Đam mê sự sẻ chia!
(Baonghean) - Nhân Ngày toàn dân hiến máu tình nguyện 7/4 sắp tới, Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với em Nguyễn Thị Phương, sinh viên năm thứ 3 Đại học Y khoa Vinh, Phó Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống Thành Vinh.
- Chào Phương, được biết đã 14 lần em tham gia hiến máu tình nguyện. Vậy từ bao giờ và đâu là động lực để Phương tích cực tham gia hoạt động này?
![]() |
Nguyễn Thị Phương đi vận động hiến máu nhân đạo. |
- Đã là sinh viên trường Y thì ai cũng đã ít nhất một lần nghe đến phong trào hiến máu tình nguyện. Bản thân em, ngày mới nhập học, cũng chỉ suy nghĩ đơn giản đây là một hoạt động phong trào và thực sự không để tâm nhiều. Nhưng cuối năm thứ nhất, khi đang đi thực tế tại Bệnh viện Sản - Nhi em tình cờ biết được thông tin có một em bé ở đến từ huyện Tương Dương bị bệnh huyết tán bẩm sinh, đợi 1 tuần rồi mà chưa có máu. Cô bé mới 2 tuổi, gầy gò, nhợt nhạt, toàn thân là những vết lở loét, không ăn được gì. Mẹ của bé lại mất sữa sớm, chỉ biết ngồi ôm con khóc.
Nhìn thấy cảnh đó, em thấy xót xa vô cùng, và ngay lập tức xung phong kiểm tra sức khỏe để truyền máu cho bé. Truyền được gần một đơn vị máu thì bé bắt đầu hồi tỉnh, mấp máy môi và biết đòi ăn.Từ sau lần hiến máu đó, em suy nghĩ rất nhiều về hoạt động này. Em bắt đầu tìm hiểu về các chương trình hiến máu tình nguyện của trường rồi đọc trên sách báo về phong trào tình nguyện của các địa phương khác. Đầu năm 2013, khi chương trình Hành trình đỏ được triển khai xuyên Việt dù không là thành viên nhưng ngày nào em cũng vào mạng để đọc thông tin như một sự thôi thúc. Đến khi chương trình đến Vinh thì em viết đơn xin làm tình nguyện viên... Khoảng 3 tháng sau thì Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Vinh thành lập, em là một trong những thành viên đầu tiên xin gia nhập và được gọi là thế hệ F1. Em bắt đầu gắn bó với phong trào này từ đó.
![]() |
Phương và các bạn trong câu lạc bộ đang vận động và tham gia hoạt động hiến máu nhân đạo |
- Câu lạc bộ Ngân hàng máu sống Thành Vinh được thành lập hoàn toàn theo tinh phần tự nguyện, tự phát. Hẳn trong những ngày đầu mới thành lập, các thành viên trong câu lạc bộ gặp rất nhiều khó khăn?
- Ngày mới thành lập câu lạc bộ có hơn 30 người. Với mục tiêu là thành lập ngân hàng máu sống để bất cứ lúc nào cũng có thể cung cấp cho bệnh nhân nên mỗi một thành viên tham gia đều phải giao chỉ tiêu và ít nhất một người phải có danh sách từ 5 - 10 người hiến máu tình nguyện. Công việc quả thật khó khăn hơn chúng em tưởng rất nhiều. Muốn vận động một người tham gia hiến máu rất khó, đặc biệt là hiến máu sống vì không phải ai cũng có thể chủ động giờ giấc, ai cũng sẵn sàng giữa đêm, giữa hôm đến bệnh viện để tình nguyện hiến máu cho một người mình không quen biết.…
- 26/8, 10/10, 16/2, 9/3… là những tên gọi mà câu lạc bộ vẫn thường nói về các nhóm của mình. Điều đó có ý nghĩa gì? Và làm thế nào câu lạc bộ tổ chức được nhiều hoạt động trong hoàn cảnh không có đơn vị nào đứng ra chủ trì và khi hầu hết các thành viên đều là sinh viên?
- 26/8 là ngày đầu tiên câu lạc bộ tuyển tình nguyện viên và từ đó đến nay chúng em đã tuyển đến 6 lần, thứ tự là vào các ngày 10/10, 16/2... Sau hơn 2 năm thành lập với hơn 100 tình nguyện viên, hiện chúng em hoạt động với nhiều nội dung khác nhau. Ví dụ như, nhóm 26/8 là nhóm hầu hết các thành viên học về ngành Y, vì vậy nhóm chủ yếu tập trung hoạt động chăm sóc bệnh nhân, trong đó tập trung hỗ trợ các bệnh nhân mắc bệnh tan máu bẩm sinh. Việc hỗ trợ bao gồm giúp đỡ về mặt tinh thần bằng việc lên thăm hỏi, tặng bánh kẹo, tổ chức sinh hoạt giúp các em vui chơi, hỗ trợ và giúp đỡ các em học tập.
Bên cạnh đó còn hỗ trợ cho gia đình các em khó khăn. Nhóm 10/10 có trách nhiệm nấu cơm theo định kỳ 1 tuần 2 lần, mỗi lần từ 15-20 suất cơm để phát cho người vô gia cư, lang thang cơ nhỡ trên địa bàn Thành phố Vinh, khuyên nhủ các cụ già về với gia đình nếu có thể, hỗ trợ về các mặt khác trong điều kiện cho phép. Hoạt động “Địa chỉ đỏ - Tấm lòng vàng” do nhóm 9/3 kết hợp cùng Quỹ Nhân ái Người cao tuổi chi nhánh Nghệ An cùng tổ chức. Theo đó, hoạt động chính là thăm hỏi, tặng quà các gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh Nghệ An, các cụ già neo đơn sống một mình; hỗ trợ chương trình Phật pháp tại các chùa chiền…
Thực tế thì chúng em không có quỹ dự phòng, mỗi một lần triển khai các chương trình các thành viên trong câu lạc bộ sẽ kêu gọi cùng nhau đóng góp hoặc vận động từ các nhà hảo tâm hay gây quỹ từ thu gom ve chai. Một số thì do các bạn tình nguyện tự đóng góp từ số tiền bồi dưỡng sức khỏe sau khi hiến máu…
- Cộng đồng luôn kêu gọi “mỗi giọt máu cho đi một cuộc đời ở lại” cũng là để tôn vinh những người hiến máu và ca ngợi việc làm thầm lặng nhưng cao cả này. Bản thân Phương khi làm công việc này có bao giờ chạnh lòng khi mọi người vẫn bảo đây là công việc “ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng”; em và câu lạc bộ đang dự định những gì?
- Gọi là “cho”, nhưng em lại thấy mình “nhận” được nhiều từ khi tham gia câu lạc bộ. Trước đây em vốn nhút nhát, ngại giao tiếp với đám đông, nhưng chỉ sau 2 năm làm tình nguyện viên, đặc biệt là khi được mọi người tin tưởng giao làm phó chủ nhiệm câu lạc bộ, em thấy mình tự tin lên nhiều. Em cũng rất vui khi các bạn nói về mình rằng “lăng xăng bên câu lạc bộ nhưng lại là cái “tâm” để giữ vững câu lạc bộ” nên không thể “buông” mỗi lần thấy mệt mỏi...
Hiện chúng em có rất nhiều dự định. Như vào ngày 5/4 tới đây chúng em sẽ tổ chức chương trình Ngày hội hiến máu tình nguyện “Giọt hồng xứ Nghệ” và đến thời điểm này, mục tiêu huy động được 300 đơn vị máu đã được các nhóm thực hiện xong. Tuy nhiên chúng em vẫn muốn vận động được nhiều hơn nữa… Câu lạc bộ cũng sẽ tiếp tục tổ chức nhiều chương trình thiện nguyện và ngày càng mở rộng địa bàn; tổ chức tuyên truyền cho người dân, đặc biệt người dân miền núi các bệnh về máu và những nguy hiểm về máu. Ngoài ra chúng em đang xây dựng chương trình “Kết giao - Kết thân” với mục đích xây dựng thêm các câu lạc bộ hiến máu tình nguyện ở các trường đại học để mỗi một khi có yêu cầu tùy theo từng địa bàn các câu lạc bộ sẽ chủ động được nguồn máu sống. Xa hơn, chúng em muốn đẩy mạnh hoạt động tạo nên một cộng đồng lớn về hiến máu tình nguyện và giúp người dân thay đổi nhận thức về công tác hiến máu nhân đạo.
- Cảm ơn Phương về cuộc trò chuyện này! Chúc em cùng câu lạc bộ sẽ có nhiều hoạt động giàu ý nghĩa hơn nữa!
Mỹ Hà (Thực hiện)