Dàn hàng ngang?

13/11/2014 18:04

(Baonghean) - Xin được mở đầu bài viết này bằng một trích dẫn khá hùng hồn nhưng lại không hề lạ tai: “Kính thưa hội nghị!... Kinh tế tăng trưởng với nhịp độ cao, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, văn hóa xã hội có nhiều khởi sắc, quốc phòng - an ninh được giữ vững...

Tóm lại, những gì đã đạt được mà báo cáo vừa trình bày ở trên một lần nữa cho phép hội nghị hoàn toàn tự tin để khẳng định trước nhân dân một cách chắc chắn rằng, năm nay, và cũng đã là năm thứ 11 liên tiếp, xã nhà chúng ta dẫn đầu toàn huyện...”. Tất nhiên, sau đó bao giờ cũng là những tràng vỗ tay giòn giã, những lời khen tụng râm ran, cả những lời chúc mừng rôm rả. Đấy là thông tin vui, đấy cũng là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nó cũng chẳng có gì phải bàn luận nhiều, thậm chí rất đáng khích lệ, nếu như cái chúng ta đang nghe là thành quả từ phong trào thi đua của một xã A hay thị trấn B nào đó. Rất tiếc, nó không mấy khi đến nỗi phải chịu cảnh lẻ loi như thế. Đây là một trong muôn nẻo văn bản thường được đọc trang trọng ở nhiều xã trong một huyện, thậm chí nhiều huyện trong một tỉnh. Hình như năm nào cũng có, đi xã nào cũng nghe, hoặc là nguyên văn như vậy hoặc là na ná thế kia.

Xuân Thu nhị kỳ, đến hẹn lại... mi-cờ-rô, điệp khúc “dẫn đầu của xã ta” lại được cất lên mỗi dịp tổng kết. Hình như đã có lần ai đó tếu táo gọi nó là “phong trào sáu chữ sờ” (người viết say sưa, người đọc sang sảng, còn người nghe sung sướng). Bên cạnh xã A là xã B, tiếp nối xã B là xã C, đi cùng xã C là xã D, rồi xã E, xã F... tất cả đều nhất loạt dẫn đầu! Ai cũng dẫn đầu. Sướng! Nhưng khổ nỗi, đa phần trong số ấy là dẫn đầu tự phong! Nói theo ngôn ngữ tuổi teen là “tự sướng”. Mà đúng là không ai đánh thuế “tự sướng” cả. Thành thử, nghị quyết đầu năm đề ra hiển nhiên phải dựa trên tinh thần: đã là “xã ta” thì chỉ có “dẫn đầu”! Năm trước đã vô địch thì năm nay không hà cớ gì lại có chuyện “về nhì” được! Về mặt nguyên tắc là vậy, báo cáo nhất thiết phải vậy. Thực trạng này có không? Nhiều không? Đây có phải là một căn bệnh?

Chúng ta biết rằng, thi đua là cùng nhau đem hết tài năng, sức lực ra để đua nhau làm việc, học tập, sáng tạo và cống hiến, nhằm thúc đẩy lẫn nhau đạt thành tích tốt nhất trong một lĩnh vực hoạt động nào đó. Có thể nói thi đua là một khoa học. Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy “Thi đua là yêu nước, yêu nước thì phải thi đua. Và những người thi đua là những người yêu nước nhất”. Không ai có thể phủ nhận những tác dụng đầy mạnh mẽ, những hiệu quả vô cùng to lớn mà động lực thi đua mang lại cho đời sống xã hội. Thi đua dường như có mặt mọi lúc, mọi nơi, mọi thời đại và chế độ. Tuy nhiên, như một con dao hai lưỡi, nếu công tác thi đua làm không khéo, không đúng, không thực chất, hoặc thiếu khách quan thì tác dụng ngược lại của nó còn đáng sợ hơn nhiều.

Lúc ấy người ta “làm thi đua” theo kiểu phong trào, làm cho có, cũng có khi làm lấy được. Họ đam mê lời khen đến mức chinh phục bằng được cái danh hiệu mà đôi khi phù phiếm ấy, cho dù phải sử dụng mọi thủ pháp. Khi chui tắt, lúc chạy vòng, thậm chí có cả trường hợp “dìm hàng” cho mọi người xung quanh... “thua đi”! Để làm gì? Để lấy cái tiếng! Tiếng gì? Tiếng đơn vị dẫn đầu! Đây chính là lúc “thời tiết” thuận lợi nhất, là thổ nhưỡng “vàng” cho sự mọc mầm những bản báo cáo “lung linh” đi kèm với hệ thống số liệu đẹp như mơ mà không cần người trong cuộc cũng nhận ra nó vừa chui qua công nghệ “chế biến” của văn phòng. Thế rồi xã nộp lên huyện, huyện “tôn trọng” báo cáo của xã. Kiểm tra thì không phải năm nào cũng có điều kiện, “cắt” thì “sợ anh em tâm tư”, thôi thì huyện cũng đành chắt lưỡi theo phương án “cháu nào cũng có kẹo”. Thế là xã xã dẫn đầu. Nghịch lý này mới “đẻ” ra chuyện xã nào cũng “hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ”, nhưng toàn huyện thì lại ì ạch nằm ở phần sau của... tốp cuối!

Luật Thi đua khen thưởng năm 2013 ghi rõ: “Mục tiêu của thi đua nhằm tạo động lực động viên, lôi cuốn, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể phát huy truyền thống yêu nước, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Thi đua không phải là “kẹo” để huyện phát cho xã, nó cũng không phải là cái “mề đay” để ai đó thỏa mãn sự ăn thua cay cú. Thành tích không bao giờ là thứ giá trị ảo! Mà, thích gì cái thứ giấy khen để càng treo lên càng áy náy ấy chứ! Có người nói rằng, câu cửa miệng các của MC “Tất cả chúng ta đều là người chiến thắng” chỉ là một sự khích lệ có tính an ủi những người đạt “giải phụ” trong game show mà thôi. Trước khi để chiến thắng kẻ khác, trước khi trở thành vô địch, nếu muốn, người ta cần phải chiến thắng chính mình. Dám vượt qua, biết cách vượt qua những giá trị ảo cũng đã là chiến thắng, cũng đã là “dẫn đầu” rồi. Đúng không, thưa xã?

Tuy nhiên, bệnh này không của riêng ai, cũng không là đặc sản của địa phương nào, cũng không phải bây giờ mới có. Còn nhớ, đã mấy chục năm nay người ta vẫn truyền nhau những câu thơ Bút Tre.

“Thi đua ta quyết tiến lên

Tiến lên, ta quyết tiến lên hàng đầu

Hàng đầu không biết đi đâu

Đi đâu không biết hàng đầu cứ đi”.

Ồ, tất cả đều quyết tâm lên hàng đầu thì còn ai sau mình nữa đâu mà tự hào cơ chứ. Vả lại, ai cũng dẫn đầu thì có mà thành tích “dàn hàng ngang” à?

Nguyễn Khắc An

Dàn hàng ngang?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO