Cuôc hội ngộ xúc động

10/07/2012 19:54

Hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” và người có công tiêu biểu được UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hôm 10/7 là dịp để tôn vinh người có công; đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa; giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn… là dịp mọi người cùng chia sẻ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm giúp nhau cùng phát triển.

(Baonghean.vn) - Hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” và người có công tiêu biểu được UBND tỉnh Nghệ An tổ chức hôm 10/7 là dịp để tôn vinh người có công; đẩy mạnh công tác đền ơn đáp nghĩa; giáo dục truyền thống uống nước nhớ nguồn… là dịp mọi người cùng chia sẻ, giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm giúp nhau cùng phát triển.

Trong sáng ngày 10/7, Hội nghị biểu dương các tập thể, cá nhân làm tốt công tác “đền ơn đáp nghĩa” và người có công tiêu biểu đã thu hút hàng trăm đại biểu từ các địa phương trong tỉnh về tham dự. Rũ bỏ những vất vả trong cuộc sống thường nhật, các đại biểu là những thương binh vượt lên số phận, người ngồi trên xe lăn, người chống nạng bước đi khó nhọc, song ai cũng tươi tắn, niềm vui hiện lên trong khóe mắt, nụ cười. Đến với hội nghị đơn thuần chỉ là được vinh danh mà đến để được chia sẻ, chung vui với những thành công của những người có công tiêu biểu, những người đồng đội năm xưa; cùng nhau giao lưu trao đổi kinh nghiệm nhằm nhân rộng các điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, cũng như các phong trào thi đua yêu nước, phong trào đền ơn đáp nghĩa, góp phần ổn định chính trị - xã hội, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Được đến và báo cáo điển hình tại hội nghị hôm nay, anh thương binh 4/4 Phạm Hồng Đào, xã Quỳnh Hưng, huyện Quỳnh Lưu, xúc động lắm. Anh Đào kể: Năm 1990, với sự giúp đỡ của người thân và chính quyền địa phương, anh đã thành lập Xí nghiệp xây dựng Hồng Đào (sau đổi tên Công ty TNHH Hồng Đào). Vượt qua tất cả khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu, dưới bàn tay chèo lái của anh, sau 20 năm Công ty TNHH Hồng Đào đã trở thành doanh nghiệp vững mạnh, uy tín ngày càng phát triển: 350 lao động làm việc trong công ty anh có thu nhập đạt 3,7 triệu đồng/tháng… 5 năm liền anh luôn là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Anh Đào tâm sự: cố gắng vươn lên làm giàu cho gia đình, cũng là góp phần làm giàu cho quê hương, mỗi người thương binh cần biết vượt qua khó khăn, dám nghĩ dám làm thì sẽ luôn có ích cho đất nước, xã hội.

Thương bệnh binh Trần Đình Thọ, xã Vân Diên, huyện Nam Đàn đã vượt lên nỗi đau bản thân trở thành một người quản lý giỏi. An Thọ tâm tình: Trở về địa phương là một thương binh hạng 2/4, bệnh binh nặng hạng 1/3, dù đã cố gắng cùng vợ con tăng gia sản xuất nhưng đói nghèo vẫn cữ đeo bám; Không nản chí anh tìm các hướng đi mới. Năm 1996, Quỹ tín dụng nhân dân xã Vân Diên được thành lập, anh được Đảng ủy, UBND xã giao trách nhiệm làm giáo đốc điều hành Quỹ. Sau 16 năm, từ 42 triệu ban đầu nay tổng vốn hoạt động đã lên tới 87 tỷ đồng, kết nạp được 2.633 thành viên tham gia góp vốn, huy động được 79,5 tỷ đồng và dư nợ cho vay là 67,6 tỷ đồng, mỗi năm nộp ngân sách hàng trăm triệu đồng. Quỹ đã giúp hai làng nghề truyền thống sản xuất bún bánh khôi phục, nhiều trang trại lớn, nhiều ngành nghề kinh doanh phát triển nhanh chóng; cho vay vốn và giới thiệu được cho trên 1000 lao động đi xuất khẩu lao động. Ngoài ra Quỹ còn ủng hộ, xây dựng các quỹ vì người nghèo, xây dựng nhà tình nghĩa cho gia đình chính sách khó khăn trong xã. Những năm qua, thương bệnh binh Trần Đình Thọ đã nhận được nhiều bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An.

Đó còn là thương binh ¼, Hoàng Ngọc Truyền, phường Nghi Tân, Thị xã Cửa Lò làm kinh tế giỏi, tạo việc làm thường xuyên cho 10 lao động địa phương; Thương binh Phùng Trọng Nghĩa, phường Nghi Thu làm dịch vụ ươm trồng cây cảnh, cây ăn quả hàng năm thu về trên 100 triệu đồng; Ông Hoàng Xuân Trúc, thương binh 4/4 xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu kinh doanh chế biến hải sản, quy mô 75 tấn/ năm, doanh thu 550 triệu đồng/ năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động - mức lương 2,5 triệu đồng/tháng; Ông Đinh Văn Cảnh, thương binh ¼, cụt hai chân, tỷ lệ thương tật 91%, ở Thị trấn huyện Diễn Châu, kinh doanh dịch vụ nhà hàng và sản xuất cơ khí doanh thu đạt 500 triệu đồng/ năm, giải quyết việc làm cho 5 lao động – con em gia đình chính sách, mức lương 3,5 triệu đồng/tháng; Ông Lê Đức Trình, thương binh 3/4 , thành lập Công ty trách nhiệm hữu hạn Trình Độ, xã Diễn Xuân huyện Diễn Châu, chuyên sản xuất đồ mộc dân dụng, doanh thu 5 tỷ đồng/năm, giải quyết việc làm cho 20 lao động – mức lương 4 triệu đồng/tháng… Anh thương binh Nguyễn Ngọc Trung, xã Chi Khê, huyện Con Cuông cho hay: “Ở địa phương chúng tôi, việc chăm sóc thương binh, người có công luôn được thực hiện tốt, trọn vẹn từ chế độ chính sách, cho đến tạo điều kiện phát triển sinh kế. Gia đình tôi đã chọn con đường phát triển là ươm tạo giống cây, giúp được 20 lao động địa phương có việc làm thu nhập 3 triệu đồng. Về dự hội nghị hôm nay tôi thật sự phấn khởi, cảm động, Tôi cũng luôn lấy mình làm gương giáo dục con cái sống có nghĩa có tình, biết ơn những công lao người đi trước và hết lòng giúp đỡ họ ”.

Trong niềm vui gặp gỡ, họ đều gọi nhau bằng cái tên thân thiết là đồng đội, tâm sự về những khó khăn đang gặp phải, ngưỡng mộ, khâm phục trước ý chí vươn lên của người này người kia, chia sẻ cho nhau cả những kinh nghiệm, bài học trong sản xuất, kinh doanh. Và trên hết đều khẳng định, cảm kích sự quan tâm giúp đỡ, đồng của Đảng, Nhà nước và chính quền địa phương để cho cuộc sống gia đình bản thân và những đồng đội mình ngày càng tươi đẹp và giàu ý nghĩa.


Thành Chung - Sỹ Minh

Mới nhất

x
Cuôc hội ngộ xúc động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO