Đa dạng các hình thức đưa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào trường học
(Baonghean) - Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh ra đời đã lâu nhưng chính xác từ lúc nào là điều khó xác định, chỉ biết rằng ví, giặm là hình thức sinh hoạt văn hoá dân gian hơn 200 năm trước.
Từ trong lao động, sản xuất mang tính phường hội và trong sinh hoạt hàng ngày, những người bình dân đã cất lên những câu ví, điệu hò theo kiểu ngẫu hứng, truyền miệng; chúng được tạo ra tự nhiên rồi lưu truyền và gắn bó với người dân quê xứ Nghệ từ đời này đến đời khác... Cứ thế, ví, giặm được nuôi dưỡng, phát triển cùng với xã hội và môi trường tinh khôi, nguyên sơ, chưa có sự tác động, ảnh hưởng của các yếu tố ngoại lai, pha tạp.
Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ hướng dẫn các em học sinh hát dân ca. Ảnh: P.V |
Trong bối cảnh hiện nay, dân ca ví, giặm (cũng giống với dân ca nhiều vùng miền khác, như: quan họ, chèo, cải lương, ca trù, tuồng, xẩm, hát xoan, hát ghẹo) đứng trước nhiều thử thách quyết liệt. Trải qua bao thăng trầm nó vẫn tồn tại và biết cách “hoà nhập” phù hợp với thời đại mới. Dân ca ví, giặm bây giờ đã có vị thế khác: từ chỗ là tiếng hát “bình dân” (gắn bó với lao động cấy cày, chèo thuyền, dệt vải nơi đồng ruộng làng quê, bến sông, con đò), bây giờ dân ca là một hình thức sinh hoạt văn nghệ khá là “sang trọng” (biểu diễn trên sân khấu, đến các điểm du lịch, hội hè, vào các giảng đường, lên sóng phát thanh truyền hình); dân ca cũng đã vượt ra khỏi vùng quê Nghệ Tĩnh, vươn đến tầm cả nước và đến cả bạn bè năm châu, được vinh danh là Di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại... Những người dân quê tạo ra dân ca, cũng chính là những người thầm lặng giữ cho mạch nguồn dân ca chảy mãi. Công lao ấy còn thuộc về quan điểm, tầm nhìn của lãnh đạo chính quyền và sự tâm huyết, đầy trách nhiệm của những người “chiến sỹ trên mặt trận văn hoá” hai tỉnh Nghệ An - Hà Tĩnh đã kiên trì, bền bỉ gìn giữ và trao truyền dân ca ví, giặm trong suốt mấy chục năm qua...
Thống kê sơ bộ, từ đầu thế kỷ XX đến nay, đã có hơn 500 bài viết, 25 tập sách, gần 20 đề tài, dự án và luận án, hơn 10 cuộc hội thảo, hơn 100 câu lạc bộ, 3 cuộc thi, hàng trăm cuộc giao lưu, liên hoan... Tất cả đều nhằm sưu tầm, nghiên cứu, đánh giá giá trị, nêu các giải pháp và tổ chức thực hiện để bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm...Vấn đề đặt ra và cũng là điều trăn trở nhất của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người nghệ sỹ là tìm các giải pháp, cách thức thích hợp để bảo tồn và phát huy giá trị dân ca ví, giặm trong tình hình mới. Đó là tiếp tục sưu tầm, nghiên cứu dân ca; thành lập các câu lạc bộ; tổ chức hội thi, hội diễn, hội thảo; cải biên, sáng tác lời mới; sân khấu hoá dân ca; tuyên truyền quảng bá dân ca, dạy hát dân ca trên sóng phát thanh truyền hình và câu lạc bộ...
\Một buổi tập luyện của CLB dân ca ví giặm xã Khánh Sơn (Nam Đàn). |
Trong số các giải pháp đã và đang thực hiện, việc đưa dân ca ví, giặm vào nhà trường là một giải pháp đã có chủ trương chính thức, có tính khả thi cao vì trường học là nơi có điều kiện để trao truyền dân ca cho thế hệ trẻ một cách hệ thống, chính quy và bền vững. Có thể thấy, đây là vấn đề không mới (các trường học trong hai tỉnh đã triển khai thực hiện từ khá sớm) nhưng đến nay, qua khảo sát ở các trường trên địa bàn tỉnh Nghệ An, hiệu quả thực hiện dạy học dân ca rất hạn chế, nguyên nhân là điều kiện dạy học môn dân ca ở các trường còn thiếu và yếu, khâu tổ chức chưa đồng bộ, thiếu tính hệ thống (hệ thống vĩ mô: chủ trương, cơ chế của các cấp, sở, ngành, nhà trường; hệ thống vi mô: đội ngũ giáo viên, chương trình tài liệu, phương pháp dạy và cách thức kiểm tra đánh giá...). Vì vậy, việc tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu và bàn bạc để làm cho việc đưa dân ca vào nhà trường đạt hiệu quả là điều rất cần thiết.
Là một trường chuyên nghiệp đào tạo và cung cấp nguồn nhân lực lĩnh vực văn hóa nghệ thuật, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An đã và đang tích cực góp phần vào việc bảo tồn và phát huy các giá trị của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh. Hơn 20 năm qua, nhà trường tham gia đào tạo, bồi dưỡng cung cấp hàng trăm cán bộ, giáo viên, diễn viên dân ca cho các đoàn nghệ thuật, trung tâm văn hóa, các trường phổ thông trên địa bàn hai tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh…Vừa qua, UBND tỉnh Nghệ An giao Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An chủ trì đề tài KH&CN “Nghiên cứu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh và ứng dụng kết quả nghiên cứu vào việc giảng dạy, học tập dân ca trong trường học (Quyết định số 4118/QĐ-UBND, ngày 14/9/2015).
Một hoạt cảnh trong dân ca ví, giặm xứ Nghệ. Ảnh: P.V |
Mục tiêu chung là: Tiếp tục nghiên cứu, đánh giá vai trò, các đặc điểm nổi trội và các giá trị tiêu biểu của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh với tư cách là sản phẩm văn hóa tinh thần vô cùng quý báu của đất nước và con người xứ Nghệ; Xây dựng chương trình giảng dạy và học tập dân ca ở các trường phổ thông và đào tạo diễn viên dân ca, giáo viên âm nhạc, các cán bộ quản lý văn hóa trong các trường cao đẳng và đại học, trong đó lấy trường Văn hóa Nghệ thuật làm nòng cốt.
Về lý luận: Xác định rõ những đặc điểm cơ bản và các giá trị tiêu biểu của dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh cần đưa vào dạy học trong nhà trường (phổ thông, cao đẳng VHNT); Làm rõ các giải pháp để việc tổ chức thực hiện đưa dân ca vào trường học có hiệu quả (chủ trương và cơ chế thực hiện; các điều kiện cơ sở vật chất, đội ngũ giáo viên; vấn đề tổ chức phối hợp giữa các cấp, ngành và các nhà trường trong việc đưa dân ca vào trường học)...
Dân ca ví, dặm món ăn tinh thần không thể thiếu của người Nghệ. |
Về thực tiễn: Cần điều tra, đánh giá thực trạng của việc dạy học dân ca ở các nhà trường hiện nay (ở bậc phổ thông, cao đẳng); Kinh nghiệm việc đưa dân ca vào dạy học ở các địa phương (các vùng miền của cả nước); Đề xuất chương trình, tài liệu dạy học dân ca và phương pháp tổ chức dạy học dân ca; Cách tổ chức Câu lạc bộ dân ca trong trường học (Trường mầm non, trường tiểu học, trường THCS, trường cao đẳng). Một số vấn đề cụ thể khác có liên quan, như: môn học dân ca trong mối quan hệ với các môn học khác; chương trình học chính khoá hay ngoại khoá; thời lượng dạy học, cách thức dạy học; lựa chọn bài dân ca cho bậc học, cấp học, khối học thế nào cho hợp lý; giáo trình tài liệu dạy học dân ca cho các trường; tập huấn dạy dân ca; điều kiện dạy học dân ca trong các nhà trường ra sao...
Những vấn đề này cần trao đổi, thống nhất từ cấp quản lý, các đơn vị chức năng đến các cơ sở thực thi...
Từ tháng 11/2014, khi dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, đến nay đã hơn 1 năm. Thực hiện chủ trương của UBND tỉnh, ngày 28/5, tại TP. Vinh sẽ diễn ra Hội thảo đưa dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh vào nhà trường: Từ lý luận đến thực tiễn. Đây là hội thảo được tổ chức đầu tiên sau 1 năm dân ca ví, giặm xứ Nghệ được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. Hội thảo lần này vừa là dịp để nhìn lại việc thực hiện cam kết quốc tế sau khi dân ca ví, giặm được vinh danh, đồng thời bàn giải pháp đưa dân ca ví, giặm vào giáo dục và đào tạo trong nhà trường - một trong những giải pháp cần thiết, có khả năng đảm bảo cho dân ca có sức sống bền vững và lâu dài trong xã hội đương đại.
PGS.TS. NGƯT. Phan Mậu Cảnh
(Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An