Đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ

13/08/2014 18:24

(Baonghean) - Hệ thống thủy lợi Bắc (thuộc địa bàn các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương) có trên 17 hồ chứa nước lớn do Công ty TNHH-MTV thủy lợi Bắc quản lý, trên 250 hồ đập nhỏ do các địa phương quản lý. Hiện nay, chỉ một số hồ chứa lớn được nâng cấp, còn lại đa số xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

(Baonghean) - Hệ thống thủy lợi Bắc (thuộc địa bàn các huyện Yên Thành, Diễn Châu, Đô Lương) có trên 17 hồ chứa nước lớn do Công ty TNHH-MTV thủy lợi Bắc quản lý, trên 250 hồ đập nhỏ do các địa phương quản lý. Hiện nay, chỉ một số hồ chứa lớn được nâng cấp, còn lại đa số xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ.

Sẵn sàng “4 tại chỗ”

Men theo con đường rừng, chúng tôi đến hồ chứa nước Vệ Vừng, xã Đồng Thành - Yên Thành. Đây là hồ chứa được xây dựng từ năm 1973, năm 1978 từng bị vỡ thân đập gây hậu quả nghiêm trọng, đến năm 2007 được đầu tư sửa chữa nâng cấp với chiều cao thân đập 16,4 m, mái thượng lưu lát đá lát khan. Diện tích lưu vực của hồ chứa rộng tới 37 km2, dung tích trữ gần 20 triệu m3 nước. Dù được nâng cấp nhưng đập Vệ Vừng không an toàn, nguyên nhân là trong lưu vực của hồ chứa Vệ Vừng có trên 40 hồ chứa nhỏ thuộc các xã Kim Thành, Tây Thành, Quang Thành lâu nay xuống cấp, mưa lớn các hồ chứa này nếu bị vỡ liên hoàn sẽ đổ lượng nước về gây nguy cơ vỡ thân đập Vệ Vừng.

Còn tại đập Thị Long (xóm Quang Nhân, xã Quang Thành, Yên Thành) - hồ chứa nhỏ nằm trong lưu vực hồ Vệ Vừng, nước đầy ắp, bờ đất mỏng. Ông Trần Văn Kỳ - Xóm trưởng Quang Nhân được xã giao quản lý hồ hơn 5 năm nay, chia sẻ: “Chủ yếu tôi thuê để nuôi cá và có trách nhiệm xả nước tưới lúa cho nhân dân. Còn về mùa mưa lũ quản lý hồ rất khó khăn, do hồ xuống cấp, trình độ chuyên môn chưa có, chỉ biết huy động dân đóng góp cọc tre đề phòng vỡ đập”. Tại xã Quang Thành hiện có 31 hồ chứa nhỏ nằm trong lưu vực hồ Vệ Vừng, trong đó mới nâng cấp 4 hồ chứa, còn lại hầu hết là xuống cấp. Ông Hoàng Văn Bảy - Chủ tịch UBND xã Quang Thành thừa nhận địa bàn xã quá nhiều hồ đập nhỏ, chủ yếu do các xóm tự nâng cấp, khắc phục nên hầu hết đập xuống cấp, vào mùa mưa lũ thường bị vỡ từ 3-4 đập nhỏ. Năm nay, từ đầu mùa đã có mưa nhiều nên hầu hết các hồ chứa đầy nước, nếu mưa kéo dài nguy cơ vỡ đập nhỏ sẽ rất lớn. Để đối phó với tình trạng trên, xã chỉ biết huy động dân túc trực, chuẩn bị một số cọc tre, sẵn sàng phương án di dời dân.

Trước thực trạng trên, để đảm bảo an toàn cho hồ chứa Vệ Vừng, UBND huyện Yên Thành đã ra Quyết định thành lập Ban chỉ huy PCLB hồ Vệ Vừng do ông Thái Văn Thành - Chủ tịch UBND xã Đồng Thành làm Trưởng ban. Lực lượng thường trực nòng cốt là cán bộ Cụm hồ chứa Vệ Vừng có 12 người thay phiên nhau trực 24/24 giờ, theo dõi, báo cáo công trình, xử lý kỹ thuật sự cố công trình. Về phương án kỹ thuật tình huống đặt ra, nếu có mưa lớn vượt tần suất thiết kế, thực hiện phương án xả nước qua tràn trại mắt. Ngoài 30 m3 đá hộc và trên 30 m3 cát do Xí nghiệp thủy lợi Yên Thành chuẩn bị, xã Đồng Thành đã huy động nhân dân đóng góp trên 1000 bao tải, rơm rạ và trên 400 cây tre, khi cần thiết có thể huy động trên 1000 người để xử lý sự cố.

Hồ Đồn Húng (xã Hùng Thành - Yên Thành) được xây dựng từ những năm 1973, năm 1978 từng bị vỡ 120 mét đập. Theo quan sát, chúng tôi thấy thân đập lún sụt nhiều vị trí kéo nứt tường chắn sóng. Mái đá thượng lưu bị lún sụt từ 15-20 cm, thân đập, mái đập bị thấm nhiều chỗ. Lê Thanh Hải - Cụm trưởng hồ chứa Đồn Húng cho hay: Hồ Đồn Húng hiện là hồ chứa ách yếu nhất, nguy cơ vỡ đập cao vì vậy, Cụm luôn nâng cao công tác quản lý; bảo dưỡng công trình, lát đá bong tróc mái hạ lưu. Thời điểm mưa lớn, 5 cán bộ túc trực 24/24 h thực hiện đo đạc quan trắc, thu thập các yếu tố khí tượng, thuỷ văn trên lưu vực hồ chứa, các diễn biến về thấm, rò rỉ nước qua thân đập, nền đập, vai đập, diễn biến nứt nẻ, sạt trượt tại thân đập. Trong năm 2014, hồ chứa đã mở rộng thêm tràn phụ rộng 20 mét. Cụm chủ động kiểm tra mạch đùn sủi qua thân đập, nước rò do mối, tăng cường tháo nước qua tràn chính và tràn sự cố.

Theo ông Hồ Ngọc Mai - Giám đốc Công ty TNHH-MTV thủy lợi Bắc, Công ty quản lý 17 hồ chứa, có 4 hồ đã được nâng cấp, số hồ còn lại thuộc dạng ách yếu. Để an toàn hồ chứa trong mùa mưa lũ, công ty đã triển khai công tác “4 tại chỗ” như kiện toàn ban chỉ đạo PCBL, chuẩn bị các vật liệu cơ bản tại chân hồ chứa… Đối với báo động cấp I, các đơn vị thường trực ở công trình kiểm tra 3 giờ/lần trên tuyến đập để phát hiện rò, thấm, sụt, ổ mối tổ chức xử lý. Báo động cấp II, các lực lượng kiểm tra 24/24h, huy động vật liệu dự phòng đến chân công trình những chỗ xung yếu. Huy động lực lượng xung kích ở địa phương tại chỗ lên công trình và triển khai dùng đất để chống tràn, chống sụt lở, chống sóng. Báo động khẩn cấp, tập trung cao cho chống tràn nước qua đập, chọn vị trí tháo để hạ mực nước trong hồ theo phương án kỹ thuật, dùng bao tải đất đắp chống tràn qua đỉnh đập, chống sóng phá hỏng mái thượng lưu, sơ tán dân vùng hạ lưu đến nơi an toàn.

Tích cực nâng cấp hồ đập nhỏ

Trước tình trạng hồ đập ách yếu, một số huyện đã nỗ lực để nâng cấp duy tu hồ chứa nhỏ. Tại hồ chứa nước Khe Mây, xã Quỳnh Tân trước đây thuộc diện xuống cấp trầm trọng, năm 2012, UBND huyện Quỳnh Lưu đã triển khai nâng cấp đập Khe Mây với tổng trị giá trên 17,8 tỷ đồng. Trong điều kiện khó khăn thiếu vốn, UBND huyện chỉ mới giải ngân được 10 tỷ đồng, huyện đã động viên đơn vị thi công bỏ vốn tiếp tục thi công, đến thời điểm này hồ chứa đã hoàn thành được trên 90% khối lượng. Chúng tôi có mặt tại công trường khi công nhân đang tích cực hoàn thiện nốt hạng mục đường công vụ, bà Nguyễn Thị Mẫu-chỉ huy trưởng công trình cho biết: Thân đập dài 480 m, cao 8 mét, đổ bê tông cốt thép mái thượng lưu. Đến thời điểm này Quỳnh Lưu đã thi công xong 6 hồ chứa do địa phương quản lý, tiếp tục thi công các hồ chứa Khe Sâu và Khe Bính ở xã Quỳnh Châu, hồ Thủng Dạ ở Quỳnh Thắng…

Kè hồ chứa nước xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu).
Kè hồ chứa nước xã Quỳnh Châu (Quỳnh Lưu).

Huyện Đô Lương cũng đang đồng loạt triển khai thi công 6 hồ chứa nước gồm hồ Khe Chuối và hồ Quán Đồng ở xã Đại Sơn, hồ Bàu Nại ở Mỹ Sơn, hồ Phú Cường ở Đặng Sơn, hồ Khe Mài ở Giang Sơn. Theo ông Trần Doãn Hùng - Trưởng phòng Nông nghiệp Đô Lương được biết: Một số đơn vị thi công đã nỗ lực bỏ vốn cố gắng thi công đảm bảo tiến độ cao trình vượt lũ, các đập thi công dang dở thì UBND huyện đốc thúc hoàn thiện các hạng mục trọng yếu như cống, tràn trước mùa mưa lũ. Đối với huyện Yên Thành đến thời điểm này đã nâng cấp được hơn 10 hồ chứa nhỏ, huyện đang triển khai thi công 7 hồ chứa cố gắng hoàn thành trước mùa mưa lũ.

Ông Nguyễn Trường Thành - Phó Chi cục Thủy lợi cho hay: Toàn tỉnh có 625 hồ chứa lớn nhỏ, trong khi đó, số hồ đập được nâng cấp chỉ chiếm chưa đầy 15%. Đối với quản lý hồ chứa hiện có 2 mô hình. Mô hình do các Công ty TNHH-MTV quản lý khá hiệu quả, do các cán bộ quản lý hồ đập đều được đào tạo cơ bản chuyên môn nghiệp vụ, một số hồ đập lớn đã được nâng cấp. Còn hồ chứa địa phương chủ yếu các xã giao cho HTX và cá nhân quản lý, do chưa được đào tạo chuyên môn quản lý hồ chứa, chủ yếu làm nhiệm vụ xả nước tưới lúa, chưa có quy trình vận hành, rất lúng túng khi xảy ra sự cố. Để giảm thiểu mức thấp nhất thiệt hại do mưa lũ gây ra, các địa phương cần tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo không được tích nước trong hồ vượt mức do cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền quy định. Trong mùa lũ, các hồ chứa có nhiệm vụ điều tiết lũ, việc vận hành tích nước, xả lũ phải ưu tiên đảm bảo an toàn đập, thực hiện điều tiết cắt lũ và tích trữ nước hồ theo nhiệm vụ công trình. Xây dựng phương án phòng, chống lũ, lụt cho vùng hạ du trong trường hợp xả lũ khẩn cấp và vỡ đập trước khi tích nước. Cần tổ chức thực hiện đào tạo, đào tạo lại, tập huấn nâng cao năng lực cho lực lượng quản lý, vận hành hồ chứa.

Văn Trường

Mới nhất

x
Đảm bảo an toàn hồ đập mùa mưa lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO