Đảm bảo nguồn nước tại các khu, cụm công nghiệp
(Baonghean) - Một trong những điều kiện cần và đủ cho hạ tầng các khu, cụm công nghiệp tập trung là điện, nước. Tuy nhiên, hiện nay nhiều nhà máy, công ty đang gặp khó khăn về nguồn nước sạch để sản xuất và sinh hoạt...
Dù đã đi vào hoạt động được hơn 4 năm nhưng Nhà máy sản xuất phân bón Sao Vàng thuộc Tổng công ty VTNN Nghệ An đặt tại Khu C, Khu công nghiệp Nam Cấm (Nghi Lộc) đến nay vẫn chưa có nước sạch để sử dụng. Cũng chừng đó thời gian, công ty phải mua nước sạch chở từ TP. Vinh để phục vụ sản xuất và sinh hoạt cho cán bộ, công nhân viên. Mặc dù, công ty có hệ thống nước ngầm nhưng nguồn nước nhiễm mặn nên không thể sử dụng mà chỉ để tưới cây. Ông Trương Văn Hùng, Giám đốc công ty cho biết: Thiếu nước sạch là vấn đề mà công ty chúng tôi đã phải chấp nhận hơn 4 năm nay và chưa biết khi nào thì được giải quyết. Trung bình mỗi ngày, công ty phải mua từ 3 - 5 m3 khối nước từ TP.Vinh chở ra để cán bộ, công nhân viên sử dụng. Trung bình một tháng, công ty phải bỏ ra từ 19-18 triệu đồng để mua nước sạch.
Nguồn nước ngầm tại Công ty TNHH Haivina Kim Liên bị nhiễm phèn. |
Không chỉ thiệt hại về kinh tế, việc không có nước sạch cũng đang ảnh hưởng đến quá trình sản xuất cũng như đời sống của 120 cán bộ, công nhân viên của công ty. Anh Hùng cho biết thêm, nhiều khi hết nước sạch nhưng xe chở nước chưa ra đến nơi nên hoạt động sản xuất của công ty cũng bị ảnh hưởng. Đã nhiều lần công ty báo cáo, phản ánh vấn đề này đến các cơ quan chức năng nhưng chưa có câu trả lời cụ thể. Vì vậy, công ty rất mong UBND tỉnh, Khu kinh tế Đông Nam sớm đưa ra giải pháp để triển khai dự án đưa nước sạch cung cấp cho nhà máy sử dụng. Được biết, không chỉ riêng Công ty Vật tư nông nghiệp Nghệ An mà còn nhiều doanh nghiệp khác tại Khu công nghiệp Nam Cấm cũng đang chịu hoàn cảnh trên.
Cùng tình trạng tương tự, Công ty TNHH Haivina Kim Liên, đặt tại Cụm công nghiệp Nam Giang (xã Nam Giang, huyện Nam Đàn) đang gặp khó khăn khi chưa có nước sạch sử dụng. Kể từ ngày khánh thành công ty (3/2012) đến nay, đường ống nước sạch vẫn chưa về được đến cổng hàng rào công ty. Để có nước sử dụng, công ty đã lắp đặt hệ thống lọc nước từ nguồn nước ngầm. Tuy nhiên, do nước nhiễm phèn, không đạt tiêu chuẩn nên nguồn nước này không thể phục vụ nhu cầu ăn uống mà chỉ để công nhân sinh hoạt hàng ngày. Anh Lê Thanh Tịnh, Trưởng phòng Tổng vụ của công ty cho biết: Mặc dù, công ty đã phản ánh vấn đề này với các cơ quan chức năng nhưng chưa có kết quả. Mỗi ngày, công ty phải đi mua nước máy về sử dụng. Theo anh Lê Văn Sơn, Chủ tịch công đoàn, mỗi ngày công ty phải mua 3 xe nước, mỗi xe khoảng 5,3m3, trung bình mỗi tháng, công ty phải bỏ ra gần 4 triệu đồng để mua nước sạch. Tuy kinh phí công ty bỏ ra để mua nước sạch là không lớn nhưng công sức, thời gian bỏ ra là nhiều. Công ty phải đi mua nước tại TP.Vinh về mất rất nhiều thời gian.
Đến nay, tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh, một số cơ sở hạ tầng thiết yếu như giao thông, nước sạch đang trong quá trình hoàn thiện. Cái khó lớn nhất trong quá trình tham gia đầu tư xây dựng các công trình, dự án cung cấp nước sạch cho các khu, cụm công nghiệp của tỉnh hiện nay là thiếu nguồn vốn xây dựng. Bởi các công trình cung cấp nước sạch đòi hỏi quy mô lớn, công nghệ hiện đại. Hầu hết các khu, cụm công nghiệp của tỉnh chưa có nhiều nhà đầu tư vào khai thác, chủ yếu còn đang trong quá trình thu hút đầu tư và khởi công xây dựng nên rất khó thu hồi vốn. Chính vì thế nước sạch tại hầu hết các khu, cụm công nghiệp tập trung trong tỉnh chủ yếu được tận dụng từ các công trình cấp nước sạch hiện có tại chỗ hoặc từ các địa phương khác truyền tải về khi có nhu cầu.
Hiện, Công ty TNHH 1 thành viên cấp nước Nghệ An đang đẩy nhanh tiến độ xây dựng dự án cấp nước vùng phụ cận Thành phố Vinh. Dự án có công suất 20.000m3/ngày, với tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng, trong đó vốn vay ODA Phần Lan là 10.927.659,57 euro, vốn đối ứng trong nước 89.587 triệu đồng. Khi dự án hoàn thành sẽ đáp ứng nhu cầu cấp nước sạch cho các Nam Giang, Kim Liên (huyện Nam Đàn); xã Hưng Tây (huyện Hưng Nguyên); xã Nghi Liên, Nghi Kim (Thành phố Vinh); Thị trấn Quán Hành, các xã Nghi Long, Nghi Trường, Nghi Trung, Nghi Hoa, Nghi Thuận, Nghi Ân, Nghi Thịnh, Nghi Vạn (huyện Nghi Lộc) và Khu công nghiệp Nam Cấm theo định hướng mở rộng không gian đô thị Vinh đến năm 2015, có tính đến năm 2020.
Bài, ảnh: Phạm Bằng