Đa dạng hóa cây trồng, nâng giá trị sản xuất

28/12/2014 16:06

(Baonghean) - Những năm gần đây, vụ đông đã trở thành vụ sản xuất hàng hoá cho thu nhập cao đối với nông dân Nghi Lộc. Nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa các giống cây trồng có năng suất, chất lượng và giá trị hàng hóa cao, đáp ứng nhu cầu thị trường, nên vụ đông năm 2014 đem lại nguồn thu nhập đáng kể cho người dân.

Nông dân Nghi Thuận chăm sóc hành tăm.
Nông dân Nghi Thuận chăm sóc hành tăm.

Những ngày này, trên cánh đồng xóm 13, xã Nghi Long, vợ chồng anh Nguyễn Hữu Trung cùng nhiều gia đình khác đang tích cực chăm bón 2 sào bắp cải và hơn 3 sào rau bí phục vụ thị trường Tết Dương lịch. Anh Trung cho biết: “Làm rau vất vả, nhiều công chăm sóc, tuy vậy, so với các loại cây trồng khác trong vụ đông, thì sản xuất rau vẫn đem lại giá trị thu nhập cao nhất. Bình quân thu nhập từ rau khoảng 20 - 25 triệu đồng/vụ, nếu kể cả dưa hấu khoảng hơn 100 triệu đồng/năm”.

Nhờ biết phát huy lợi thế vùng đất màu, bám đồng ruộng và biết khai thác giá trị của mỗi loại cây trồng phù hợp theo mùa vụ, nhiều người dân đã có cuộc sống ấm no từ chính đồng ruộng của mình. Ông Đặng Thọ Hà - Chủ tịch Hội Nông dân Nghi Long cho biết: “Vụ đông năm 2014, toàn xã có khoảng 43,2 ha rau các loại (bắp cải, su hào, đậu cô ve, xúp lơ, khoai lang lấy ngọn, bí xanh, bí đỏ...) với khoảng 450 hộ tham gia sản xuất. Ngoài hỗ trợ giống, xã hình thành các cánh đồng rau màu vụ đông thu nhập cao, với diện tích lớn nhất là 27 ha, nhỏ nhất 5 ha, giá trị bình quân 5 triệu/ha. Ngoài rau màu, năm nay chính quyền xã chú trọng việc thu hút các dự án về giống lạc như: Cánh đồng mẫu lớn thâm canh lạc với quy mô 30 ha; Dự án sản xuất 5 ha lạc L14 phục tráng giống, năng suất bình quân khi thực hiện sản xuất lạc theo quy trình kỹ thuật mà các dự án áp dụng đạt 40 - 42 tạ/ha. Mô hình khoai lang lấy ngọn tại đơn vị xóm 7, đem lại cho người dân giống khoai có năng suất cao. Tổng giá trị hỗ trợ của 2 dự án và mô hình hơn 200 triệu đồng...”.

Còn tại xã Nghi Hoa, sau nhiều năm khẳng định được hiệu quả kinh tế, dưa chuột tiếp tục được xem là một trong những loại cây trồng chính với 5 ha, tăng 2 ha so với vụ đông năm ngoái. Để khuyến khích người dân nhân rộng mô hình, UBND xã đã hỗ trợ 3 triệu đồng/1ha dưa chuột, chỉ đạo nhân dân sản xuất theo quy trình đảm bảo an toàn thực phẩm, vì vậy, mặc dù mới bước vào vụ thu hoạch, nhưng sản phẩm làm ra được thu mua tại ruộng, người dân không phải chạy chợ tìm đầu ra, hiệu quả kinh tế đạt 12 đến 15 triệu/sào.

Đối với Nghi Thuận, năm nay, xã chủ trương chuyển đổi một số diện tích trồng lúa sang trồng màu, vì vậy diện tích trồng rau màu vụ đông tăng từ 27 ha lên 42 ha, người dân chủ yếu trồng các loại rau cho thu nhập cao là hành tăm và mướp đắng… Bình quân thu nhập 1 ha khoảng 80 - 100 triệu đồng. Ông Trần Văn Tính - Xóm trưởng xóm 8 cho biết: “95% hộ dân trong xóm trồng rau, nhà ít 2 sào, nhà nhiều 4 sào, với tổng diện tích khoảng 5 ha. Phần lớn người dân nhờ sản xuất vụ đông mà có tiền trang trải cuộc sống và nuôi con ăn học, bởi trồng rau cho thu nhập gấp 2 - 3 lần trồng lúa. Cũng nhờ rau mà vào dịp Tết người dân có thêm thu nhập từ vụ rau đông.

Anh Nguyễn Hữu Trung (xóm 13, Nghi Long) chăm sóc cải bắp
Anh Nguyễn Hữu Trung (xóm 13, Nghi Long) chăm sóc cải bắp

Việc hình thành vùng sản xuất với từng loại cây trồng ổn định, cho giá trị kinh tế cao như: Dưa chuột ở Nghi Hoa, hành tăm, mướp đắng ở Nghi Thuận, bắp cải Nghi Lâm, bí xanh, bí đỏ ở Nghi Long hay lạc L14 qua phục tráng ở Nghi Hợp, Nghi Văn... Điều đó làm cho người nông dân ngày càng mặn mà với sản xuất vụ đông. Toàn huyện hiện sản xuất 3.200 ha ngô, 350 ha lạc và hơn 800 ha rau màu các loại. Ông Nguyễn Đức Thọ, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Nghi Lộc cho biết: “Để nâng cao giá trị sản xuất hàng hoá vụ đông, huyện chủ động xây dựng triển khai kế hoạch sớm, tập trung tuyên truyền về mục tiêu, yêu cầu, biện pháp, giải pháp, quy trình kỹ thuật, cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất vụ đông xuân 2014 - 2015 đến tận chi bộ, khối, xóm và toàn thể nhân dân.

Thực hiện tốt công tác chuyển đổi cơ cấu cây trồng do hạn hán, áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhất là các giống mới, để nâng cao thu nhập trên đơn vị diện tích. UBND huyện đã chỉ đạo các địa phương gắn kế hoạch sản xuất vụ đông với xây dựng cánh đồng mẫu; tổ chức gần 20 đợt tập huấn và tư vấn chọn cây trồng phù hợp cho nông dân trong vụ đông; đa dạng hóa cây trồng theo 3 hướng. Đối với ngô là cây trồng chủ lực, bình quân hàng năm sản xuất từ 2.500 - 3.000 ha, riêng năm 2014, diện tích ngô tăng đột biến trên 3.500 ha. Ngoài ngô lấy thân lá tập trung ở vùng bán sơn địa, phục vụ thức ăn cho gia súc tập trung ở vùng ven biển, nông giang, Nghi Lộc còn phát triển mạnh ngô nếp hàng hóa tập trung ở những vùng ven đô Thành phố Vinh được người tiêu dùng ưa chuộng bởi hạt dẻo, trắng, thơm, ngon.

Đối với cây lạc, đây là năm đầu tiên huyện Nghi Lộc triển khai xây dựng thành công mô hình nhân rộng giống lạc L14 đã được phục tráng với diện tích 15 ha/350 ha lạc vụ đông tại các xã Nghi Hợp, Nghi Long và Nghi Văn, năng suất lạc giống năm 2014 bình quân 23 - 24 tạ/ha, cao hơn các năm 0,5 - 0,7 tạ/ha. Ngoài mô hình phục tráng lạc L14 vụ đông, huyện còn xây dựng các mô hình giống lúa chất lượng cao DDT68, AC5, RVT, Thiên ưu 8 để tổ chức cho nông dân tham quan học tập kinh nghiệm, nhân ra diện rộng. Bên cạnh đó, Nghi Lộc tập trung sản xuất rau hàng hóa thành những vùng sản xuất tập trung, với diện tích trồng rau toàn huyện đạt hơn 800 ha, đáp ứng nhu cầu phục vụ thị trường trong và sau Tết…

Với việc đưa các loại cây trồng cho thu nhập cao trong vụ đông đã thúc đẩy phong trào sản xuất ở Nghi Lộc, đến nay toàn huyện đã có gần 2.000 ha, chiếm hơn 40% diện tích canh tác, đạt doanh thu trên 100 triệu đồng/năm trở lên. Ngoài yếu tố thời tiết, giá cả thị trường lên xuống thất thường, thì việc tiêu thụ đầu ra cho sản phẩm hiện nay là một vấn đề khó khăn. Vì vậy, huyện đang có chủ trương liên doanh, liên kết để sản xuất rau hàng hóa, đảm bảo an toàn thực phẩm; ký kết với các đơn vị, trang trại chăn nuôi, công ty thức ăn gia súc để bao tiêu sản phẩm cây ngô trên địa bàn; thực hiện cơ chế hỗ trợ khuyến khích, phối hợp với các ngành hàng để cung ứng kịp thời giống, phân bón, ni lông phục vụ sản xuất.

Mặc dù còn có những khó khăn nhất định, nhưng với hướng đi phù hợp trong chuyển đổi cơ cấu, đa dạng hóa cây trồng, huyện Nghi Lộc đang nâng cao giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích. Cùng với đó, các chính sách hỗ trợ kịp thời, việc tích lũy kinh nghiệm trong sản xuất của người nông dân, đang là tiền đề để huyện hình thành các vùng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, khai thác tốt thế mạnh vùng vệ tinh Thành phố Vinh…

Gia Huy

Mới nhất
x
Đa dạng hóa cây trồng, nâng giá trị sản xuất
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO