đã thành công, nhưng đến rạng sáng hôm ấy, địch bất ngờ phát hiện ra đường hầm bí mật và người Bí thư chi bộ Nguyễn Bá Cảnh là người đầu tiên phải chịu hình phạt.


Bắt đầu từ chiếc áo mà bọn cai ngục phát hiện được khi lùng sục trong đường hầm, chiếc áo mang mã hiệu 2174 của Nguyễn Bá Cảnh. Đây là chiếc áo lành lặn duy nhất mà ông để lại cho một người đồng đội. Đêm trong trại giam thường lạnh vì nhiệt độ xuống thấp, nhưng có lẽ sau khi chui trong đường hầm một đoạn, vì quá nóng nên người bạn đã cởi ra và vô tình để lại trong hầm. Khi địch phát hiện được chiếc áo, dường như mọi cơn thịnh nộ đều được trút lên người ông với những nhục hình tra tấn dã man nhất như bắt ông ngồi trong thùng nước, gõ liên tục trên thùng nhằm gây áp lực khiến ông đau đầu, điếc, thậm chí sẽ bị hộc máu vì sức ép của nước. Gõ thùng xong, chúng lại lôi ông ra đánh bằng chiếc roi cá đuối. Đánh đến "thịt nát xương tan", chúng lại lấy muối xát lên người ông. Liên tục nhiều ngày như thế, khi trả ông về với phòng giam, không ai nghĩ ông sẽ còn sống. Người đồng hương của ông là ông Thắng đã gặp ông trong hoàn cảnh như thế.


Bản thân ông Thắng trước đó bị đẩy vào biệt giam B2 cũng vì tội "cứng đầu" sau một lần cùng các đồng chí khác tổ chức đưa đồng chí An (cán bộ tập kết) vượt ngục không thành. Sau những trận đòn roi, ông Thắng bị bọn cai ngục đưa về trại B2 để tiếp tục theo dõi. Tại đây, sau khi ông Cảnh bị tra tấn, chính ông Thắng đã tự tay chăm sóc người bạn tù. Trong giờ phút nguy nan, sợ bạn không qua khỏi, ông đã bí mật hỏi quê quán ông Cảnh và biết ông là người đồng hương xứ Nghệ. Ông Cảnh lúc này cũng mới biết người bạn tù có bí danh Nguyễn Văn Thăng, quê quán ở Hương Sơn, Hà Tĩnh thực chất tên là Nguyễn Nhất Thắng và cũng là dân Hưng Nguyên với mình.


Một thời gian sau, ông Thắng bị chuyển đi nơi khác nhưng gần nửa thập kỷ qua, số phận của người bạn tù đồng hương luôn ám ảnh trong ông. Chính ông cũng không tin rằng, sau những trận đòn tra tấn dã man như vậy, ông Cảnh vẫn còn sống. Cho đến hôm nay, 37 năm sau ngày giải phóng, nhìn ông Cảnh bằng xương bằng thịt, 80 tuổi vẫn nhanh nhẹn, minh mẫn đang ngồi trước mắt mình, ông không nén nổi niềm xúc động.Cuộc sống quả thật có quá nhiều điều kỳ diệu!


Khánh Ly - Mỹ Hà

Mới nhất
x
Cuộc hội ngộ xúc động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO