Dân bản yên cái bụng rồi!

09/12/2013 18:39

(Baonghean) - Phải chấm dứt việc trồng cây thuốc phiện. Phải vận động đồng bào dân tộc Mông xuống núi sống để ổn định đời sống và phát triển văn hoá. Đó là chủ trương của Đảng, là quyết tâm của Đảng bộ huyện Tương Dương.

“Ở đây làm tối ngày mà cái bụng vẫn đói. Phải đi lên núi cao làm rẫy mới thôi. Lửa cháy đến đâu người Mông ta đến đó. Người phải theo đất mà! Không có đỉnh núi nào cao hơn được đầu gối người Mông ta đâu!” Năm 1985 Vừ Giông Nênh - Chủ nhiệm HTX nông nghiệp Huồi Giảng, xã Tây Sơn, huyện Kỳ Sơn đã nói như vậy. Hằng trăm năm trước người Mông luôn du canh, du cư cũng đã nói như vậy. Bây giờ cũng vậy. Đúng là sau đó bản thuần người Mông này lại cùng nhau đến đỉnh núi Pù Quạc - một đỉnh núi cao trên 1.800m thuộc địa phận Tương Dương. Họ đốt rừng, phát rẫy, làm cật lực suốt ngày mà khổ vẫn khổ. Họ phải vào rừng sâu bí mật phát rẫy, đào hào, trồng cây thuốc phiện.

Giữa những tháng ngày đó, Đảng tiến hành cuộc vận động đồng bào Mông định canh, định cư. Phải chấm dứt việc trồng cây thuốc phiện. Phải vận động đồng bào dân tộc Mông xuống núi sống để ổn định đời sống. Đó là chủ trương của Đảng, là quyết tâm của Đảng bộ huyện Tương Dương. Đầu năm 1989, những cán bộ giàu kinh nghiệm dân vận của huyện về Pù Quạc hàng tháng trời vận động 55 hộ người Mông về Lưu Thông ở chân núi cao cách Pù Quạc một ngày đường. Dân không muốn về. Định kiến và thói quen canh tác tự ngàn đời níu giữ họ lại.

Đảng viên và cán bộ đi trước, làng nước theo sau, sau một thời gian dài vận động, đến cuối năm 2000 có 40 hộ bằng lòng về dựng bản mới ở chân núi lập nên bản Lưu Thông, còn 15 hộ đi sang rừng Lào, tìm những đỉnh núi cao hơn. Thế nhưng về bản mới chưa ổn định chỗ ở, rẫy mới, lúa chưa gặt thì dịch sốt rét ập đến. Người già, người trẻ sốt liên miên không trừ một ai. Ở núi cao lộng gió không có muỗi, xuống chân núi muỗi như trấu, dân Mông chưa quen nằm trong màn, nguồn nước trong khe Tản Xà qua bao rừng cây, lá mục rất độc. Một người chết, rồi hai, ba người chết, già chết, thanh niên chết, trẻ con cũng chết. Cả bản náo động muốn trở lên núi cao. Những người nghiện thuốc phiện cũng đòi về nơi ở trước. Đảng viên, Trưởng bản Vừ Tồng Mà, già làng Thò Xai Chù, đêm đêm không ngủ đi từng nhà vận động bà con ở lại. Số người chết không giảm bảy người rồi tám, chín người... Cán bộ Huyện ủy, Ủy ban, phòng Y tế, phòng Giáo dục… được cử xuống thuyết phục đồng bào. Những chiếc màn nhuộm thuốc trừ muỗi đưa xuống, những thứ thuốc tốt nhất từ tỉnh chuyển về, tình hình ổn định dần.

Thế nhưng dịch sốt rét chỉ là tai họa tạm thời đẩy lùi được nhưng làm sao cho dân đủ ăn, có nơi cho trẻ con học là chuyện lâu dài, cốt yếu nhất. Thế là cán bộ huyện, xã, bộ đội biên phòng, các thầy giáo, cô giáo… lại đến từng nhà hướng dẫn cho bà con cách trồng trọt, chăn nuôi, vận động trẻ em đến trường… Khó khăn lắm nhưng cuộc sống ổn định hơn.

Tác giả và Trưởng bản Vừ Giông Nênh (phải). Ảnh: Vi Tân Hợi.
Tác giả và Trưởng bản Vừ Giông Nênh (phải). Ảnh: Vi Tân Hợi.

“Giờ thì mọi việc tốt rồi”- Trưởng bản Vừ Giông Nênh nói với tôi như vậy. Làm trưởng bản đã 15 năm, anh cho biết: Bản Lưu Thông nay có 58 hộ với 321 khẩu. Trong năm 2013 này thu hoạch được 107 tấn lúa, 37 tấn ngô, 85 tấn bí xanh, chăn nuôi được 87 con trâu, 94 con bò, 167 con lợn, 21 con dê, 2.807 con gia cầm, có 53 ao cá. Cả bản có 48 nhà lợp ngói, 50 nhà có tivi, nhà nào cũng có bể nước sạch. Đời sống văn hoá ở đây cũng khác trước nhiều, tục “Bắt vợ” không còn, trai gái yêu nhau đưa về thưa với cha mẹ rồi làm lễ cưới. Lễ cưới gọn hơn xưa, chỉ một ngày thôi. Các cặp vợ chồng ở đây sống yêu thương và thủy chung, không có ai bỏ vợ, biết thực hiện sinh đẻ có kế hoạch.

Năm 2012 có hai cặp sinh con thứ ba, nhưng năm 2013 không có ai cả. Bản có đội bóng chuyền, có đội văn nghệ vào loại khá của xã và huyện. Đây cũng là địa phương có phong trào bảo vệ rừng tốt nhất huyện, hàng chục năm nay không có một khúc gỗ nào được đưa ra khỏi bản. Việc trồng cây thuốc phiện chấm dứt từ lâu, những người nghiện đã cai được. Giờ thì cả bản không có người nghiện, không có người vượt biên. Có 4 người có trình độ đại học và cao đẳng, 7 người có trình độ trung cấp, 100% trẻ nhỏ và thanh, thiếu niên đều được đến trường: 18 em mầm non, 44 em tiểu học, 27 em trung học cơ sở, 12 em trung học phổ thông. Năm 2005 được công nhận Làng Văn hóa thuần dân tộc Mông của huyện, năm 2010 là Làng Văn hóa thuần dân tộc Mông của tỉnh.

Trưởng bản Vừ Giông Nênh nói: Ngày xưa người Mông ta phải chạy theo đất mà ăn không đủ no, bao năm qua Đảng bảo dân định cư, bày cho cách làm ăn. Nay người Mông biết bắt đất làm ra của cải theo cái ý của mình nên no ấm, một số hộ đã biết làm giàu, dân bản yên cái bụng rồi. Giờ giúp nhau xoá hết hộ nghèo rồi cố gắng làm giàu thôi.

Một mùa Xuân nữa sắp đến, bà con người Mông ở bản Lưu Thông, xã Lưu Kiền (Tương Dương) đang lên rẫy gieo hạt cho mùa gặt mới. Thế nhưng trong lòng mọi người mùa Xuân đến lâu rồi, từ ngày họ biết sống ổn định ở nơi này.

Nguyễn Thế Quang

Mới nhất

x
Dân bản yên cái bụng rồi!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO