“Đàm phán chạy án”, thẩm phán vướng vào lao lý

29/05/2012 17:51

(Baonghean.vn) - Bùi Anh Đức (Thẩm phán TAND huyện Yên Thành) được chỉ định làm chủ tọa phiên tòa xét xử vụ tham ô công quỹ của nguyên thủ quỹ xã Đồng Thành, huyện Yên Thành. Xem hồ sơ thấy bị cáo có những tình tiết giảm nhẹ, Đức nảy sinh lòng tham. Khi gia đình bị cáo đến hỏi việc khắc phục hậu quả để hưởng tình tiết giảm nhẹ, Đức đã nói thẳng việc “chạy án” để định khung...

Ông Ngô Xuân Thảo 57 tuổi, nguyên là thủ quỹ xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, bị cách chức ngày 30/11/2010 về hành vi thâm hụt tiền công quỹ trên 199 triệu đồng. Cơ quan cảnh sát điều tra huyện Yên Thành đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với ông Thảo về hành vi tham ô tài sản. Sau khi bị bắt giữ, ông Thảo đã thành khẩn khai nhận toàn bộ hành vi sai phạm của mình. Gia đình ông đã vay mượn tiền khắc phục hậu quả được 100 triệu đồng. Sau 2 tháng bị giam giữ, do sức khỏe yếu và các yếu tố trên nên cơ quan điều tra đã cho ông Thảo được tại ngoại.



Thẩm phán Bùi Anh Đức tại cơ quan điều tra

Sau khi hoàn tất hồ sơ, cơ quan điều tra đã chuyển vụ án sang Viện kiểm sát khởi tố bị can ra Tòa án nhân dân huyện Yên Thành để xét xử. Thẩm phán Bùi Anh Đức (37 tuối) được chỉ định làm chủ tọa phiên tòa xét xử. Ngày 16/4, Tòa án nhân dân huyện Yên Thành tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử vào hồi 13h30 ngày 25/4/2012. Cầm quyết định xét xử trong tay, ông Thảo quá lo sợ nên thần kinh căng thẳng và có những dấu hiệu xấu về sức khỏe. Vợ ông Thảo vốn bị thấp huyết áp, cũng lo sợ điều không may xảy ra với chồng đã mời bác sỹ về tại nhà chăm sóc và theo dõi sức cho ông Thảo.

Dù đã vay mượn khắp nơi và thế chấp cả căn nhà đang ở nhưng ông Thảo mới chỉ bồi thường được hơn 100 triệu đồng. Còn hơn 90 triệu đồng chưa trả được nên ông quá lo lắng, sợ khi ra Tòa không được hưởng tình tiết giảm nhẹ. Ông Thảo và người nhà tìm đến ông Đức để hỏi về việc khắc phục hơn 90 triệu đồng còn lại. Thật quá bất ngờ khi vị thẩm phán nói nước đôi “90 triệu đồng đó nộp cũng được, không nộp cũng được”. Đồng thời nhấn mạnh thêm “tội danh của ông Thảo phải nhận mức án tù từ 7 đến 15 năm”.

Quá lo lắng vì mức án trên, sáng 23/4, các con ông Thảo bỏ phong bì 4 triệu đồng tới phòng làm việc đưa cho Đức nhờ giúp đỡ trong phiên tòa tới. Mở phong bì thấy chỉ có 4 triệu đồng, Đức nói: “Ông” (chỉ Ngọc, là con trai thứ của ông Thảo) phải đưa bác (ông Thảo) đến để nói chuyện”. Thấy “tín hiệu” ngầm của thẩm phán Đức, cha con ông Thảo vội vàng đến phòng làm việc của Đức để “đàm phán”. Nghe Đức nói “Muốn hưởng mức án 3 - 4 năm tù phải nộp đủ số tiền 60 triệu đồng”. Ngọc (con trai ông Thảo) trình bày hoàn cảnh khó khăn của gia đình cho vị thẩm phán biết mong được sự giúp đỡ, không ngờ, Đức nói thẳng: “Ba rem từ trước tới nay rồi, đây không phải là cái chợ để bác (Thảo) và ông (Ngọc) mặc cả, mua bán... Bên này (tòa án-PV) 40 triệu, bên kia (viện kiểm sát-PV) 20 triệu. Phải đưa 20 triệu trước 7h30 sáng ngày 24/4 để 9 giờ họp bàn về mức án”.

Đồng thời, vị thẩm phán này còn trắng trợn tuyên bố với gia đình bị cáo Ngô Xuân Thảo: “Xét xử phiên tòa này tôi là chủ, chánh án chỉ quản lý hành chính thôi. Tất cả mọi việc đều phải thông qua tôi, không nên nhờ người khác”.

Anh Ngô Xuân Ngọc cay đắng chia sẻ: “Bố mẹ tôi rất nghèo, anh cả lập gia đình nhưng không có việc làm nên gửi 2 cháu cho ông bà nội cáng đáng, em gái lấy chồng cũng nghèo, tôi công việc chưa ổn định. Ngoài số tiền nợ công quỹ gần 200 triệu đồng, gia đình tôi còn nợ Ngân hàng Nông nghiệp và Ngân hàng chính sách trên 250 triệu đồng không biết từ bao giờ. Khi xảy ra sự việc bố biển thủ công quỹ không có khả năng chi trả, bà con họ hàng đều hứa sẽ cho bố vay để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên, khi phát hiện, bố còn số tiền nợ trên 250 triệu đồng nên mọi người không cho ông vay nữa. Vì vậy, số tiền trên 90 triệu đồng ông vẫn chưa có để trả, nay ông chủ tọa đòi số tiền 60 triệu đồng chúng tôi lấy đâu ra?”

Mặc dù đã vay mượn được 15 triệu đồng, nhưng nghĩ đến thái độ dứt khoát của vị thẩm phán, biết chắc số tiền này không đủ như đã định và quá bức xúc vì hành vi đòi hối lộ trắng trợn của vị thẩm phán này. Ngoài ra, sợ “không ăn được sẽ đạp đổ”, mức án cho bố vì thế sẽ nặng hơn nên gia đình ông Thảo bàn nhau gửi đơn nhờ các cơ quan chức năng nhờ can thiệp.

Gia đình ông Thảo hẹn đến 9h sáng ngày 24/4 sẽ giao tiền cho Bùi Anh Đức. Về phía cơ quan công an huyện Yên Thành, sau khi nhận được đơn thư của công dân, Đại tá Lê Xuân Điệp - Trưởng công an huyện Yên Thành đã chỉ đạo thành lập chuyên án đấu tranh. Chiều và đêm 23, rạng sáng ngày 24, các mũi trinh sát luôn bám sát mọi di biến động của đối tượng.

10h sáng, người nhà ông Thảo mang 2 phong bì tới phòng làm việc của ông Bùi Anh Đức tại gác 2, trụ sở Tòa án nhân dân huyện Yên Thành. Lúc này trong phòng còn có thư ký nên Bùi Anh Đức xuất hiện ở cửa, dẫn 2 người vào phòng Hội thẩm nhân dân bên cạnh. Sau khi nhận tiền, Đức đi về phòng làm việc của mình và cất vào tủ đựng tài liệu. Tuy nhiên, mọi hành động và lời nói của Đức đã bị anh Ngọc quay và thu vào điện thoại di động.

Nhận được tín hiệu của Ngô Xuân Ngọc, tổ trinh sát Công an huyện Yên Thành có mặt tại phòng làm việc của vị thẩm phán này. Nhìn thấy các chiến sỹ công an, Bùi Anh Đức quá bất ngờ, mặt tái đi, thế nhưng khi được yêu cầu tự đưa tang vật hối lộ ra, Đức một mực khẳng định “không có”. Khi nhân chứng xuất hiện, biết mình không thể chối cãi được, Bùi Anh Đức đã ngoan ngoãn mở tủ lấy ra 2 phong bì vừa nhận, đồng thời lấy từ trong chiếc cặp da của mình một chiếc phong bì nữa. Kiểm tra tại chỗ, lực lượng chức năng thu giữ được 19 triệu đồng tang vật nhận hối lộ, và lập biên bản phạm pháp quả tang đối với thẩm phán Bùi Anh Đức.

Ngày 26/4, cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện Yên Thành đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can Bùi Anh Đức về hành vi nhận hối lộ. Ngày 27/4, Viện KSND huyện Yên Thành đã phê chuẩn quyết định bắt tạm giam 4 tháng đối với Bùi Anh Đức để phục vụ công tác điều tra.

Hiện tại, Công an huyện Yên Thành đã chuyển hồ sơ cho Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Nghệ An để điều tra theo thẩm quyền, Bùi Đức Anh cũng được chuyển đến Trại tạm giam Công an tỉnh Nghệ An.

Đại tá Lê Xuân Điệp, Trưởng công an huyện Yên Thành nói: Đức mới được bổ nhiệm chức vụ thẩm phán Tòa án nhân dân huyện Yên Thành hơn 1 năm nay. Tuổi đời còn khá trẻ, là thẩm phán mà “đàm phán” với bị cáo tham ô tiền chạy án, nếu không xử lý nghiêm thì nhân dân sẽ mất niềm tin vào công lý”.


Phương- Hà

Mới nhất
x
“Đàm phán chạy án”, thẩm phán vướng vào lao lý
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO