Cuộc hội ngộ xúc động

24/04/2013 11:06

(Baonghean.vn) – Sau hơn 6 năm, nhờ các phương tiện thông tin đại chúng và Trung tâm tìm kiếm ký ức, người thương binh ấy tìm được vợ và con của đồng đội như lời hứa trước khi đồng đội hy sinh.

Lời hứa với đồng đội

Người lính - thương binh ấy bạn đọc báo Tiền phong, Quân đội Nhân dân, Cựu chiến binh, báo Nghệ An,…và bà con phường Hưng Dũng (Thành phố Vinh - Nghệ An) chẳng ai còn lạ. Bị thương tật 81%, được Nhà nước cấp lương, có chế độ người nuôi dưỡng, nhưng với ông “tàn nhưng không phế”, bởi với ông, còn sức khỏe là còn lao động. Làm nghề xe lai, đổ mô hôi và cả nước mắt, ông dành dụm những đồng tiền để bỏ vào ống tre tiết kiệm làm lộ phí cho những chuyến đi dài ngày về lại chiến trường xưa ở Quảng Trị để tìm kiếm mộ đồng đồi, và thắp hương viếng thăm đồng đội. Ông là Đặng Sỹ Ngọc - tác giả cuốn nhật ký “Trời xanh không biên giới” và những lịch trình về Quảng Trị tìm mộ đồng đội.

Trung tuần tháng 4/2013, tìm đến nhà riêng ông Ngọc ở khối Trung Đông phường Hưng Dũng ( TP Vinh) có mẹ con bà Lưu Thị Hồng Phương, trú tại 61 đường Thái Bình (phường Lộc Hạ, thành phố Nam Định) và người con trai tên Nguyễn Quang Bình trú tại khu tái định cư Bắc Thanh Châu (Phủ Lý, Hà Nam). Họ về Nghệ An tìm gặp ông Ngọc là đồng đội, là anh em kết nghĩa với chồng, cha của mẹ con bà trong những ngày ác liệt ở chiến trường Quảng Trị năm 1972 - liệt sỹ Nguyễn Thanh Minh.



Mẹ con bà Phương (hai bên) và vợ chồng ông Ngọc

Câu chuyện bắt đầu từ một trận chiến đấu ác liệt với quân địch tháng 5/1972, trận chiến ấy ông Ngọc (lúc bấy giờ là đại đội phó) chỉ huy trận đánh, một quả bom chùm rơi vào trận địa, ông Ngọc bị vùi lấp và bị thương khá nặng, Nguyễn Thanh Minh và đồng đội đào bới lên và đưa ra điều trị ở phía bắc. Khi ra đến Vĩnh Chấp (Vĩnh Linh), trước khi trở về đơn vị, anh Minh đã đưa cho ông Ngọc tấm ảnh một người thiếu phụ bế đứa trẻ chưa đầy 1 tuổi và nói: “Đây là vợ và con của anh (ông Minh hơn ông Ngọc 5 tuổi), chiến trường ác liệt thế này không biết có còn sống mà trở về, anh đưa tấm ảnh này em giữ giúp, nếu anh hy sinh, em còn sống hãy cố tìm vợ, con của anh, em nhé…”. Phía sau tấm ảnh có dòng chữ “Ngày 14/11/1971, địa chỉ Xí nghiệp đá vôi số 1 Kiện Khê - Thanh Liêm - Nam Hà”.

Đang điều trị tại Vĩnh Chấp, ông Ngọc được tin anh Minh đã hy sinh, nỗi đau mất mát người anh kết nghĩa khiến cho ông Ngọc buồn thương rồi nén đau trốn binh trạm quân y trở về. Đồng đội đã đưa ông đến ngôi mộ anh Minh được chôn ở gần kho quân nhu ở Ái Tử, anh Minh được xác định hy sinh ngày 27/5/1972. Đầu tháng 7/1972, trong một trận chiến khác, ông Ngọc bị thương rất nặng phải rời trận địa về phía sau để điều trị vết thương.

Ông Ngọc bị gãy chân, tay và chấn thương ở đầu, với tỷ lệ thương tật 81%. Chiến tranh kết thúc, ông Ngọc về quê hương nhưng sức khỏe ngày càng yếu, nhớ đến đồng đội nhưng không thể làm gì được vì cuộc sống ngày ấy quá khó khăn. Đau đáu lời căn dặn của anh Minh, nhưng chưa tìm thấy mộ nên ông Ngọc vẫn chưa liên lạc với gia đình. Tấm ảnh của vợ con anh Minh vẫn được ông cẩn thận cất giữ với tâm niệm sẽ tìm bằng được mộ của anh…

Trở về Nghệ An, trong khi đi xe lai, ông lại bị gãy chân lần thứ 3, ông Ngọc đã gửi thư đến địa chỉ ghi sau tấm ảnh nhưng không có hồi âm. Qua bao cuộc chiến, mất mát bao thư tín, kỷ vật nhưng lạ thay, tấm ảnh của vợ con người anh liệt sỹ vẫn không mất. Ông Ngọc đã in tấm ảnh và những thông tin liên quan gửi Báo CCB, báo Quân đội, báo Hà Nam, Đài truyền hình Trung ương và chương trình “Trở về ký ức” để nhờ tìm vợ và con trai Liệt sỹ Nguyễn Thanh Minh có tên Phương và Bình. Qua nhiều tháng năm, cuộc lần tìm lâm vào bế tắc khi lần đó, đến được với những địa chỉ cũ ở Hà Nam thì mất dấu. Ông Ngọc thất vọng tưởng chừng phải bỏ cuộc thì đột nhiên, trợ lý của chị Thu Uyên gọi điện thoại thông báo đã tìm thấy vợ và con của liệt sỹ Minh. Ông Ngọc mừng phát khóc. Khi có thông tin về vợ con ông Minh, ông Ngọc gọi điện thoại và thông báo những chuyện giữa mình và Liệt sỹ Minh ngày còn ở chiến trường Quảng Trị.

Cuộc hội ngộ ở Thành Vinh

Trở lại chuyện của vợ và con của liệt sỹ Nguyễn Thanh Minh. Giữa năm 1972, nhận được giấy báo tử của đơn vị C10 D15 E284 F367 đồng chí Nguyễn Thanh Minh đã hy sinh trong lúc làm nhiệm vụ. Lúc bấy giờ Bình mới hơn một tuổi, bà Phương làm công nhân ở một lâm trường thuộc tỉnh Hà Nam. Nghe tin người con trai duy nhất đã hy sinh, bố mẹ của Liệt sỹ Minh đau đớn khôn cùng, sinh hạ có mỗi mụn con trai, theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc con trai lên đường tòng quân giết giặc. Những tưởng đất nước sẽ thái bình, con sẽ về phụng dưỡng tuổi già cho bố mẹ, nào ngờ con trai đã nằm lại mãi mãi ở chiến trường. Nghĩ đến đứa cháu đích tôn của dòng họ, ông bà đã đến bàn với con dâu đón cháu về nuôi dưỡng.

Đau đớn vì chồng đã hy sinh, nhưng thương bố mẹ chồng đã già đêm ngày ngóng tin con, bà Phương đã gạt nước mắt đưa con trai cho ông bà và yên tâm trở về lâm trường công tác. Nhưng ngày trở về thăm con thì ông bà nội đã bế Bình đi mất, lần tìm mọi manh mối hơn một năm trời không tìm được con, biết ông bà nội sợ mất cháu nên đã bế cháu đi xa, bà Phương đành trở về công tác và gá nghĩa vợ chồng với một người công nhân ở cùng nơi công tác.

Đang học cấp 2, Bình ốm nặng, sốt cao và dai dẳng, do ông bà nội đã già yếu, ở xa bệnh viện lại trong thời chiến, không được chữa trị kịp thời nên Bình bị bại liệt nửa người phải bỏ dở chừng năm học lớp 7.

Bình đủ 17 thì ông nội ốm nặng rồi mất, 2 bà cháu nương tựa vào nhau bằng một phần tiền tuất của mẹ liệt sỹ. Năm 1994, bà nội được Nhà nước phong tặng danh hiệu “Bà Mẹ Việt Nam anh hùng” (ông nội Bình cũng là cán bộ lão thành cách mạng). Bà đã già yếu không đủ sức để chăm sóc nên Bình được gửi vào Trung tâm phục hồi chức năng ở Ba Vì (Hà Nội), được học nghề may nhưng tay trái bị bại liệt nên trì trật mãi vẫn không thể may nổi quần áo. Thương hoàn cảnh tật nguyền của Bình, Xí nghiệp 27/7 nhận Bình vào làm bảo vệ bán thời gian để có thu nhập duy trì cuộc sống. Thời còn sống ở Trung tâm, tình cờ một người bạn về thông tin của mẹ, mừng vui khôn xiết Bình quyết tâm đi tìm mẹ, nhưng tiền không có, bản thân lại tàn tật. Một người đàn bà tốt bụng thấy Bình tàn tật đã đưa về nhà cho ăn uống, cưu mang một thời gian rồi gả người con gái đầu lòng cho Bình.

Bà nội mất được 2 năm thì Bình tìm được mẹ, cuộc sống đã ổn định tuy vẫn còn nghèo khó. Hôm nay, giữa thành phố Vinh được gặp đồng đội của bố, mẹ con Bình cảm động vui mừng rơi nước mắt. Dù đến nay, mộ của bố vẫn chưa tìm được nhưng với một đứa con tật nguyền như Bình, được gặp đồng đồng đội của bố, được biết tin về những ngày chiến đấu của bố ở chiến trường cũng là niềm động viên, an ủi để vượt lên tật nguyền sống tốt, xứng với sự hy sinh của bố.

(Ghi theo lời kể của ông Đặng Sỹ Ngọc và mẹ con bà Phương - anh Bình)


Hà Linh

Mới nhất
x
Cuộc hội ngộ xúc động
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO