Đám mây phóng xạ đã lan rộng khắp Đông Nam Á
Báo cáo về số liệu phóng xạ môi trường của Trung tâm dữ liệu quốc gia Việt Nam trong mạng lưới của Tổ chức cấm thử hạt nhân toàn diện (CTBTO) đặt tại Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam ngày 13/4 cho thấy, đám mây phóng xạ tiếp tục lan rộng khắp Đông Nam Á.
Tuy nhiên, nồng độ hạt nhân phóng xạ đo được từ các trạm quan trắc tại Đông Nam Á là rất thấp so với mức cho phép.
Đám mây phóng xạ dự đoán lúc 2 giờ ngày 15/4/2011. Ảnh: Most
Vẫn theo CTBTO, hiện đám mây này đang di chuyển về phía Ấn Độ và xuống phía Nam bán cầu.
Tại Việt Nam, Tổ công tác xử lý thông tin sự cố Nhà máy điện hạt nhân Fukushima I (thuộc Bộ Khoa học và Công nghệ) tối 13/4 cũng cho biết, Viện Khoa học và kỹ thuật hạt nhân đã kiểm tra nồng độ phóng xạ trong nước mưa (trận mưa ngày 7/4).
Kết quả cho thấy đã phát hiện được đồng vị phóng xạ Cs-137 Cs-134 và I-131 nhưng với nồng độ thấp hơn nhiều so với giới hạn cho phép, không ảnh hưởng tới sức khỏe con người. Cụ thể I-131 đo được 44,9±3,5 mBq/l trong khi giới hạn theo tiêu chuẩn an toàn của Nhật Bản đối với trẻ em là 100 Bq/l, người lớn là 300 Bq/l.
Các trạm quan trắc tại Viện Nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt cũng cho kết quả, ngoài các đồng vị phóng xạ tự nhiên còn tiếp tục ghi nhận được đồng vị phóng xạ nhân tạo là là I-131, Cs-134 và Cs-137, ở mức tương ứng là 55,4±15,1; 1,7±1,0 và 1,3±0,8 micro-Bq/m3.
Nhìn vào kết quả quan trắc trong 2 ngày liên tiếp, có thể thấy mức phóng xạ I-131 tại Đà Lạt ngày hôm nay đã giảm hơn so với ngày 12/4 (nồng độ I-131 quan trắc được là 92,8 ± 26,1 micro-Bq/m3).
Theo các nhà khoa học, đây là mức rất thấp, không ảnh hưởng đến sức khoẻ con người và môi trường.
Theo Vietnam+