Đã có thiệt hại về người vì bão số 2
Bão số 2 chưa đổ bộ nhưng hoàn lưu trước bão đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Nghệ An. Một số huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông đã xảy ra lũ ống, lũ quét. 3 mẹ con ở huyện Tương Dương trong lúc đang ngủ trong quán bán hàng đã bị lũ cuốn trôi.
(Baonghean.vn) - Bão số 2 chưa đổ bộ nhưng hoàn lưu trước bão đã gây mưa lớn trên diện rộng ở Nghệ An. Một số huyện miền núi như Kỳ Sơn, Tương Dương, Con Cuông đã xảy ra lũ ống, lũ quét. 3 mẹ con ở huyện Tương Dương trong lúc đang ngủ trong quán bán hàng đã bị lũ cuốn trôi.
Do ảnh hưởng của hoàn lưu trước bão số 2, từ chiều ngày 22/6, trên địa bàn tỉnh Nghệ An đã có mưa vừa, mưa to và rất to với lượng mưa phổ biến đo được từ 50 đến 190mm. Một số vùng có mưa rất to như Con Cuông 113mm, Đô Lương 198mm, Nam Đàn 94mm, Vinh 189mm, Cửa Hội 162mm, Hòn Ngư 188mm,…
Mưa lớn ở xã Chi Khê, huyện Con Cuông khiến nhiều con đường biến thành khe suối (Ảnh: Vi Chôồng)
Tại các huyện Kỳ Sơn, Tương Dương và Con Cuông, mưa lớn từ đêm 22/6 đến chiều 23/6 vẫn chưa ngớt khiến mực nước ở các khe, suối dâng cao và xuất hiện lũ cục bộ. Vào lúc 3h30 sáng 23/6, tại khu vực Khe Nậm Khiên, xã Nậm Càn huyện Kỳ Sơn, ba mẹ con chị Lô Thị Huế, (40 tuổi), cháu Lô Thị Ánh và cháu Hoàng Gia Phúc, trú tại bản Xoóng Con, xã Lưu Kiền, huyện Tương Dương trong lúc ngủ tại quán bán hàng đã bị nước lũ cuốn trôi. Người dân phát hiện và cứu được cháu Lô Thị Ánh. Đến 15h chiều 23/6/2013, lực lượng chức năng của hai huyện Kỳ Sơn và Tương Dương vẫn chưa tìm thấy thi thể của chị Huế và cháu Phúc.
Mưa lớn do ảnh hưởng của bão khiến một số diện tích lúa và hoa màu bị ngập úng cục bộ (Ảnh chụp tại xã Nghi Thái, huyện Nghi Lộc).
Mưa lớn trong đêm 22 và ngày 23/6 cũng đã khiến một số diện tích lúa hè thu và hoa màu như lạc trái vụ, vừng, đậu của các huyện như Hưng Nguyên, Nghi Lộc, Diễn Châu, Tân Kỳ, Đô Lương, Thanh Chương bị ngập úng cục bộ.
Theo dự báo, nhiều khả năng bão sẽ không đổ bộ trực tiếp vào Nghệ An, tuy nhiên công tác phòng, chống bão số 2 đang được triển khai khẩn trương. Từ ngày 20 – 23/6, Ban chỉ huy phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh đã liên tục có 3 công điện chỉ đạo các cơ quan liên quan tích cực theo dõi diễn biến của cơn bão số 2; chỉ đạo các chủ tàu triển khai ngay việc di chuyển để không đi vào, thoát ra khỏi vùng nguy hiểm hoặc về nơi tránh trú bão an toàn; kiểm tra chặt chẽ tàu thuyền ra khơi và tổ chức neo đậu cho tàu thuyền trong các khu tránh trú bão.
Tàu thuyền của ngư dân tránh bão an toàn tại cảng Cửa Hội
Công điện cũng đề nghị các cơ quan chức năng chủ động kiểm tra đê điều, hồ đập, công trình đang thi công để có biện pháp đảm bảo an toàn về người và tài sản; rà soát phương án, sẵn sàng sơ tán dân cư ở các khu vực nguy hiểm ở vùng thấp trũng ven biển, cửa sông, vùng có nguy cơ cao xảy ra ngập lụt, sạt lở đất, lũ quét; chỉ đạo, hướng dẫn chằng, chống nhà cửa, kho tàng, trường học, bệnh viện, cắt tỉa cành cây để hạn chế thiệt hại khi bão gây ảnh hưởng trực tiếp; cấm tàu thuyền ra khơi, thực hiện sơ tán dân cư ra khỏi các khu vực nguy hiểm, từ các nhà yếu sang nhà kiên cố, trên tàu thuyền, trên các đầm, chòi canh, nuôi trồng thủy sản khi bão gây ảnh hưởng trực tiếp; tổ chức lực lượng canh gác đảm bảo an ninh trật tự ở những khu vực phải di dời dân, khu vực thường bị ngập sâu, các bến đò, ngầm.
Các huyện miền núi, trung du và đồng bằng cần chủ động kiểm tra, rà soát các hồ chứa (đặc biệt là các hồ đập vừa và nhỏ, các hồ đập đã xảy ra sự cố, đang thi công), khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở, lũ quét; sẵn sàng triển khai các biện pháp bảo đảm an toàn người và tài sản; thực hiện tốt phương châm "4 tại chỗ" để chủ động đối phó với tình huống mưa, lũ lớn, bị chia cắt.
Ban chỉ huy phòng chống lụt bão Nghệ An cho biết, đến chiều 23/6, tất cả 4.004 phương tiện tàu thuyền với gần 19.000 lao động đánh bắt thủy, hải sản trên địa bàn tỉnh đã nắm bắt diễn biến tình hình hướng đi của cơn bão số 2. Gần 4.000 phương tiện với gần 15.900 lao động đã trở về nhà, neo đậu an toàn tại các khu vực như Lạch Cờn, Lạch Quèn, Lạch Thơi (huyện Quỳnh Lưu), Lạch Vạn huyện Diễn Châu, Lạch Lò, Lạch Hội,… một số phương tiện khác của ngư dân Nghệ An cũng đã vào các khu tránh trú bão ở Cát Bà, đảo Bạch Long Vĩ. |
Nguyên Khoa