Dân ca Ví, dặm Nghệ Tĩnh: Nâng tầm lan tỏa

26/11/2014 07:42

(Baonghean) - Ngày 24/11, tại Paris thủ đô Cộng hoà Pháp, Ủy ban liên chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể của UNESCO tổ chức phiên họp thứ 9. Tại phiên họp này, Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh của Việt Nam chính thức được xem xét để vinh danh “Di sản văn hoá phi vật thể” đại diện của nhân loại. Nhìn lại hành trình đến với UNESCO của loại hình văn hóa dân gian đặc sắc này, chúng ta có quyền hy vọng vào kết quả tốt đẹp nhất. Và những câu hát từ ruộng đồng, sông nước Nghệ Tĩnh sắp có cơ hội được thế giới biết đến và chung tay gìn giữ...

Hát ví trên sông Lam. Ảnh: Sỹ Minh
Hát ví trên sông Lam. Ảnh: Sỹ Minh

Sản sinh trên mảnh đất bao đời chan chứa nghĩa tình, dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh là tiếng lòng sâu thẳm của cư dân nơi đây. Được kết tinh từ những tập quán sinh hoạt trên vùng đất cách xa những biến cố lịch sử và hợp lưu các dòng văn hóa bên ngoài nên dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh có những nét độc đáo riêng không thể trộn lẫn. Hơn nữa, đây cũng chính là vùng đất của rất nhiều bậc hiền tài, danh nhân và họ trực tiếp tham gia sáng tác, biểu diễn nên dân ca ví, dặm có những thời kỳ tồn tại rực rỡ với lời ca đậm tính văn chương. Điều đó tạo sức sống nội sinh bền bỉ cho dân ca ví, dặm.

Dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh trong đời sống của người dân xứ Nghệ.
Hát phường vải.

TIN LIÊN QUAN

Cùng với việc sưu tầm, nghiên cứu các thể loại dân ca ví, dặm thì các hình thức biểu diễn, truyền dạy… cũng đã góp phần to lớn trong việc gìn giữ và phát huy các giá trị của loại hình văn hóa đặc sắc này. Thời gian qua, Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ (trước đây là Nhà hát Dân ca Nghệ An) không chỉ nỗ lực, cố gắng trong việc bảo tồn mà còn phát huy tốt di sản dân ca ví, dặm quê hương. Chính các làn điệu truyền thống ấy đã được các nghệ sỹ, diễn viên của trung tâm thổi vào hơi thở mới, nhịp điệu mới, lời mới... làm nên thương hiệu “vàng” cho nhiều vở diễn tại các hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc như: Mai Thúc Loan, Vết chân tròn trong bão tố, Danh nhân lớn lên từ câu hò ví, dặm, Soi vào quá khứ, Một cây làm chẳng nên non, Người thi hành án tử hình, Góc khuất đời người, Đường đua trong bóng tối, Lời Người, lời của nước non… Mỗi nghệ sỹ, diễn viên của trung tâm còn là một tuyên truyền viên tích cực, đã chắp cánh cho các làn điệu dân ca ví, dặm xứ Nghệ lan tỏa khắp mọi miền đất nước. Nghệ sỹ nhân dân Hồng Lựu - Phó Giám đốc Trung tâm Bảo tồn và Phát huy di sản Dân ca xứ Nghệ cho hay, vở kịch hát dân ca “Lời Người, lời của nước non” đạt kỷ lục trên 1.000 đêm diễn và được công chúng cả nước hồ hởi đón nhận.

Tiết mục dân ca ví dặm trong một liên hoan

Không chỉ cơ quan chuyên môn mà người dân nhiều địa phương trong tỉnh cũng rất tích cực trong việc bảo tồn và phát huy vốn quý dân ca. Thời gian qua, tỉnh ta tiến hành xây dựng, nhân rộng các mô hình CLB Dân ca xứ Nghệ là một trong những cách làm có hiệu quả để thực hiện bảo tồn ví, dặm Nghệ - Tĩnh trong nhân dân. Các CLB đó đã được nuôi dưỡng bằng chính niềm đam mê cháy bỏng của những người dân lao động chân chất. Ở đó, chúng ta bắt gặp các cụ bà, cụ ông mái đầu bạc trắng vẫn ngày đêm truyền dạy cho con cháu những lời ca cổ.

Tuy giọng hát không còn trong trẻo, mượt mà, nhưng chính các cụ là người đã truyền lửa dân ca cho lớp trẻ hôm nay. Bà Trần Thị Hoa (73 tuổi) thành viên CLB dân ca Thị trấn Đô Lương thì việc tham gia CLB là để thỏa nỗi lòng yêu thích những làn điệu mộc mạc, đằm thắm từ thuở còn con gái. Trước đây, khi các con còn nhỏ, bà thường hát ru con bằng những câu ví đò đưa, hò chèo thuyền; bà thường dùng những lời ca giản dị để dạy bảo con cháu. Hay như Nghệ nhân Nguyễn Cảnh Bình ở phường Nghi Hải (TX. Cửa Lò) gần 80 tuổi vẫn cần mẫn đạp xe hết làng này, xã nọ dạm hỏi, ghi âm những khúc hát, điệu hò… Đến nay, ông đã sáng tác được hàng chục ca khúc và nhiều ca cảnh, đã sưu tầm và phổ nhạc được gần chục làn điệu hò, điệu ví của ngư dân vùng biển Cửa Hội, Cửa Lò, như: hò xô nốc, hò làng Mộc, hát bà Đội…

Hội thi Tiếng hát Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh
Hội thi Tiếng hát Dân ca Ví, Dặm Nghệ Tĩnh

Ngoài sự hỗ trợ đắc lực từ hình thức sân khấu hóa, những năm qua, dân ca ví, dặm Nghệ - Tĩnh còn được tiếp thêm sức sống thông qua các hoạt động dạy hát dân ca trên truyền hình và trong các nhà trường. Đó cũng là một trong những cách để dân ca thực sự sống trong đời sống, trở thành máu thịt, thành món ăn tinh thần, thành phương tiện giãi bày tâm tư, tình cảm của con người hôm nay.

Từ năm 1985, Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Nghệ An đã khởi xướng biên soạn giáo trình giảng dạy Dân ca Nghệ Tĩnh và một số làn điệu dân ca các miền. Dân ca được đưa vào bộ môn thanh nhạc và trở thành môn bắt buộc, mỗi học sinh ra trường đều biết hát dân ca. Năm 1996, Đài PT-TH Nghệ An phối hợp Sở VH-TT&DL mở chuyên mục "Dạy hát dân ca" trên sóng phát thanh - truyền hình hàng tháng. Năm 1999, Sở GD - ĐT, Đài PTTH tỉnh phối hợp ra Văn bản liên tịch số 137/CV - LT về tổ chức phong trào hát dân ca trong trường học. Phong trào hát dân ca trong các trường từ bậc tiểu học, THCS, THPT kể cả các trường đại học, cao đẳng, trung học dạy nghề trên địa bàn toàn tỉnh phát triển rầm rộ. Nhiều hạt nhân văn nghệ được phát hiện nhờ phong trào hát dân ca. Em Nguyễn Quốc Bảo, học sinh lớp 6C, Trường THCS Làng Sen – Kim Liên (Nam Đàn) từng đạt giải “Nghệ nhân nhỏ tuổi hát dân ca hay nhất” trong “Liên hoan Câu lạc bộ Dân ca xứ Nghệ lần thứ nhất” năm 2012, cho biết: Em hát được dân ca, thuộc nhiều làn điệu, nhiều thể loại là nhờ mẹ. Mẹ em là giáo viên dạy dân ca ở trường, mẹ đã truyền cho em niềm đam mê, tình yêu dân ca mãnh liệt. Mẹ dạy em làm người bằng những câu ví, thể hiện tình yêu thương, chăm sóc bằng chính tiếng hát ru... Cứ thế, dân ca thấm vào em một cách tự nhiên”.

Đặc biệt, tháng 10/2014 vừa qua, Hội thi Tiếng hát dân ca ví, dặm Nghệ Tĩnh lần thứ nhất bậc THCS đã diễn ra thu hút hơn 53 tiết mục tham gia dự thi của các em học sinh đến từ các trường học của 16 đơn vị huyện, thành, thị trong tỉnh. Cô Nguyễn Thị Mai Lan – giáo viên dạy nhạc Trường THCS Làng Sen – Kim Liên (Nam Đàn) cho rằng: Hội thi là hoạt động cụ thể, có tác dụng trực tiếp tới đời sống văn hóa tinh thần đối với tầng lớp thanh, thiếu niên. Là cách làm hiệu quả để bảo tồn phát huy dân ca ví, dặm, mang tính giáo dục cao và thiết thực cho giới trẻ, nhất là học sinh đang ngồi trên ghế nhà trường, đó là cách để chúng ta cùng chung tay bảo tồn, phát huy giá trị vô giá mà ông cha ta để lại.

Để bảo tồn, phát huy giá trị di sản Dân ca ví, dặm xứ Nghệ, thời gian qua, tỉnh ta đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan mà trực tiếp là Sở VH-TT và DL vào cuộc tích cực. Cụ thể: Từ năm 1976, chúng ta đã tổ chức Hội thảo khoa học về định hướng thể nghiệm âm nhạc của sân khấu dân ca theo hướng kịch hát truyền thống của dân tộc. Tiếp đó, năm 1984, lần thứ hai tổ chức Hội thảo khoa học về Dân ca xứ Nghệ, xác định phương hướng phát triển cho bộ môn kịch hát Dân ca xứ Nghệ. Năm 1987, hội thảo lần thứ 3 tiếp tục công tác nghiên cứu để định hướng cho phát triển dân ca với tư cách là bộ môn kịch hát. Năm 2002, Hội thảo khoa học 30 năm sân khấu hóa Dân ca Nghệ Tĩnh được Sở VHTT phối hợp Viện Sân khấu tổ chức là dịp tổng kết lại quá trình nghiên cứu, thể nghiệm sân khấu hóa dân ca, đề ra những giải pháp đưa sân khấu hóa dân ca tiếp tục phát triển – xây dựng một sân khấu hóa mới mang đậm bản sắc Nghệ An. Và năm 2011, Hội thảo khoa học Bảo tồn và phát huy các giá trị dân ca hò, ví, dặm xứ Nghệ đã diễn ra tại TP. Vinh, nhằm khẳng định những nét chủ yếu, cơ bản của dân ca, ví, dặm và hò xứ Nghệ để thấy rõ những giá trị tốt đẹp – tiến tới đề nghị UNESCO vinh danh Dân ca, ví, dặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần bảo vệ khẩn cấp. Song song với việc tổ chức các cuộc hội thảo từ năm 2012, tỉnh tổ chức Liên hoan Dân ca, ví, dặm xứ Nghệ. Mỗi năm một lần, liên hoan diễn ra vào dịp tháng 5 – Kỷ niệm sinh nhật Chủ tịch Hồ Chí Minh gắn với Lễ hội Làng Sen. Đây là một trong những liên hoan thu hút nhiều câu lạc bộ dân ca trong tỉnh tham gia với số lượng diễn viên đông, chất lượng tác phẩm ngày càng đa dạng, phong phú.

Để duy trì, phát huy hơn nữa hiệu quả các CLB dân ca, ví, dặm, năm 2006, UBND huyện Nam Đàn đã ban hành Đề án “Bảo tồn và phát huy hát ví phường vải trong Dân ca Nghệ Tĩnh” với những cơ chế, chính sách cụ thể như tiến hành sưu tầm, truyền dạy, thành lập các CLB tại các địa phương. Khuyến khích, động viên, hỗ trợ một phần kinh phí từ xã hội hóa cho các CLB hoạt động. Hay như huyện Diễn Châu có cơ chế hỗ trợ bước đầu cho các CLB dân ca, sau khi thành lập sẽ được huyện đầu tư 3 triệu đồng để mua nhạc cụ, trang phục biểu diễn. Đồng thời hàng năm mở lớp tập huấn cho hội viên, cho chủ nhiệm các CLB. Thời gian tới, Trung tâm Văn hóa tiếp tục tham mưu cho UBND huyện thành lập thêm một số CLB ở cơ sở và có cơ chế, chính sách phù hợp cho các câu lạc bộ này duy trì hoạt động và phát triển.

Một số ý kiến về công tác bảo tồn và phát huy di sản dân ca xứ Nghệ:

Nghệ sỹ Nhân dân Hồng Lựu – người nặng lòng với dân ca và thành danh từ dân ca khẳng định: Những năm gần đây dân ca Nghệ Tĩnh đã thực sự được người dân đón nhận. Và hiện nay, dân ca xứ Nghệ đã và đang có sức sống mãnh liệt trong cộng đồng, thật sự trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu với rất nhiều tầng lớp nhân dân. Nếu UNESCO vinh danh Dân ca, ví, dặm xứ Nghệ là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại thì dân ca sẽ phát triển bền vững trong lòng nhân dân, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ…

Thanh Thủy

Mới nhất
x
Dân ca Ví, dặm Nghệ Tĩnh: Nâng tầm lan tỏa
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO