Đám cưới theo nếp sống mới – bắt đầu từ thay đổi nhận thức

04/11/2012 18:49

Cách đây hơn 10 năm, tôi may mắn được dự một đám cưới theo nếp sống văn hóa mới của anh bạn đồng nghiệp. (Nói may mắn vì từ đó đến nay tôi không bao giờ được dự một đám cưới giản dị mà vui vẻ đến vậy). Đám cưới được tổ chức ấm cúng nhưng trang trọng ở hội trường, không tiệc mặn, chỉ có bánh kẹo, hạt dưa, trà nước.

(Baonghean) Cách đây hơn 10 năm, tôi may mắn được dự một đám cưới theo nếp sống văn hóa mới của anh bạn đồng nghiệp. (Nói may mắn vì từ đó đến nay tôi không bao giờ được dự một đám cưới giản dị mà vui vẻ đến vậy). Đám cưới được tổ chức ấm cúng nhưng trang trọng ở hội trường, không tiệc mặn, chỉ có bánh kẹo, hạt dưa, trà nước.

Điều đặc biệt là chương trình văn nghệ chúc mừng cô dâu chú rể lại chính là những người bạn của cả hai bên. Không hiểu do không khí quá thoải mái hay vì tâm hồn nhẹ nhõm do không phải thưởng thức các món ăn mặn mà có nhiều vị khách xung phong lên hát một tua 3 bài, khiến hội trường thêm phần náo nhiệt. Đám cưới ấy, mãi đến tận hôm nay, mỗi lần có dịp gặp mặt chúng tôi lại đưa ra bàn luận với một điều mong muốn: Giá mà ai cũng tổ chức được như thế, thì có lẽ Bộ Chính trị cũng không cần phải ra Chỉ thị 27 về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội.

Thời gian qua, việc tuyên truyền, vận động, thực hiện cưới theo nếp sống mới đã được các cơ quan, đơn vị, đoàn thể trên địa bàn tỉnh quan tâm chỉ đạo và đạt được kết quả đáng ghi nhận, như triển khai xây dựng mô hình đám cưới mẫu ở Diễn Hùng (Diễn Châu), Châu Lý (Quỳ Hợp), Châu Kim (Quế Phong), Khối 3 Lê Lợi (TP Vinh)… Tuy nhiên, cùng với thời gian, những đám cưới phô trương không hề giảm mà ngày càng nhiều lên, trong khi đám cưới theo nếp sống mới ngày càng ít đi. Vì sao vậy? Trao đổi với một cán bộ văn hóa, được biết: Hiện nay rất nhiều đám cưới tổ chức linh đình, mời mọc rộng rãi, có nhiều đám cưới tổ chức ở quê, sau đó kéo nhau lên nơi làm việc tổ chức tiếp, gây phiền phức cho người mời. Rồi có những đám cưới mời quá đông, đi ăn cưới mà cứ như đi chạy xô, chen nhau vào hội trường, nếu chậm chân sẽ không có chỗ ngồi; có đám cưới bao luôn cả hai hội trường ở một khách sạn lớn mà cũng không đủ chỗ cho khách ngồi; có đám cưới người mời không hề biết mặt chú rể cô dâu…

Thiết nghĩ, để nhân rộng đám cưới theo nếp sống văn hóa mới, phải bắt đầu từ nhận thức của những người trong cuộc. Chính bố mẹ chú rể, cô dâu phải là người định hướng cách thức tổ chức đám cưới cho các con và chính cô dâu, chú rể phải là người quyết định mình nên tổ chức đám cưới như thế nào cho phù hợp với phong tục tập quán địa phương. Đừng nghĩ rằng tổ chức đám cưới rình rang là “oai”, là chứng tỏ mình là người quan hệ rộng. Trong khi cả nước, cả tỉnh đang thực hiện “làm theo Bác”, đang đưa Nghị quyết T.Ư4 vào cuộc sống thì những người có chức vụ càng phải gương mẫu thực hiện nghiêm túc Chỉ thị 27 của Bộ Chính trị. Có như vậy dân mới tin, Đảng mới mạnh.

Ngày cưới là ngày trọng đại nhất trong cuộc đời của đôi bạn trẻ. Khi cuộc đời đã đầy rẫy những nỗi bon chen thì hãy để ngày cưới trở thành ngày vui với ý nghĩa trang trọng nhất, đích thực nhất.


Biển Đông

Mới nhất
x
Đám cưới theo nếp sống mới – bắt đầu từ thay đổi nhận thức
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO