Đại biểu thanh niên nói về việc làm theo tinh thần học tập suốt đời của Bác Hồ

Hoài Thu 30/05/2020 16:57

(Baonghean.vn) - Làm thế nào để học tập và để duy trì tinh thần học tập suốt đời, chia sẻ những kinh nghiệm của bản thân trong thực hiện học tập, rèn luyện là những nội dung sôi nổi được các đại biểu trình bày tại Diễn đàn "Thanh niên học tập và làm theo lời Bác về tinh thần học tập suốt đời".

Chiều 30/5, nằm trong chương trình hoạt động của Đại hội Thanh niên tiên tiến toàn quốc, đoàn đại biểu gồm 66 thanh niên tiên tiến tham gia diễn đàn trao đổi ý kiến với chủ đề “Thanh niên học tập và làm theo lời Bác về tinh thần học tập suốt đời”.

Tham dự diễn đàn có các đồng chí: Bùi Quang Huy - Bí thư BCH Trung ương Đoàn, Chủ tịch Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam; GS.TS. Nguyễn Huy Bằng, Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Vinh; Lê Văn Lương - Ủy viên Ban Thường vụ Trung ương Hội Sinh viên Việt Nam, Phó Bí thư Tỉnh đoàn Nghệ An.

Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: Hoài Thu
Các đại biểu dự diễn đàn. Ảnh: Hoài Thu

Diễn đàn hướng đến những trao đổi, đóng góp ý kiến để khẳng định, làm rõ thêm vai trò, ý nghĩa của tinh thần học tập suốt đời theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với thế hệ trẻ hôm nay. Từ đó vận dụng trong thực tiễn lao động, công tác, học tập, hình thành thói quen và phương pháp trong cuộc sống hàng ngày.

Diễn đàn tặng học bổng cho 10 sinh viên xuất sắc.

11 ý kiến tại diễn đàn đều bày tỏ sự khâm phục, tôn vinh tinh thần học tập suốt đời của Bác Hồ, và khẳng định thanh niên cần luôn luôn học tập và thực hiện việc học tập suốt đời. Chủ tịch Hồ Chí Minh là một tấm gương sáng ngời về đạo đức, tinh thần tự học, học suốt đời. Sinh thời, Người luôn coi trọng việc học tập, nâng cao trình độ của cán bộ, đảng viên. Bác nhắc nhở: “Muốn tiến bộ mãi thì phải học tập. Học trong sách báo, học trong công tác, học với anh em, học hỏi quần chúng. Học tập để phát triển ưu điểm, sửa chữa khuyết điểm”.

Tấm gương học tập suốt đời của Bác đã để lại nhiều bài học và những chỉ dẫn quý báu, trong đó có những nội dung rất cơ bản mà chúng ta cần học tập và noi theo. Bác từng nói: “Chúng ta phải học và hoạt động cách mạng suốt đời. Còn sống thì còn phải học, còn phải hoạt động cách mạng”; “Tôi năm nay 71 tuổi, ngày nào cũng phải học... Không học thì không theo kịp, công việc nó sẽ gạt mình lại phía sau”; hoặc “Học ở trường, học trong sách vở, học lẫn nhau và học ở nhân dân”. Quan điểm này vừa gần gũi, thiết thực, vừa chứa đựng tầm bao quát và tư tưởng lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Muốn học tập phải có ý chí, quyết tâm cao

Đại biểu Lý Thị Thiêm chia sẻ kinh nghiệm bản thân về quyết tâm học tập. Ảnh: Hoài Thu

Đại biểu Lý Thị Thiêm, người dân tộc Dao, lấy chồng người Mông ở tỉnh Yên Bái, là Bí thư Đoàn xã Mù Cang Chải. Đại biểu Thiêm chia sẻ câu chuyện về quyết tâm đi học của người phụ nữ dân tộc Dao sau khi lấy chồng. Vừa sinh con xong thì tiếp tục đi học cấp 3, vừa đi học vừa mang con nhỏ theo. Với quyết tâm cao, học xong cấp 3, sau đó học xong đại học và trở về địa phương làm bí thư đoàn thanh niên. Tự mình học tiếng Mông và nỗ lực hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, nhất là công tác vận động người dân ủng hộ xây dựng các công trình hạ tầng ở quê hương Mù Cang Chải. Bản thân đại biểu Thiêm cũng là một điển hình về phát triển kinh tế với quy mô hàng trăm con lợn, hàng trăm con gà. Bởi vậy, theo bạn Thiêm, để duy trì học tập suốt đời thì phải có quyết tâm cao và sự bền bỉ, chịu khó.

