Dân ta phải biết sử ta
(Baonghean) - “Dân ta phải biết sử ta” nhưng thực tế, rất nhiều học sinh từ chối môn Lịch sử trong các môn tự chọn theo đề án thi tốt nghiệp THPT năm 2014; Môn Lịch sử trong trường THPT vẫn xem ra là môn phụ. Một số người còn dè bỉu là "môn học thuộc" chẳng có tí gì là tư duy. Xếp các môn với nhau trong kỳ thi chọn học sinh giỏi các cấp thì Toán, Lý, Hoá, Văn, Ngoại ngữ dễ dàng chọn đội tuyển. Ngược lại môn Lịch sử, Địa lý thì rất khó khăn. Nguyên nhân do học sinh ngại môn Lịch sử phải học nhiều và danh hiệu cũng không "oai" bằng môn khác.
Học sinh là thế, còn phụ huynh không mấy "mặn mà" với môn Lịch sử. Số đông học sinh được phụ huynh đầu tư rất nhiều vào các môn tự nhiên để thi đại học khối A, B và D (Học 2 đến 3 thầy/môn, học 2 đến 3 ca/tuần, học thêm là học chính, học chính là học thêm, thậm chí việc này diễn ra ở cả cấp THCS). Năm 2013 toàn tỉnh Nghệ An có 73.321 bộ hồ sơ thi tuyển vào 183 trường ĐH, CĐ trên toàn quốc thì khối A chiếm đến 80%. Khối C rất ít, mà môn Lịch sử thuộc khối này thử hỏi được mấy học sinh. Chính việc định hướng nghề nghiệp cho con em mình của gia đình đã tác động không nhỏ ý thức và thái độ của học sinh trong việc học môn Lịch sử. Nếu như Bộ Giáo dục và Đào tạo đưa môn Lịch sử vào tất cả các khối thi thì thử hỏi bao nhiêu học sinh đầu tư môn Lịch sử. Một số nhà quản lý giáo dục đã thẳng thắn: Học sinh Việt Nam giải Toán rất siêu nhưng không biết bơi. Việc giải Toán siêu chắc là do học thêm Toán quá nhiều. Thẳng thắn thừa nhận thì một bộ phận giáo viên dạy Toán, Lý, Hoá thu nhập rất cao từ việc dạy thêm. Nếu như Bộ không quy định 2 môn Văn và Toán bắt buộc thì chắc chắn nhiều học sinh có học lực trung bình cũng ngán Văn và Toán như ngán Sử mà thôi.
Sắp các môn tự chọn lại với nhau thì xem ra môn Sử là khó "gặm" nhất. Học sinh chắc không dại gì chọn môn Lịch sử vì rất khó lấy điểm và rất dễ mất điểm. Không thi không có nghĩa là học sinh không có kiến thức, không yêu lịch sử dân tộc. Trên địa bàn Thành phố Vinh có 4 trường THPT : Huỳnh Thúc Kháng, Hà Huy Tập, Lê Viết Thuật, Nguyễn Trường Tộ hằng năm đưa học sinh tham quan các di tích lịch sử ở Nghệ An và Hà Tĩnh. Học sinh rất hào hứng và các em tích luỹ nhiều kiến thức sau chuyến đi thực tế này. Mượn sự kiện đám tang của Đại tướng Võ Nguyên Giáp thì chứng minh rằng không được học, không được giáo dục qua môn Lịch sử thì làm sao thế hệ trẻ thể hiện niềm tiếc thương vô hạn và sự tự hào về Đại tướng như thế!
Dạy Lịch sử và học Lịch sử lâu nay được mổ xẻ nhiều, bây giờ thêm việc không được học sinh lựa chọn nhiều khi thi tốt nghiệp nó phản ánh thực tế học sinh bây giờ đa phần học để đi thi. Càng bàn bao nhiêu thì thấy thương cho giáo viên dạy Lịch sử bấy nhiêu và càng thương cho bộ môn Lịch sử.
Nguyễn Lương Ngọc