Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2014 khai mạc long trọng

08/05/2014 14:21

Sáng 8/5, Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2014 đã khai mạc trọng thể tại chùa Bái Đính, tỉnh Ninh Bình.

Dự lễ khai mạc có Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An và nhiều vị lãnh đạo Đảng, Nhà nước, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đại diện các bộ, ban, ngành, địa phương. Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó pháp chủ Hội đồng Chứng minh Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng các chư tôn đức giáo phẩm Giáo hội Phật giáo Việt Nam dự lễ khai mạc.

Quang cảnh Lễ khai mạc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Quang cảnh Lễ khai mạc. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)

Thủ tướng Sri Lanka Jayaratne, Đại sứ, Hoàng gia một số nước và trên 1.000 đại biểu là lãnh đạo các giáo hội, hệ phái Phật giáo, các giáo sư, tiến sỹ, học giả, nhà nghiên cứu Phật học cũng như các Phật tử hành trì thuộc nhiều truyền thống Phật giáo đến từ 95 quốc gia, vùng lãnh thổ đã tham dự Đại lễ.

Tham dự Đại lễ còn có trên 10.000 tăng ni, phật tử và nhân dân trong nước.

Nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh, nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Thường trực Ban Bí thư Lê Hồng Anh đã gửi lẵng hoa chúc mừng Đại lễ.

Mở đầu Đại lễ là chương trình nghệ thuật và nghi thức lễ Tam Bảo.

Các đại biểu dự lễ đã tưởng nhớ đến 3 sự kiện quan trọng trong cuộc đời Đức Phật là ngày đản sinh, thành đạo và nhập niết bàn và cùng suy niệm về cuộc đời, giáo pháp của Đức Phật.

Đại lễ đã dành một phút mặc niệm cố Trưởng lão Hòa thượng Thích Trí Tịnh, Chủ tịch Hội đồng Trị sự Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Sau phát biểu khai mạc của Chủ tịch Ủy ban Tổ chức Quốc tế Vesak 2014 và Chủ tịch sáng lập Ủy ban Tổ chức Quốc tế (Thái Lan), Đại lễ đã nghe Thông điệp của Pháp chủ Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Thông điệp do Hòa thượng Thích Đức Nghiệp, Phó Pháp chủ Hội đồng Chứng minh Giáo hội Phật giáo Việt Nam đọc đã nhận định Đại lễ Vesak 2014 được tổ chức tại Việt Nam là vinh dự to lớn, là thuận duyên đối với đất nước và Phật giáo Việt Nam để góp phần cùng với cộng đồng Phật giáo quốc tế trong việc phát huy tư tưởng giáo lý của Đức Phật trong sự nghiệp hoằng dương Chính pháp, lợi lạc quần sinh và bảo vệ hòa bình cho nhân loại.

Tại Đại lễ này, tăng ni, cư sỹ Phật tử trong và ngoài nước sẽ có nhiều cơ duyên để chia sẻ những kinh nghiệm và học thuật uyên thâm của các học giả đến từ khắp các châu lục.

Trong diễn văn chào mừng Đại lễ, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam khẳng định, trong thời đại mới, Phật giáo đã phát triển mạnh mẽ trên khắp thế giới, Phật giáo Việt Nam cũng đã có những phát triển rất khả quan, uy tín của Giáo hội ngày càng sâu đậm, rộng rãi trong nước và đối với các cộng đồng Phật tử thế giới.

Diễn văn nêu rõ cần chuyển tải nhiều hơn về giáo lý của Đức Phật, niềm tin Phật, sự an bình trong đời sống vật chất và tâm linh đến các vùng sâu vùng xa, đến các biên địa, đến các vùng biển đảo máu thịt của đất nước, nhất là các kiều bào Phật tử đang định cư và sinh sống ở nước ngoài.

Trong mùa An cư này, tăng ni, phật tử cần thực hiện tinh tấn trong tu học nhằm vượt qua sự trì trệ, sự mong cầu yên thân của cá nhân, vô cảm với mọi người, mọi sự việc, những thái độ trái với tinh thần vô ngã vị tha của Phật giáo.

Trong không khí trang trọng của ngày Đại lễ Phật đản, phát biểu tại Lễ khai mạc, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, trong suốt chiều dài lịch sử, Phật giáo luôn gắn bó, đồng hành cùng dân tộc Việt Nam, luôn tỏ rõ phương châm nhập thế, gắn bó giữa Đạo và Đời, phấn đấu vì mục tiêu độc lập dân tộc, tự do, hạnh phúc, an vui cho con người.

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng khẳng định: “Ở nước chúng tôi, tự do tôn giáo, tự do tín ngưỡng được thể hiện đầy đủ trong Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các bộ luật quan trọng.”

Chủ tịch Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh, Việt Nam chủ trương bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, sẵn sàng tiếp thu, đón nhận tinh hoa văn hóa của nhân loại. Việt Nam luôn tôn trọng các giá trị cao đẹp được xây dựng, hun đúc qua hàng ngàn năm của các tôn giáo, trong đó có đạo Phật, nhất là đạo đức tôn giáo hướng con người tới chân, thiện, mỹ, đề cao con người, đề cao đạo đức, nhân cách con người.

Gửi thông điệp tới Đại lễ, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Ban Ki-moon kêu gọi mỗi người vượt lên trên những lợi ích cá nhân hẹp hòi, để suy nghĩ và hành động như những thành viên của một cộng đồng quốc tế; mỗi người mở rộng trái tim và vòng tay cho đồng loại của mình, đặc biệt là những người đang thiếu thốn và cam kết làm việc cùng nhau vì lợi ích chung, cho sự tiến bộ của toàn thể nhân loại.

Ông Ban Ki-moon đặc biệt hoan nghênh chủ đề của Đại lễ Vesak lần này tại Việt Nam và cho rằng vì những lời dạy của Đức Phật có giá trị vĩnh cửu nên trong thời đại ngày nay, quan điểm Phật giáo vẫn có giá trị khi chúng ta thúc đẩy nỗ lực để đạt được các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ, đưa thế giới vào một con đường phát triển công bằng và bền vững hơn.

Các đại biểu dự Đại lễ cũng đã nghe Thông điệp của Tổng Giám đốc UNESCO, Quốc vương, lãnh đạo các quốc gia, lãnh tụ các giáo hội Phật giáo trên thế giới, trong đó có phát biểu chúc mừng của Thủ tướng Sri Lanka Jayaratne với tin tưởng những tư tưởng giáo lý của đạo Phật sẽ ngày càng được lan tỏa nhằm phục vụ cho hòa bình lâu dài của thế giới; cầu mong cho nhân loại bình an, bình đẳng, hạnh phúc, Phật tử đều là những người có lòng yêu thương, từ bi, hỉ xả.

Sau phiên khai mạc, các đại biểu tham dự Đại lễ sẽ nghe thuyết trình về nội dung Phật giáo góp phần thành tựu mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hợp quốc, tham gia vào các hoạt động hội thảo nhóm, thuyết pháp ý nghĩa Phật đản./.

Theo TTXVN

Mới nhất
x
Đại lễ Phật đản Liên hợp quốc-Vesak 2014 khai mạc long trọng
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO