Đã có dấu hiệu mua bán người

(Baonghean) - Ngày 29/9/2012, Báo Nghệ An đăng bài: “Báo động nạn buôn người tại Khu tái định cư Bản Vẽ” đã được đông đảo cán bộ, nhân dân và bạn đọc rất quan tâm. Để làm rõ thêm hành vi của các đối tượng liên quan, PV Báo Nghệ An tiếp tục điều tra và phát hiện thêm nhiều tình tiết mới không chỉ mang tính lừa đảo, đưa người đi lao động nước ngoài trái phép mà còn có dấu hiệu mua bán người rất nguy hiểm cần kịp thời ngăn chặn.

Tình trạng người dân tại Khu tái định cư Bản Vẽ bị lừa và bán sang Trung Quốc bằng nhiều hình thức đã diễn ra khá lâu. Trong đó, điểm "nóng" là xã Ngọc Lâm (Thanh Chương) - nơi sinh sống của đồng bào dân tộc Thái tái định cư Thủy điện Bản Vẽ. Ở đây, đời sống người dân gặp nhiều khó khăn, thanh niên đến tuổi lao động không có việc làm. Lợi dụng điều đó nên một số đối tượng ở các địa phương khác đã đến dụ dỗ thanh niên trai tráng và các thiếu nữ với chiêu bài đi làm ăn xa, công việc nhẹ nhàng, mức lương hấp dẫn từ 6,5 triệu đồng trở lên ở các khu công nghiệp gần Cửa khẩu Móng Cái. Nghe những lời rủ rê bùi tai đó, nhiều chàng trai, cô gái đã rơi vào cạm bẫy. Ông Vi Văn Phong - Phó Bí thư Đảng ủy xã Ngọc Lâm cho biết: Hiện toàn xã có 247 người là thanh niên đi làm ăn xa, trong đó có cả những người đang ở bên Trung Quốc. Nói rồi ông đọc cho chúng tôi bản danh sách trong đó có 11 thiếu nữ đi sang Trung Quốc từ các năm 2001, 2009, 2010 đến nay vẫn chưa về.

Để hiểu rõ thêm tình hình, chúng tôi tìm xuống các bản của đồng bào dân tộc Thái ở khu tái định cư. Bí thư Chi bộ bản Lạp là ông Lô Thái Hoan khi đề cập đến tình trạng một số thiếu nữ trong bản bị lừa sang Trung Quốc, ngậm ngùi kể: Cũng do nghèo mà ra cả chú à. Trong bản có 3 cháu là Lô Thị B (SN 1992), Kha Thị H (SN 1992) và Lô Thị H (SN 1994) mới bị lừa đưa sang Trung Quốc hơn 1 tháng nay. Đối tượng xuất hiện vào ban đêm, đến gia đình rồi hứa dẫn các cháu đi làm ăn với mức lương cao. Khi được các cháu đồng ý, đối tượng này đưa cho mỗi gia đình 10 triệu đồng và dẫn nạn nhân đi. Được gần 1 tháng thì các cháu gọi điện về nói là đã bị đưa sang Trung Quốc và bị ép lấy chồng, khi đó gia đình mới biết bị lừa.

Bố mẹ nạn nhân Lô Thị H vẫn chưa hết bàng hoàng khi biết con mình đã bị bán và ép lấy chồng bên Trung Quốc

Chúng tôi tìm đến gia đình nạn nhân Lô Thị H, căn nhà sàn tái định cư của gia đình H mới được xây dựng khoảng 6 năm nhưng trông nhem nhuốc, cũ kỹ. Trong nhà chỉ có chiếc ti vi màu là có giá trị. Thấy có người lạ đến hỏi về tình hình của con, ông Lô Đình Anh (bố nạn nhân H) như chực khóc. Ông cho biết: Thấy có người đến xin cho cháu được đi làm lương cao, cháu thích nên tui cũng đồng ý. Lúc chuẩn bị đi, họ đưa cho mẹ cháu 10 triệu đồng. Đi chừng nửa tháng thì H có gọi điện về nói là đã sang bên Trung Quốc và bị ép lấy chồng. Chồng H khoảng 20 tuổi, trong nhà có 5 anh em. Cứ khoảng 3 - 4 ngày, H gọi điện về cho gia đình một lần và dặn là bố mẹ phải đòi Quang Thị T (đối tượng lừa bán H) thêm tiền vì T đã thu nhiều tiền từ gia đình của chồng H. Nghe con nói vậy, gia đình không dám trình báo công an mà vẫn tin tưởng có một ngày T sẽ trở lại đưa thêm tiền cho gia đình. Nói rồi mẹ H đưa cho chúng tôi xem số điện thoại lạ mà H thường dùng để gọi về nhà, nhưng khi chúng tôi thử bấm máy thì không thể liên lạc được. Mẹ H nói khi nào nó muốn nói chuyện thì nó chủ động gọi về, chứ ở nhà gọi sang không được.

Gần với nhà H là nhà Kha Văn C, có con tên là Kha Thị H cũng bị lừa bán sang cùng đợt với Lô Thị H. H là cháu ruột của trưởng bản Kha Văn Bình. Nhà H thuộc diện nghèo nhất bản. Mẹ H là chị Lương Thị P bị bệnh đau ốm triền miên. Khi chúng tôi đến nhà thì anh Kha Văn C (bố đẻ H) đang đưa vợ xuống bệnh viện trị bệnh. Qua trao đổi, anh C cho biết: Lúc có người đến xin cho cháu H đi tui không đồng ý. Vợ tui thì nghĩ con đi làm ăn xa, lương cao nửa muốn cho đi, nửa không, vì sợ con mình bị họ lừa. Hôm đó, gia đình có tổ chức uống rượu nên tui say quá. Sau khi tỉnh dậy thì mới biết cháu H bị đưa đi rồi và họ có đưa cho vợ tui 10 triệu đồng. Thỉnh thoảng cháu H cũng gọi điện về hỏi thăm sức khỏe bố mẹ. Cháu kể là đã bị ép lấy một người bị cụt tay làm chồng. Khi chúng tôi hỏi tại sao gia đình không báo cho công an, anh C cho biết là do không có thời gian?! Bây giờ gia đình cũng mong muốn cháu H về nhưng cũng đang chờ tiền từ bên Trung Quốc gửi về thêm! Trò chuyện với chúng tôi, bà Lô Thị P (bác của nạn nhân Kha Thị H) cho biết thêm, khi đến nhà H chơi, bà có nghe cuộc điện thoại H điện về cho bố ­mẹ, H nói bố mẹ phải đòi cho được vài chục triệu đồng vì khi tổ chức đám cưới cho H, T cũng thu thêm rất nhiều tiền từ gia đình chồng của H...?

Theo thông tin chúng tôi thu thập được thì đối tượng lừa 3 thiếu nữ tại bản Lạp là Quang Thị T. Đối tượng này trước đây cũng ở tại bản Lạp (xã Kim Tiến, huyện Tương Dương). Sau khi có dự án di dời xuống khu tái định cư tại xã Ngọc Lâm (Thanh Chương), T không theo gia đình mà lên sống tại bản Lằn (xã Chiêu Lưu, huyện Kỳ Sơn). Ông Kha Văn Bình cho biết: Đối tượng T này thường thoắt ẩn, thoắt hiện tại địa phương nên chúng tôi không nắm được. Có bữa tôi nghe vợ của em trai (mẹ cháu Kha Thị H) nói chuyện qua điện thoại với T và có hứa là sẽ về đưa thêm tiền nhưng chắc là sợ bị động nên chưa dám về.

Trên địa bàn xã Ngọc Lâm hiện nay có một số người từng bị lừa sang Trung Quốc nay đã trở về. Những người này đa số là nam giới, có những trường hợp như Vi Chiến Sỹ, Vi Trung Đức, Lương Văn Sơn tại bản Mà, xã Ngọc Lâm may mắn được thoát về sau khi nạp đủ 3,5 triệu đồng/người. Tiếp xúc với chúng tôi, ông Vi Văn Quỳnh (bố nạn nhân Vi Chiến Sỹ) vẫn chưa hết bàng hoàng và cho chúng tôi biết: Cũng may là cháu tìm cách về được, chứ còn ở bên thì không biết sống chết thế nào. Mặc dù đối tượng đưa cháu Sỹ đi là Trần Đăng Bình (xã Trung Sơn, Đô Lương) đã bị Tòa án nhân dân huyện Thanh Chương kết án 5 năm tù giam và yêu cầu bồi thường cho 3 gia đình nạn nhân, mỗi gia đình 3,5 triệu đồng. Tuy nhiên, đến nay gia đình chúng tôi chưa nhận được đồng nào cả.

Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết: Một trong những chiêu thức mà các đối tượng thường dùng để lừa đảo là liên lạc với các nạn nhân bằng điện thoại, với những lời hứa hấp dẫn, ngon ngọt. Sau đó, chúng hẹn nạn nhân ở một địa điểm khác, cách xa nơi ở như lên Tương Dương, hoặc xuống TP Vinh, rồi từ đây mới đưa nạn nhân đi sang Trung Quốc. Trong khi đó, chính quyền địa phương lại không nắm rõ được thời gian đối tượng xuất hiện, tên tuổi và lai lịch của các đối tượng lừa đảo, cùng với đó là nhận thức của gia đình và các nạn nhân còn chưa cao nên dẫn đến bọn lừa đảo này vẫn tiếp tục thực hiện trót lọt nhiều vụ. Có những trường hợp như 2 cháu  Vi Thị T, Lô Thị T ở bản Noòng được lực lượng Công an xã Ngọc Lâm, Thanh Hương và Đồn Biên phòng 559 giải cứu, nhưng về nhà chỉ sau 1 ngày là lại bị đối tượng rủ rê bỏ đi.

Thiết nghĩ, để tình trạng lừa đảo và dụ dỗ người dân ở Khu tái định cư Bản Vẽ vượt biên trái phép ra nước ngoài rồi bị bán làm lao động, làm vợ không còn tái diễn thì các cấp chính quyền, ban, ngành, đoàn thể từ tỉnh đến huyện và các xã khu tái định cư cần phải vào cuộc một cách quyết liệt, đồng thời phải tạo việc làm cho những người đến độ tuổi lao động ở các khu tái định cư mới để họ an cư lạc nghiệp, không vì miếng cơm manh áo mà bị kẻ xấu dụ dỗ lừa đảo. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc điều tra, làm rõ để đưa các nạn nhân về với gia đình và những đối tượng có hành vi phạm pháp phải bị trừng trị thích đáng.

Nhóm P.V

tin mới

Điện Biên Phủ

Hội thảo ‘70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An’

(Baonghean.vn) - Sáng 25/4, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Nghệ An phối hợp với Cục Chính trị Quân khu 4 tổ chức Hội thảo khoa học “70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ (1954 - 2024) và những đóng góp to lớn của quân – dân Nghệ An” cùng triển lãm chuyên đề “Điện Biên Phủ - một thiên sử vàng”.

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Nghệ An gặp mặt chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến nhân kỷ niệm 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Chương trình gặp mặt nhằm tiếp tục khơi dậy và phát huy truyền thống yêu nước, chủ nghĩa anh hùng cách mạng, ý chí quyết chiến, quyết thắng của chiến dịch Điện Biên Phủ trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

Những ký ức không thể nào quên của thanh niên xung phong Nghệ An ở Điện Biên Phủ

(Baonghean.vn) - Trong hơn 16.000 thanh niên xung phong phục vụ chiến đấu tại Chiến dịch Điện Biên Phủ, Nghệ An cũng đã có hàng nghìn chiến sĩ thanh niên xung phong tình nguyện lên đường với ý chí và quyết tâm sắt đá. 70 năm trôi qua, nhưng ký ức về một thời hoa lửa vẫn mãi không thể nào quên…

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

Thác Đũa - điểm du lịch giàu tiềm năng ở Quỳ Châu

(Baonghean.vn) - Thác Đũa có vẻ đẹp hoang sơ, là nơi giải nhiệt lý tưởng và từng là điểm đến hấp dẫn du khách gần xa. Tuy nhiên, do đợt mưa lũ năm 2023, đường vào điểm du lịch này bị sạt lở nghiêm trọng, gây khó cho du khách khi muốn tới trải nghiệm.

Thăm hỏi, động viên người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3

Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam thăm hỏi, động viên công nhân lao động trên công trường Dự án đường dây 500Kv mạch 3

(Baonghean.vn) - Đoàn công tác Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Tập đoàn Điện lực Việt Nam, UBND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh đã thăm hỏi, động viên đoàn viên, người lao động thi công dự án đường dây 500kV mạch 3, nỗ lực để công trình được đóng điện trước ngày 30/6/2024.

Cửa Lò

Trong 3 ngày tổ chức lễ hội, Cửa Lò đón trên 65.000 lượt khách, doanh thu trên 70 tỷ đồng

(Baonghean.vn) - Sau ngày khai hội, khách du lịch gần, xa liên tục đổ về biển Cửa Lò để tham quan, nghỉ dưỡng, hứa hẹn năm 2024, Cửa Lò đạt mục tiêu đón 4,15 triệu lượt khách; khách lưu trú đạt 1,45 triệu lượt; doanh thu dịch vụ du lịch đạt 4.200 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2023. 

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

3 năm, các câu lạc bộ ví, giặm ở Thanh Chương vẫn mỏi mòn đợi chờ hỗ trợ

(Baonghean.vn) - Từ năm 2021, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết số 29/2021/NQ–HĐND tỉnh quy định chính sách hỗ trợ đối với nghệ nhân, CLB trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên, đến nay, một số CLB trên địa bàn huyện Thanh Chương vẫn chưa được thụ hưởng chính sách này.