Đại biểu đoàn Nghệ An đề nghị Quốc hội giám sát việc thực hiện quy định pháp luật về xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu
(Baonghean.vn) - Sáng 27/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành thảo luận về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024, dưới sự chủ trì của đồng chí Vương Đình Huệ - Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội.
Toàn cảnh phiên làm việc sáng 27/5 tại Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh. Quang Khánh |
Thảo luận về dự kiến các chuyên đề giám sát của Quốc hội trong năm 2024, Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu (Đoàn Nghệ An) bày tỏ đồng tình dự kiến 2 chuyên đề giám sát chính sách, pháp luật về đơn vị sự nghiệp công lập; việc thực hiện các nghị quyết về chính sách phục hồi kinh tế - xã hội và một số dự án công trình quan trọng quốc gia.
Tuy nhiên, đối với chuyên đề giám sát về thị trường bất động sản, nhà ở xã hội và chuyên đề giám sát về trật tự, an toàn giao thông, vị đại biểu Đoàn Nghệ An cho rằng, cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng để đảm bảo sự phối hợp chặt chẽ giữa hoạt động giám sát và hoạt động lập pháp.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu phân tích: Trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội, dự kiến Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ sẽ được Quốc hội thông qua vào năm 2024. Do vậy, thay vì tổ chức hoạt động giám sát chuyên đề, có thể giao các Ủy ban của Quốc hội trong quá trình thẩm tra các dự án luật này tiến hành khảo sát kỹ lưỡng thực tiễn để sửa đổi trực tiếp các quy định trong các luật tương ứng.
Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Minh Hiếu, Đoàn Nghệ An phát biểu thảo luận. Ảnh: Quang Khánh |
Bên cạnh 2 chuyên đề đã lựa chọn, ông Hoàng Minh Hiếu cũng đề nghị nghiên cứu, bổ sung thêm chuyên đề giám sát về việc thực hiện các quy định pháp luật liên quan đến việc xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong các luật, nghị quyết của Quốc hội từ khi ban hành Hiến pháp năm 2013.
Đề xuất trên, theo đại biểu xuất phát từ 3 lý do. Trước hết, để phục vụ cho quá trình Tin học hóa, chuyển đổi số quốc gia, kể từ khi ban hành Hiến pháp năm 2013 đến nay, trong rất nhiều đạo luật đã có các quy định về việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu.
“Chỉ riêng trong kỳ họp này, chúng tôi thống kê có trên 85% tổng số các dự án luật được cho ý kiến hoặc thông qua có những quy định về nội dung này. Chúng tôi xin lấy ví dụ như: Cơ sở dữ liệu quốc gia về hợp tác xã; cơ sở dữ liệu thông tin quốc gia về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; cơ sở dữ liệu, thông tin về nhà ở quốc gia; cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai; hệ thống thông tin quốc gia về thị trường bất động sản; hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về tài nguyên nước quốc gia… Chúng tôi nhất trí với các quy định này, vì đây là các cơ sở quan trọng để tạo nền tảng phục vụ cho việc chuyển đổi số quốc gia”, vị đại biểu Đoàn Nghệ An nêu dẫn chứng.
Tuy nhiên, theo đại biểu việc thực hiện các quy định này đòi hỏi phải có nguồn lực lớn, kỹ thuật, chuyên môn rất cao, nếu không được tổ chức thực hiện và giám sát một cách phù hợp có thể gây ra lãng phí nguồn lực.
Các vị đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 27/5 ở Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội. Ảnh: Quang Khánh |
Lý do thứ hai, cần phải tiến hành giám sát nội dung này, là vì qua theo dõi thực tiễn triển khai xây dựng các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu trong thời gian vừa qua vẫn còn những tồn tại nhất định.
Đại biểu Hoàng Minh Hiếu dẫn chứng: Trước hết, là có tình trạng trùng lắp giữa các cơ sở dữ liệu. Ví dụ như hiện tại theo quy định của Luật Phổ biến, giáo dục pháp luật thì đã có Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật đang được Bộ Tư pháp quản lý, vận hành tương đối tốt; nhưng bên cạnh đó, còn có Cơ sở dữ liệu về công báo cũng bao gồm các văn bản quy phạm pháp luật. Điều này vừa có thể dẫn đến sự lãng phí, vừa gây lúng túng cho người dân khi tra cứu.
Bên cạnh đó, một số hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu đã được xây dựng nhưng tính cập nhật và hiệu quả sử dụng không cao. Chẳng hạn như năm 2020, Cổng dữ liệu mở quốc gia được khai trương, đây là cơ sở dữ liệu quan trọng, nhưng cho đến nay dữ liệu ở đây vẫn chủ yếu là từ năm 2020.
Hoặc có những hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu được đầu tư xây dựng tương đối tốt, nhưng hiệu quả sử dụng của người dân chưa được cao.
Mới đây, Báo cáo Chỉ số hiệu quả Quản trị và Hành chính công (báo cáo PAPI 2022) cho biết, tỷ lệ người dùng có sử dụng dịch vụ công trực tuyến đã giảm từ 16% năm 2021 xuống còn 14% năm 2022.
Trong khuôn khổ nghiên cứu của báo cáo này thì trong số những người được hỏi thì chỉ có 4,85% người trả lời cho biết, có sử dụng Cổng dịch vụ công trực tuyến. Tức là trong 100 người dân thì chỉ có khoảng 5 người biết đến Cổng dịch vụ công trực tuyến. “Như vậy, rõ ràng hiệu quả phục vụ cho người dân chưa được như mong muốn”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu phát biểu.
Đặc biệt, lý do thứ 3, theo vị đại biểu Đoàn Nghệ An nhận định, hiện nay là thời điểm phù hợp để Quốc hội giám sát, đánh giá việc thực hiện các quy định pháp luật về xây dựng, quản lý và vận hành các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu. Vì cho đến nay, công cuộc Tin học hóa, chuyển đổi số ở Việt Nam đã được thực hiện trong một thời gian dài, nhưng Quốc hội chưa thực hiện việc giám sát chuyên đề tối cao về nội dung này.
Trong khi đó, Nghị quyết của Đảng trong nhiệm kỳ này cũng đã đề ra những mục tiêu rất cụ thể về phát triển kinh tế số, chính phủ số, xã hội số với kỳ vọng rất lớn. Do vậy, thời điểm này, việc tiến hành chuyên đề giám sát này sẽ là cơ sở quan trọng để hoàn thiện thể chế, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số quốc gia hiện nay.
Đại biểu Quốc hội Đoàn Nghệ An trao đổi bên lề phiên làm việc sáng 27/5 với đại biểu Quốc hội các địa phương. Ảnh: Quang Khánh |
Vì hiện nay, có thực trạng là có những dự thảo luật có những quy định rất cụ thể về việc xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu như Dự án Luật Đất đai, Luật Căn cước… Nhưng cũng có những dự án luật quy định rất vắn tắt, giao cho các cơ quan xây dựng cơ sở dữ liệu mà không rõ đó là những dữ liệu gì, ai có trách nhiệm cung cấp dữ liệu, thẩm quyền, tính liên kết các dữ liệu như thế nào?
“Do vậy, chúng tôi kiến nghị trong quá trình thẩm tra các dự án luật, đề nghị trong hồ sơ xây dựng luật, cần có ý kiến thẩm định chính thức của Bộ Thông tin và Truyền thông về các nội dung liên quan, tương tự như trách nhiệm của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ, Bộ Ngoại giao đối với các vấn đề thuộc trách nhiệm tương ứng của từng bộ. Điều này sẽ giúp cho việc xây dựng thể chế về các hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu bảo đảm có tính thống nhất, hiệu quả, tránh trùng lặp”, đại biểu Hoàng Minh Hiếu nêu ý kiến.
Trước khi tiến hành thảo luận, Quốc hội đã nghe các tờ trình, báo cáo về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam và Luật Nhập cảnh, xuất cảnh, quá cảnh, cư trú của người nước ngoài tại Việt Nam; Tờ trình về dự kiến Chương trình giám sát của Quốc hội năm 2024.