Cuốn tiểu thuyết cảm động về chiến tranh

29/07/2013 21:44

(Baonghean) - Nhà văn Đào Thắng trước khi trở thành một nhà văn chuyên nghiệp, ông là một sĩ quan quân đội mang hàm đại tá, trưởng thành từ một lính chiến thật sự. Ông đã cho xuất bản 9 tập văn xuôi, trong đó có 7 cuốn tiểu thuyết. Với 7 cuốn tiểu thuyết ấy, ông đã 2 lần giành giải thưởng của Hội Nhà văn và 2 lần giành giải thưởng của Bộ Quốc phòng dành cho tác phẩm viết về lực lượng vũ trang. Đó là tiểu thuyết Nước mắt và tiểu thuyết Dòng sông mía - những cuốn sách và giải thưởng đã đưa ông vào danh sách những nhà tiểu thuyết đáng chú ý của văn học đương đại.

Nhiều tác phẩm viết về chiến tranh riêng tiểu thuyết Nước mắt (xuất hiện đầu những năm 90 của thế kỷ XX) của nhà văn Đào Thắng nói về cuộc chiến đấu với Mỹ ngay trên mảnh đất miền Bắc XHCN - cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ trên dải đất khu Bốn - nơi cửa ngõ tiếp viện cho chiến trường miền Nam, đã cho ta thấy: Cuộc chiến đấu với máy bay, bom đạn và pháo hạm của Mỹ khốc liệt, ghê gớm với bao mất mát, hy sinh đến không tưởng tượng nổi. Đây là một thực tế của cuộc chiến đấu chống đế quốc Mỹ không phải ai cũng biết.

Nhà văn Đào Thắng tâm sự: "Quyển sách này, tôi viết về chính đại đội của tôi, Đại đội 8, "xê tám". Trong những năm Mỹ ném bom mang tính hủy diệt toàn bộ sự sống, đại đội tôi chốt tại đầu Bắc phà Bến Thuỷ (Vinh, Nghệ An). Các nhân vật trong sách đều mang hình bóng của những con người có thật. Tôi đã lấy tên các liệt sĩ hy sinh trong các trận đánh ác liệt nhất đặt tên cho một số nhân vật trong tiểu thuyết Nước mắt…". Các nhân vật của Nước mắt chủ yếu là các chiến sĩ của đơn vị pháo binh "xê tám" của Đoàn pháo binh Sông Châu, sống trong một không khí chiến trường đặt biệt: Cuộc chiến tranh huỷ diệt quyết đưa miền Bắc "trở về thời kỳ đồ đá" của đế quốc Mỹ và những con người bé nhỏ mà gang thép, quyết đối đầu với thế lực huỷ diệt ấy, bảo vệ con đường tiếp viện cho mặt trận. Bên cạnh những người lính pháo binh là những cô gái thanh niên xung phong, là những người dân khu Bốn kiên cường và đặc biệt là những người phụ nữ, nhân vật mà Đào Thắng chú ý miêu tả chính là những người phụ nữ và "thân phận tình yêu" - một sức mạnh mỏng manh nhưng bất tử luôn là đối kháng của chiến tranh, sự huỷ diệt và cái chết.



Bìa cuốn sách

Câu chuyện Đào Thắng kể có thể nói không có chuyện. Nó bắt đầu bằng hình ảnh của một đoàn xe kéo pháo nối nhau hành quân giữa một vùng đất chết - một vùng đất khu Bốn bị bom đạn Mỹ huỷ diệt, nơi mà "con chim cũng đang thỉu đi vì nắng nóng ghê gớm". Đó là cuộc hành quân của đơn vị pháo cao xạ của Thái - nhân vật chính. Đơn vị anh phải hành quân gấp thực hiện kế hoạch trấn giữ một trọng điểm giao thông trên con đường ra mặt trận, một "ngã ba thị trấn không sinh vật nào sống nổi trên mặt đất, “nơi có những bà mẹ "vuốt mắt người chết đến thuần thục”. Những người lính không chỉ phải sống, tồn tại, mà còn phải luôn ngẩng cao đầu để trinh sát bầu trời, ngồi trên mâm pháo đánh trả máy bay địch trong những cơn đói ngủ, thiếu thốn mọi bề. Ngòi bút của Đào Thắng không ngại ngùng miêu tả cái sự thật trần trụi, gớm ghiếc mà chiến tranh dội lên đầu những người lính pháo. Và nhiều người trong số họ đã hy sinh, hy sinh hết lớp này đến lớp khác; có cả những tiểu đoàn, trung đoàn pháo bị xoá sổ. Ở "xê tám" của Thái, những Xương đại đội phó; những Viên pháo thủ, rồi Đăng - chiến sĩ đo xạ kiêm pháo thủ tính tình dễ thương họ lần lượt hy sinh. Rồi cuối cùng là Thái, nhân vật chính, quê Hải Phòng cũng đến ngày nằm xuống...

Cảm xúc bi thương đóng vai trò chủ đạo của cuốn tiểu thuyết. Bạn đọc bị cuốn đi trong cảm xúc bi thương kia, đặc biệt là "thân phận tình yêu" của hai nhân vật Thái và Lam Hồng. Thái - một pháo thủ và một trinh sát giỏi. Còn Lam Hồng - cô nữ sinh Thành phố Vinh có nhà ở gần nơi Thái đóng quân. Trước hy sinh, mất mát của những người lính, cô gái "bỗng thấy từ trong trái tim mình trào lên một tình cảm lạ lùng. Tình cảm ấy không hẳn là tình yêu, nó bồng bột dâng trào và cô gái bỗng thấy mình lớn hẳn lên, lớn hơn anh rất nhiều. Anh cần được chở che, cần được nghe một lời nói dịu ngọt, cần được vỗ về, ôm ấp như trẻ thơ". Cô gái ấy đã bỏ học, bỏ nơi sơ tán quay về nơi bom rơi, đạn nổ, ra trận địa pháo, san sẻ với Thái và những người lính. Một trận bom tàn khốc đã giết cả Thái và Lam Hồng, trong một căn hầm bỏng cháy bom napan, với lời kêu cứu cuối cùng của người con gái: "Tôi muốn đạp tung căn hầm này, đạp tung cả trái đất này! Trả người yêu cho tôi". Họ ôm lấy nhau trong giấy phút cuối của kiếp người…

Gấp cuốn sách lại, âm hưởng ấy vang lên. Nhớ về cuộc chiến đấu giành lại độc lập cho Tổ quốc, đọc lại Nước mắt của nhà văn Đào Thắng, chúng ta càng cảm động, càng nhớ về những mất mát hy sinh và càng hiểu thêm ý nghĩa của ngày chiến thắng, của hòa bình và đặc biệt là sự giành lại hòa bình…


Phạm Hồ Thu (Hà Nội)

Mới nhất
x
Cuốn tiểu thuyết cảm động về chiến tranh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO