Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư

18/03/2015 14:37

(Baonghean) - Để xây dựng nông thôn mới, bên cạnh huy động sức dân, các địa phương cần nguồn vốn đầu tư rất lớn để xây dựng các công trình phúc lợi. Vì vậy đòi hỏi mỗi xã phải lồng ghép nhiều nguồn lực từ Trung ương đến địa phương và sự hỗ trợ giúp sức của các tổ chức, doanh nghiệp và của nhân dân…

Tính đến hết năm 2014, toàn tỉnh có 33 xã đạt chuẩn NTM, có 63 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, có 137 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 166 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí, và 32 xã đạt 3 - 4 tiêu chí. Kết quả trên có có phần quan trọng từ sự đầu tư của Trung ương với 248.559 triệu đồng (gấp 3 lần so với năm 2013), trong đó vốn trái phiếu Chính phủ hỗ trợ đầu tư phát triển là 225.000 triệu đồng, vốn sự nghiệp 23.559 triệu đồng; tỉnh trích ngân sách hỗ trợ làm đường giao thông nông thôn bằng xi măng (196.000 triệu đồng). Nhờ đó đã khuyến khích các địa phương dấy lên phong trào xây dựng NTM. Cùng với đó, ngân sách huyện 129.400 triệu đồng; ngân sách xã 74.200 triệu đồng; Vốn lồng ghép các chương trình, dự án trên địa bàn 359.728 triệu đồng; vốn tín dụng 85.000 triệu đồng; vốn doanh nghiệp 38.000 triệu đồng; Huy động nhân dân đóng góp 278.900 triệu đồng. Tổng số vốn huy động, lồng ghép để thực hiện chương trình trong năm 2014 gồm 1.410.000 triệu đồng.

Xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Thanh Tiên (Thanh Chương).
Xây dựng nhà máy may xuất khẩu tại xã Thanh Tiên (Thanh Chương).

Theo ông Nguyễn Hồ Lâm, Phó Chánh Văn phòng Thường trực BCĐ Chương trình MTQG xây dựng NTM tỉnh cho biết: “Từ thực tế những xã về đích NTM năm 2014 cho thấy bình quân một xã về đích tổng đầu tư không dưới 200 tỷ đồng. Đó là chưa kể giá trị từ việc người dân hiến đất. Trong khi đó nguồn kinh phí đầu tư của Nhà nước (Trung ương và tỉnh cấp khoảng 4 tỷ đồng/xã). Như vậy, để đáp ứng nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM đòi hỏi các địa phương phải linh hoạt, huy động các nguồn vốn đầu tư từ nhiều phía để hoàn thành mục tiêu đề ra”. Điển hình như xã Thanh Tiên là 1 trong 8 xã của huyện Thanh Chương được chọn để “về đích” NTM năm 2015, hiện cũng đang tích cực huy động nguồn vốn đầu tư cho 2 tiêu chí còn lại là đường giao thông và cơ sở vật chất văn hóa.

Bắt tay vào xây dựng NTM từ năm 2010, tại thời điểm này Thanh Tiên mới đạt 6 tiêu chí, do vậy để hoàn thành 19 tiêu chí là nhiệm vụ rất nặng nề đối với địa phương. Bởi sản xuất nông nghiệp là nguồn thu chính của người dân nơi đây, nhưng đầu ra còn gặp nhiều khó khăn, giá cả không ổn định, ảnh hưởng lớn đến thu nhập của người dân. Do đó sức đóng góp để xây dựng NTM cũng hạn chế. Song ở Thanh Tiên có sự thuận lợi là kêu gọi được sự ủng hộ của người con đi xa hướng về xây dựng quê hương. Trong 5 năm qua xã đã thu hút được con em xa quê ủng hộ 15 tỷ đồng; trong đó riêng Trường Tiểu học Thanh Tiên giá trị đầu tư 6 tỷ đồng do anh Nguyễn Bá Thắng - một người con của quê hương ủng hộ; Tổng Công ty xây dựng công trình giao thông 4 ủng hộ xây dựng Đền thờ liệt sỹ xã 5 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng nhà văn hóa cho 13 xóm 1 tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng trường mầm non xã 1,2 tỷ đồng...

Nông dân Thanh Chương đưa cơ giới vào sản xuất sau dồn điền, đổi thửa.
Nông dân Thanh Chương đưa cơ giới vào sản xuất sau dồn điền, đổi thửa.

Hơn 4 năm qua, tổng huy động nội lực và ngoại lực để làm NTM của xã Thanh Tiên hơn 71,5 tỷ đồng. Trong đó vốn chương trình lồng ghép của tỉnh 24 tỷ đồng; ngân sách huyện hơn 1,1 tỷ đồng; ngân sách xã gần 4,9 tỷ đồng, doanh nghiệp 15 tỷ đồng; nhân dân đóng góp gần 26,6 tỷ đồng. Đến nay Thanh Tiên đã đạt 17/19 tiêu chí NTM.

Còn với xã Thanh Liên mặc dù ban đầu không được UBND huyện Thanh Chương chọn làm điểm trong 8 xã đầu tiên của huyện. Song Đảng ủy, UBND xã đã linh hoạt tìm cho mình một cách làm riêng trong xây dựng NTM để đẩy nhanh tiến độ đạt các tiêu chí. Song cái khó của Thanh Liên là chủ yếu phải dựa vào nội lực để xây dựng NTM, do chưa đưa vào làm xã điểm nên ngân sách đầu tư của cấp trên đối với địa phương rất ít. Đến thời điểm này, mới được huyện đầu tư lắp đặt cầu cống nội đồng 150 triệu đồng, ngoài ra chưa có nguồn đầu tư nào khác từ cấp trên. Sở dĩ Thanh Liên gần đạt được 17 tiêu chí là nhờ từ năm 2010 đến nay địa phương lồng ghép được các chương trình, dự án nằm trong mục tiêu xây dựng NTM, như 1 đập thủy lợi trị giá 11 tỷ đồng; 1,5 km đường nhựa 1,5 tỷ đồng; nâng cấp và làm mới trạm biến áp trên địa bàn xã trị giá 6 tỷ đồng,... Sau 4 năm thực hiện xây dựng NTM, đến nay tổng huy động nội lực sức dân và ngoại lực (các chương trình lồng ghép) để làm NTM tại xã Thanh Liên hơn 60 tỷ đồng.

Ông Đinh Viết Nam, Phó Chủ tịch UBND xã Thanh Liên chia sẻ: Xã còn tiêu chí giao thông và trường học chưa đạt, mà lo lắng nhất là khó khăn về nguồn vốn đầu tư. Hiện đã có quyết định xây dựng Trường tiểu học 2 tầng gồm 16 phòng học, tổng đầu tư gần 14 tỷ đồng nhưng đến nay vẫn chưa có đồng vốn nào. UBND xã đang cân nhắc tính toán sẽ huy động nguồn vốn đầu tư xây dựng trường mầm non trước vì kinh phí ít hơn (5 tỷ đồng)...

Năm 2014, toàn huyện Thanh Chương huy động được 234,9 tỷ đồng để thực hiện xây dựng NTM. Nguồn lực huy động được phần lớn để đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng nông thôn, chủ yếu như công trình giao thông, thủy lợi, trường học, Trung tâm Văn hóa xã, nhà văn hóa thôn, môi trường... Tuy còn nhiều khó khăn nhưng ngân sách Nhà nước vẫn tập trung đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn và các địa phương đã có sự vận động, huy động nội lực của người dân và toàn xã hội tham gia xây dựng NTM.

Thi công hoàn thiện chợ ở Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu).
Thi công hoàn thiện chợ NTM ở Quỳnh Nghĩa (Quỳnh Lưu).

Tại huyện Quỳnh Lưu, tổng vốn huy động, lồng ghép thực hiện chương trình trên địa bàn toàn huyện trong 4 năm gồm 5.565 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách đầu tư theo các chương trình 1.299 tỷ đồng (ngân sách đầu tư trực tiếp cho chương trình là 93,089 tỷ đồng, hỗ trợ xi măng làm đường giao thông 13,720 tỷ đồng; ngân sách huyện đầu tư trực tiếp cho chương trình 8,092 tỷ đồng). Ngoài ra, nhân dân đóng góp, hiến tặng trên 286,5 ha đất (gồm cả đất ở và đất sản xuất), trên 47.315m2 tường bao, công trình kiến trúc, trên 319.587 ngày công; nhân dân tự xây dựng và nâng cấp nhà ở, công trình phụ trợ ước trên 2.500 tỷ đồng. Mặc dù trong điều kiện kinh tế khó khăn chung, nguồn lực đầu tư của Nhà nước có hạn, song Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện đã nỗ lực dồn sức xây dựng NTM, từng bước đạt các mục tiêu đề ra.

Ông Nguyễn Xuân Dinh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Quỳnh Lưu cho biết: Để đạt được mục tiêu trong năm 2015 và các năm tiếp theo, huyện tiếp tục đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi nhất để kêu gọi thu hút nguồn lực đầu tư từ các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước đến đầu tư trên địa bàn. Chủ động, sáng tạo trong việc đa dạng hóa nguồn lực đầu tư, tận dụng các điều kiện lợi thế, lồng ghép các chương trình, dự án để tranh thủ, thu hút các nguồn lực đầu tư, nhất là nguồn hỗ trợ của Trung ương, tỉnh và các tổ chức quốc tế để xây dựng NTM. Ưu tiên thực hiện, lồng ghép các cơ chế, chính sách hỗ trợ đầu tư của cấp trên cho mục tiêu hoàn thành các nội dung, tiêu chí NTM trên địa bàn, nhất là đối với các xã được xác định hoàn thành trong năm 2015.

Thực tế cho thấy nguồn vốn đầu tư xây dựng NTM đang là vấn đề trăn trở của nhiều địa phương, nhưng qua tìm hiểu ở các địa bàn cụ thể, nếu cấp ủy, chính quyền đoàn kết, cùng với sự đồng thuận của nhân dân sẽ lồng ghép được nhiều nguồn lực, tạo sức mạnh tổng hợp cho phát triển của mỗi vùng quê...

Bài, ảnh: Quỳnh Lan

Mới nhất
x
Đa dạng hóa nguồn lực đầu tư
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO