Cuốn theo chiều “dó”

(Baonghean) - Hồi bé, cứ đến Tết là tôi lại hóng xem bà cuốn hương trầm. Nằm chống cằm nhìn những tờ giấy trắng phau, mỏng như tấm mạng che mặt của cô thiếu nữ tôi từng thấy trong một quyển sách Tây mà ngủ gật lúc nào không hay. Bây giờ, người ta cuốn hương trầm bằng giấy dập khuôn. Bà tôi không còn, những tờ giấy dó xưa cuốn theo chiều gió... (Về làng giấy dó Phong Phú, xã Nghi Phong, huyện Nghi Lộc).

3 người phụ nữ ngồi trên chiếc ghế con trước sân nhà, tước vỏ thứ cây còn tươi và toát ra một mùi thơm thanh như mùi mía. “Cây chi đó chị? - Cây niệt làm giấy chơ nị. Ngày xưa có sức thì đi rừng tìm, có khi đi từ 4, 5 giờ sáng đến đêm, chất thành bó to như miệng giếng khoan đèo 2 bên xe máy. Gư cha, phải trốn công an rành khổ!”. Tôi ngạc nhiên: “Họ cấm chặt cây ni ạ? - Cấm chi cấm cây ni? Tại cồng kềnh thôi o nờ”.

Vừa nói, người phụ nữ vừa luôn tay làm việc, con dao sắc lẹm chuốt đến đâu là thứ vỏ đen sần ở ngoài bị lược ra đến đó, chất thành đống cong queo như những mùn cưa, chừa lại phần lõi xanh trần trụi. Một chị khác dừng tay, tếu táo: “Làm giấy công đoạn đang mê ra. Bóc vỏ niệt xong phải ngâm nước cho mềm, sau đó xé nhỏ như que tăm rồi đổ vô nồi nấu với nước vôi hơn 2 ngày. Lúc nớ lại ngâm cho trôi nước vôi đi, rồi giã cho mịn ra thành hồ, trộn với nhớt cây bét bét (cây bùm bụp, cây ba bét). Chà, xong mô đó là đổ lên khuôn, phơi khô. Công trình ra rứa tê mà. Tề, ông Hà với thằng cu Hựu đang bóc giấy đó tề. O theo mệ Loan ni tí ra xem đổ giấy cho biết!”.

Bóp vỏ cây bét bét lấy nhớt.

Những khuôn giấy làm từ tre, nứa, khoảng 1 mét vuông, dựng rải rác trên lối vào, ngoài sân, trong vườn đang được 2 người đàn ông thu lại, dựng thành chồng ở bờ tường. Rất cẩn thận, bàn tay đàn ông tưởng như vụng về lại khéo léo bóc một góc tờ giấy rồi tách ra khỏi khuôn. Tờ giấy trắng mỏng để ánh sáng lọt qua lờ mờ như một chiếc màn, trông như thể chỉ kéo rất khẽ là rách toạc nhưng hoá ra lại dai như được dệt nên từ tơ nhện.

Khi giấy đã bóc ra khỏi khuôn, người ta vuốt cho phẳng phiu rồi gấp làm tư, xếp thành một chồng bềnh bồng tựa như xếp mây, xếp khói. Tôi say mê nhìn bàn tay người làm giấy bóc giấy, xếp giấy thoăn thoắt, hỏi: “Một ngày chắc phải làm được mấy trăm tờ chị hầy? - Trăm răng được, cả nghìn tờ. Làm giấy 1 ngày kiếm được 1 triệu đồng đó o ạ”. Mấy người còn lại cười hinh hích, còn tôi thì ngạc nhiên tròn xoe mắt: “Thật à chị? - 1 triệu mà không có tiền tiêu, trêu o chớ ngày nắng đổ được 2 bận, ngày mưa riu riu đổ được 1 bận, mỗi bận cứ 50 khuôn đó. Giấy khi đắt thì 3 nghìn 1 tờ, hồi tháng trước có 2 nghìn 7 thôi nờ. Tiền mua cây niệt, cây bét bét, xăng xe gần nửa. Mà dừ bế tắc nhất là đầu ra cho sản phẩm”. Nghe câu cuối của chị nghiêm trọng như thốt lên từ miệng một nhà nghiên cứu kinh tế vi - vĩ mô chính hạng, tôi nín cười hỏi: “Bế tắc răng chị? - Ngày xưa giấy ni để cuốn hương, làm quạt, dán bụng cá. Dừ có giấy nhập từ Hà Nội về, dập khuôn rẻ hơn nhiều. Hương chuẩn đáng ra là phải cuốn giấy dó ni, đốt hấn thơm mà giấy không bị cháy, không đổ tàn trắng trước hương. Dừ chỉ có dân biển ở Diễn Châu, Cửa Lò, Hà Tĩnh mua giấy ni về dán bụng con cá bị bể để khi nấu nướng hấn không bục ra. Mà o nói, chầu ni kinh tế khó khăn, đi biển chết đói thì làm giấy chết đói, đúng chưa? Dừ mà có công ty mô to thật to, bốc thật bốc về thu mua đầu ra thì họ đổ xô đi làm giấy hết chơ ai bỏ nghề?”.

Tôi gật gù, có lý quá đi chứ! Vừa hay, 1 người đàn ông lững thững đi vào, chào cả nhóm rồi ngồi vắt vẻo trên bậu sân, hái một quả cam ăn, trông tự nhiên như thể đã thành thói quen. Một người phụ nữ giả giọng trịnh trọng: “Nếu không nhờ ông Trị đây thì bầy tui chết đói trơ rọt (trơ ruột) cả rồi. O cứ đi thấy ông mô bụng to như ông ni là “đại lý” thu gom giấy để đi bán đó, ông Trị hầy? Làng thì làng Phong Phú mà nghèo như xơ mướp, ông bà đặt tên chi lạ!”. Cả nhóm người cười ầm lên, ông Trị - có lẽ thẹn - im lặng ăn một múi cam rồi nhăn mặt đưa phần còn lại cho mấy người phụ nữ, làu bàu: “Cam chua lè ri bay?”. Chị Loan chủ nhà tếu táo trêu ông Trị thêm 1 câu rồi đứng dậy đi vào trong chuẩn bị đổ giấy lên khuôn.

Hồ giấy đã nấu, giã xong xuôi đâu vào đó, lợn cợn trắng trông như một chậu canh yến sào khổng lồ. Chị Loan nhào một thau vỏ cây bét bét với nước, lâu lâu lại đổ vào chiếc rổ kê trên 2 thanh nứa bắc ngang chậu hồ cho thứ nhớt trong suốt, dẻo quánh chảy xuống như một cơn mưa kẹo mạch nha. Chị quấy mạnh thứ hỗn hợp ấy cho quyện vào nhau, khiến đàn lợn trong chuồng ngay sau lưng giật mình, dỏng tai nghe tiếng xì xụp như con lợn nào đang ăn cám, kêu lên rối rít đòi phần mình.

Vừa làm, chị vừa chỉ đứa con trai đang lăng xăng dựng khuôn cho mẹ: “Nhà có 4 đứa thì 1 o gả rồi. Thằng ni đang học cắt tóc, thằng nữa thì đi làm xa. 1 đứa út đang học cấp 3. Có đứa mô thiết làm giấy nữa mô? Làng Phong Phú ni làm giấy từ lâu đời, ông bà sinh ra đã có nghề, rứa mà dừ thanh niên hấn thoát ly đi buôn bán, sửa chữa cơ khí, làm phế liệu hết. Toàn ông tra, bà tra làm giấy túc tắc kiếm ngày mấy chục, chăn nuôi thêm con ni, con tê”. Chị băn khoăn là đúng lắm, vì theo như chị kể năm 2007 khi “rước làng văn hoá” (đón nhận danh hiệu Làng văn hoá), cả làng có đến 70, 80 trên hơn 90 hộ làm nghề thì nay chỉ còn 26 hộ. Mặc dù có điểm khác với các làng nghề khác là đồ nghề nhà ai cũng có, khi nào thích thì soạn sửa dăm, ba ngày là lại làm giấy như thường. Thế nên tháng trước chỉ có 20 hộ làm nghề, tháng này giá giấy lên lại có thêm 6 hộ, không biết tháng tới sẽ ra sao? Nhưng cũng chỉ có lớp người trung niên trở lên còn bám nghề làm giấy, thanh niên người biết qua quýt, người u ơ mù tịt, xem như mất nghề! Ngoài sân vẫn nghe tiếng mấy người phụ nữ nói chuyện tếu táo, liến thoắng như đang hát. “Nghe nói nhà Thái Bích trưởng xóm mới báo cáo với chuyên viên chi chi của sở, của bộ về khảo sát làng nghề ta, đề xuất cơ cấu thêm nghề bây nờ! - Thật à?”. Chị Loan dừng tay chốc lát để hóng chuyện rồi lại trở về với guồng công việc: tráng khuôn, sàng khuôn, rồi vò bét bét, rồi khuấy hồ, rồi tráng khuôn...

Tôi trầm ngâm nhìn người phụ nữ nhỏ nhắn múc từng bát hồ tráng lên tấm vải xô của chiếc khuôn như tráng một lát bánh mướt khổng lồ, luôn tay sàng qua sàng lại cho hồ giấy tráng đều lên khuôn. Cậu con trai đỡ khuôn từ tay mẹ, dựng cẩn thận 2 chiếc một úp lưng vào nhau, trắng phau như những con cò đang rũ cánh, nghỉ ngơi.

Bóc giấy ra khỏi khuôn

Tôi đi giữa 2 hàng khuôn giấy ướt lấp loá dưới ánh nắng yếu dần của ráng chiều, thấy tâm hồn dường như bỗng tinh khôi lại. Nhắm mắt nghe vọng lại tiếng nói cười như tiếng hát mà ngỡ nghe giọng bà ru hời một thuở nằm nôi: “Con cò bay lả, bay la, bay từ cửa phủ, bay ra cánh đồng...”. Những cánh cò chấp chới đậu lại trên chiếc khuôn tre, xoã cánh trắng cả hồn tôi một buổi chiều nhớ nhung, hoài niệm. Nhà ai đốt vỏ cây niệt làm tro, khói bốc lên tưởng như bà tôi xưa vẫn đốt hương trầm, khiến mắt cay cay. Chồng giấy dó nằm im lìm nhớ nhung một làn hương khói, có lẽ đang chờ trời nổi ngọn gió nào để cuốn về một cõi xa xăm...

Bài, ảnh: Thục Anh

tin mới

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

Khoai mài, chuối sáp miền Nam 'bén duyên' trên đất Anh Sơn

(Baonghean.vn) - Từ sự năng động của lãnh đạo UBND, Hội Phụ nữ xã Thành Sơn (Anh Sơn) xây dựng mô hình chuyển đổi cây trồng, đưa giống cây củ mài và chuối sáp từ miền Nam về trồng tại xã Thành Sơn. Qua 1 năm thử nghiệm, mô hình mang lại thu nhập cao, người dân phấn khởi tiếp tục sản xuất.

Các mẫu xe đời mới hầu hết sử dụng nhiên liệu diesel đạt tiêu chuẩn Euro 5. Ảnh: Văn Trường

Người dùng ô tô ở Nghệ An vất vả tìm dầu diesel đạt chuẩn khí thải Euro 5

(Baonghean.vn) -Theo quy định của Chính phủ, từ ngày 1/1/2022, các mẫu xe ô tô mới bán ra tại thị trường Việt Nam đều phải đạt chuẩn khí thải Euro 5. Tuy nhiên tại địa bàn Nghệ An, số lượng cửa hàng bán xăng, dầu đạt chuẩn Euro 5 hiện vẫn còn rất hạn chế, khiến người tiêu dùng gặp nhiều khó khăn.

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

Nghệ An sẽ có khoảng 4.200 ha lúa thiếu nước trong sản xuất vụ hè thu - mùa

(Baonghean.vn) - Theo tính toán dựa trên dự báo thời tiết và nguồn nước hiện tại, vụ hè thu - mùa 2024, Nghệ An có trên 4.200 ha lúa có nguy cơ hạn hán, thiếu nước tưới. Chủ động giải pháp chống hạn là nội dung ngành Nông nghiệp và các địa phương cần tập trung thực hiện ngay từ đầu vụ sản xuất.

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

Đẩy mạnh thu hút đầu tư, phát triển hạ tầng thuỷ lợi

(Baonghean.vn) - Ngành Nông nghiệp và PTNT đã nỗ lực thu hút các nguồn vốn đầu tư vào hệ thống thuỷ lợi, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất, đáp ứng yêu cầu phát triển nông nghiệp hiện đại, thích ứng biến đổi khí hậu, chủ động phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.

Mực nháy

Du khách chen chân mua đặc sản mực nháy tại phố biển Cửa Lò

(Baonghean.vn) - Mực nháy là đặc sản nức tiếng tại phố biển Cửa Lò mà bất cứ du khách nào khi trở về cũng đều muốn thưởng thức. Vào mỗi đêm, ánh đèn của tiểu thương hoà lẫn vào ánh đèn đô thị khiến khu chợ mực nháy sáng bừng, tiếng nói cười râm ran cả một vùng...

Xuân Hoàng

Du lịch Tân Kỳ cần cú hích từ giao thông

(Baonghean.vn) - Huyện Tân Kỳ có tiềm năng phát triển du lịch cộng đồng và sinh thái, danh lam thắng cảnh. Tuy nhiên, hiện nay một số tuyến đường giao thông chính trên địa bàn xuống cấp, hoặc có điểm du lịch như cây sanh nghìn tuổi ở xã Giai Xuân chưa được đầu tư làm đường nên dần bị lãng quên.