Còn đại biểu Cao Xuân Huy - Bí thư Huyện đoàn Lâm Thao, tỉnh Phú Thọ thì cho rằng, để khơi dậy phong trào học tập suốt đời thì lực lượng đóng vai trò quan trọng chính là thanh, thiếu niên, nhi đồng. Bởi vậy, cần phải xây dựng xã hội học tập, trong đó, chú trọng vai trò của Đoàn thanh niên và đội thiếu niên, nhi đồng.

Đại biểu Cao Xuân Huy trình bày ý kiến về vai trò của thanh, thiếu niên trong lan tỏa tinh thần học tập suốt đời. Ảnh: Hoài Thu

Đại biểu Nguyễn Thị Oanh - Bí thư Đoàn cơ sở Trung tâm Internet Việt Nam bày tỏ ý kiến: “Khi bạn tốt hơn, tiến bộ hơn, thì bạn sẽ giúp đỡ được gia đình bạn theo nhiều cách khác nhau. Khi mỗi nhân viên, mỗi cán bộ làm tốt vị trí của mình sẽ góp phần giúp tổ chức tốt lên”. Và đại biểu này đúc kết việc học tập suốt đời cần theo 5 nội dung gồm: học tập, nghiên cứu, tìm hiểu về công việc chuyên môn của mình; rèn luyện kỹ năng thuyết trình; học và rèn luyện tiếng Anh; học tập và rèn luyện kỹ năng giao tiếp, đạo đức, lối sống; học và rèn luyện thể lực.

Học Bác từ những việc nhỏ nhất

Đại biểu Nguyễn Hồng Ninh nêu ý kiến về việc học tập Bác từ những điều nhỏ nhất. Ảnh: Hoài Thu

Đại biểu Nguyễn Hồng Ninh - Phó Bí thư Chi đoàn Trung tâm Đào tạo và Thi đấu TDTT Quảng Nam thì cho rằng, tùy vào hoàn cảnh của bản thân mà có rất nhiều cách để học tập. Nếu học sinh được phổ cập kiến thức từ thầy cô, nhân viên tiếp thu kiến thức từ cấp trên, quản lý của mình thì với các vận động viên, người huấn luyện chính là cuốn từ điển sống giúp cho các vận động viên tiếp nhận kiến thức để hình thành những kỹ năng, nhận thức mới trong quá trình rèn luyện và phát triển bản thân.

Các đại biểu tại Diễn đàn “Thanh niên học tập và làm theo lời Bác về tinh thần học tập suốt đời” đóng góp 11 ý kiến thảo luận sôi nổi. Ảnh: Hoài Thu.

Học ở nhà trường, bạn bè và học từ nhân dân

Đại biểu Nguyễn Văn Hoàng - Ban Thanh niên quân đội, Chính trị viên Tiểu đoàn thuộc Quân đoàn 4 thì cho rằng, học ở trường là học những kiến thức phổ thông, bao quát, là cái cần, cái nền cho tri thức. Nhưng nếu dừng ở đó thì chưa là gì cả. Học ở sách vở là đào sâu, xới kỹ, mở rộng và nâng cao hơn một bước những kiến thức thu nhận được từ học ở trường nhưng cũng chưa đủ. Học lẫn nhau là học từ bạn bè, thông qua bạn bè; đây là việc bổ trợ, tương tác cho nhau những khiếm khuyết của việc tự học và thu nhận kiến thức ở trường nhưng cũng là chưa đủ. Học ở nhà trường, học ở sách vở, học lẫn nhau mới chỉ là một phần hữu hạn...

Đại biểu thanh niên nói về việc làm theo tinh thần học tập suốt đời của Bác Hồ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO