Đại hội TDTT toàn quốc 2014: "Nóng" trước ngày khai mạc

28/11/2014 08:27

(Baonghean) - Ngày 6/12 tới, Đại hội Thể dục Thể thao (TDTT) toàn quốc 2014 sẽ chính thức khai mạc tại sân vận động Thiên Trường, tỉnh Nam Định. Trước giờ khai cuộc, ít nhiều đã có những “lùm xùm”. Trong cuộc họp báo giới thiệu về đại hội diễn ra ngày 26/11 tại Hà Nội, rất nhiều ý kiến cho rằng việc chi hàng ngàn tỷ đồng cho một kỳ đại hội là quá lãng phí. Bên cạnh đó là những sự cố liên quan đến môn bóng bàn...

Cung thể thao đa năng gần 1.000 tỷ đồng chuẩn bị cho Đại hội.
Cung thể thao đa năng gần 1.000 tỷ đồng chuẩn bị cho Đại hội.

Theo kế hoạch, Đại hội TDTT toàn quốc năm 2014 sẽ chính thức diễn ra từ ngày 6/12 đến 14/12 tại Nam Định và một số tỉnh lân cận. Kinh phí sơ bộ tính đến thời điểm này để xây dựng các công trình, cải tạo cơ sở vật chất, tổ chức đại hội đã lên tới con số trên 2.000 tỷ đồng. Thông tin tại cuộc họp báo của BTC đại hội, ông Đỗ Thanh Xuân, Giám đốc Sở VH-TT&DL Nam Định cho biết, tỉnh Nam Định, đơn vị đăng cai nhận được từ ngân sách Trung ương 855 tỷ đồng xây dựng Cung thể thao đa năng. Ngoài ra, để đảm bảo cho các vận động viên có điều kiện tốt nhất trong thi đấu, tỉnh Nam Định còn trích ngân sách 150 tỷ đồng xây dựng bể bơi nước nóng và 80 tỷ đồng sửa chữa, nâng cấp các công trình khác.

Cùng với đó, rất nhiều tiền đã được chi vào việc xây dựng, cải tạo nhà thi đấu ở 9 địa phương đồng đăng cai. Hiện nay, công trình đồ sộ nhất của Đại hội TDTT toàn quốc là Nhà thi đấu đa năng Hà Nam với kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng, sức chứa 7.500 chỗ ngồi để tổ chức các môn bóng chuyền, taekwondo. Thái Bình cũng được đầu tư xây dựng nhà thi đấu với sức chứa 5.000 chỗ ngồi để thi đấu cầu lông.

Vấn đề đặt ra là việc bỏ ra cả ngàn tỷ đồng cho những công trình như vậy liệu có hợp lý, khi nhu cầu về những môn thể thao nói trên không mang tính quần chúng. Trước đó, cũng nhờ đăng cai một kỳ Đại hội TDTT, nhiều địa phương cũng tận dụng ngân sách để làm những công trình “khổng lồ”, nhưng thực tế là sau khi đại hội kết thúc, những công trình nói trên chỉ khai thác được khoảng 50% công năng.

Ngoài những băn khoăn về tính hiệu quả những công trình nghìn tỷ thì những “lùm xùm” diễn ra ở môn bóng bàn khiến dư luận quan tâm. Cụ thể, do điều lệ đại hội không cho phép các đơn vị là doanh nghiệp đăng ký thi đấu, nên hai CLB doanh nghiệp có lực lượng mạnh là CLB Bóng bàn T&T và Petrosetco đã rải quân đi các tỉnh để thi đấu theo hình thức cho VĐV ký hợp đồng với các đơn vị đánh thời vụ. Vì lý do đó, dù không có lực lượng VĐV bóng bàn, nhưng tỉnh Hưng Yên vẫn có tên trong danh sách các đội tham dự đại hội. Điều đáng nói, 100% lực lượng của đội bóng bàn Hưng Yên từ VĐV đến HLV là người của CLB Bóng bàn T&T.

Theo Điều lệ chuyển nhượng Đại hội TDTT toàn quốc được ban hành ngày 26/3/2013 của Bộ VH-TT&DL, các vận động viên được quyền đăng ký thi đấu cho một địa phương nếu đáp ứng được một trong các điều kiện sau: có hộ khẩu thường trú tại địa phương; có giấy xác nhận là vận động viên của ngành Quân đội, Công an do thủ trưởng đơn vị ký; có hợp đồng sử dụng VĐV hoặc hợp đồng chuyển nhượng VĐV hợp pháp trước ngày 1/1/2014. Căn cứ trên điều lệ này, một số địa phương cho rằng, quân của mình đáp ứng đủ tiêu chí điều lệ đại hội và được quyền đăng ký thi đấu. Do đó, BTC Đại hội vẫn quyết định cho 14 tay vợt nói trên thi đấu cho các đơn vị “mới”, bởi hoàn toàn phù hợp với điều lệ. Điều này không sai về mặt pháp lý, song lại phản ánh sai lệch thành tích, sự phát triển chung, tạo kẽ hở cho những nguy cơ tiêu cực. Nếu bóng bàn Hưng Yên thuê 100% vận động viên từ HN.T&T và nếu Hưng Yên có HCV môn bóng bàn thì thành tích đó cần đánh giá như thế nào?

Rất nhiều những lo ngại trước ngày Đại hội TDTT toàn quốc chính thức khởi tranh. Bên cạnh ý nghĩa về tầm vĩ mô của đại hội, đang có những dư luận trái chiều, thì các đơn vị, vì thành tích cũng sẵn sàng “lách luật” để sỡ hữu lực lượng không phải do mình đào tạo để tranh tài...

Vĩnh Liêm

Mới nhất

x
Đại hội TDTT toàn quốc 2014: "Nóng" trước ngày khai mạc
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO