Đàn Tế Cờ trên núi Đài Sơn

07/04/2014 22:18

(Baonghean) - Trên núi Đài Sơn, thuộc thôn Trường Niên, xã Thanh Chi (Thanh Chương), tồn tại một công trình cổ, rêu phong, gắn liền với cuộc khởi nghĩa Trần Tấn - Đặng Như Mai. Đó là đàn Tế Cờ - Di tích Lịch sử Văn hoá quốc gia.

Đàn tế là nơi được xây dựng, thiết lập để đăng đàn cúng tế. Dưới chế độ phong kiến, đàn tế quốc gia được Nhà nước cho xây dựng ở kinh đô với quy mô lớn, là chốn linh thiêng, được bảo vệ nghiêm ngặt, thường do vua làm chủ tế (đàn tế Nam Giao – triều Nguyễn). Hàng năm vào mùa Xuân, triều đình cử hành cúng tế trời đất khẳng định sự chính thống của triều đại cũng như cầu mong sự trường tồn cho giang sơn xã tắc.

Di tích đàn Tế Cờ.
Di tích đàn Tế Cờ.

Đàn Tế Cờ ở Thanh Chi, là đàn tế được lập nên bởi nghĩa quân Trần Tấn trong cuộc khởi nghĩa chống thực dân Pháp xâm lược.

Trần Tấn ở làng Chi Nê (nay là thôn Trường Niên), vốn là một tú tài yêu nước, đã từng làm bang biện Thanh Chương. Năm 1862, triều đình Huế ký hiệp ước Nhâm Tuất, nhu nhược cắt đất 3 tỉnh miền Đông Nam kỳ cho Pháp. Thực dân Pháp lấn tới, chiếm luôn 3 tỉnh miền Tây và đem quân ra Bắc. Nhân dân cả nước vẫn không ngừng nổi dậy đánh Pháp. Năm 1873, ông cùng một số sĩ phu yêu cầu tổng đốc Nghệ Tĩnh mở hội nghị bàn việc đánh giặc giữ nước. Tại cuộc họp này, Trần Tấn được cử làm chỉ huy tối cao và được tôn xưng là “An Nam đại lão tướng quân”. Lúc này, ông đã hơn 70 tuổi, song vẫn tích cực chuẩn bị về kế hoạch, chiêu tập quân lương, rèn luyện binh sĩ…

Ngay sau khi triều đình Huế ký hiệp ước Giáp Tuất thừa nhận Nam kỳ là thuộc địa của Pháp, ngày 17/3/1874, Trần Tấn và Trần Hướng (con trai) cùng với học trò Đặng Như Mai và anh em nghĩa sỹ đã làm lễ tế cờ trên núi Đài Sơn, phát hịch “bình Tây sát tả”, kêu gọi nhân dân đứng dậy đánh giặc giữ nước, đánh cả quân Pháp lẫn quân triều đình, kể cả bọn phản động đội lốt tôn giáo. Nghĩa quân không ngừng lớn mạnh, từ 700 quân đã lên đến hàng nghìn quân, lấy Thanh Thuỷ ở Nam Thanh - Nam Đàn làm căn cứ chính; phối hợp với các cánh quân các vùng tiến đánh hầu khắp các huyện miền núi, đồng bằng ở Nghệ An, Hà Tĩnh. Nhiều trận quyết chiến đã diễn ra, đặc biệt là ở Nam Thanh và cánh đồng Bát Át (Diễn Lãm). Trung tuần tháng 7/1874 hầu hết các vùng ở Nghệ - Tĩnh, đều nằm trong tầm kiểm soát của nghĩa quân (trừ Thành Nghệ An). Trên đà thắng lợi, quân của Trần Tấn gây thanh thế và mở rộng ảnh hưởng ra các tỉnh bên cạnh.

Tuy nhiên, do những sai lầm, thiếu sót về đường lối, sách lược, nghĩa quân rơi dần vào suy yếu, bị quân Pháp và quân triều đình tấn công trở lại, phải rút về miền Tây Nghệ - Tĩnh để cầm cự. Sau đó, Trần Tấn đưa một cánh quân sang Lào để củng cố lực lượng. Do tuổi cao sức yếu, ông lâm bệnh và mất ngày 22/8 năm Giáp Tuất (1874). Ít lâu sau, Trần Hướng và Đặng Như Mai cũng bị bắt và bị xử chém tại Vinh.

Cuộc khởi nghĩa Trần Tấn – Đặng Như Mai bị dập tắt, nhưng tinh thần yêu nước bất khuất, ý chí chiến đấu kiên cường chống giặc ngoại xâm của sỹ phu và nhân dân Nghệ Tĩnh vẫn ngời sáng, cổ vũ mạnh mẽ cho phong trào yêu nước chống Pháp của nhân dân ta.

Theo các cụ cao tuổi ở thôn Trường Niên, đàn Tế Cờ ở Thanh Chi, gọi nôm na là “nền Tế Cờ”, được xây dựng trong khoảng 1873, sau khi TrầnTấn được cử làm chỉ huy; hoặc đầu năm 1874, trước khi ông dựng cờ khởi nghĩa.

Đài Sơn là một ngọn núi thấp, nằm sát ngay bên bờ Nam sông Lam. Đứng trên đỉnh núi, có thể nhìn bao quát được một vùng rộng lớn xung quanh. Phía Đông và Đông Nam là núi Ối, núi Vắt bao bọc, phía Tây là núi Quánh sừng sững. Ngay trước mặt là bàu Sen (xưa kia ruộng này dùng để trồng sen). Từ nhà của Trần Tấn (dưới chân núi) lên tới đỉnh núi, gần 200m. Do địa hình thuận lợi, Trần Tấn đã chọn nơi đây để dựng cờ khởi nghĩa, lập đàn tế và luyện tập quân sỹ.

Đàn Tế Cờ toạ lạc ngay giữa đỉnh núi Đài Sơn, trên một khuông đất rộng 2.000m2 tương đối bằng phẳng. Đàn được xây dựng theo hình chữ nhật, diện tích 42m2, 4 cạnh là 4 bức tường cao 0,8m, mỗi góc là 1 cột trụ, phía trên có đèn lồng (đã gãy). Mặt đàn hướng về phía Đông với 1 cửa chính. Phía trước cửa có bức bình phong, đồng thời cũng là một hương án. Khi bắt đầu làm lễ, phải thắp hương xin phép ở hương án này. Bên trong đàn, phía sau cửa chính là hương án thứ 2, tiếp đó là bệ thờ 3 bậc, mỗi bậc là một tấm đá ong dài 1,3m, rộng 0,7m. Sau cùng là hậu bành – bộ phận cao nhất đàn tế (1,6m), hai bên 2 dãy ghế dài 3,5m rộng 0,7m. Hoa văn và chữ Hán trang trí trên tường đã phai mờ. Phía sau hậu bành là tượng voi quỳ cắm lọng (đã sập) .

Tất cả được làm nên từ đá ong với nhiều hình khối khác nhau, chủ yếu là hình chữ nhật và hình vuông. Loại đá này, người thợ phải cắt gọt ngay từ dưới lòng đất khi đá còn mềm, theo kích thước mong muốn. Ngày ấy, nghĩa quân có thể lấy đá ở Đài Sơn để xây đàn tế, vì đá ong ở đây rất nhiều. Nguyên liệu để hàn gắn, da trát công trình là vỏ hến xay nhỏ, vôi vữa, cát, đá, giấy bản và nhựa cây niệt.

Phía trước đàn tế là mộ hai cha con Trần Tấn và Trần Hướng. Phía sau đàn tế là bãi đất rộng – nơi nghĩa quân luyện tập, cùng con đường xuống núi, dẫn tới gành Bang, một bến nước bên bờ sông Lam. Theo các cụ cao niên trong làng, ngày đó Trần Tấn cho nghĩa quân vận chuyển đá tới bờ sông, dựa theo tự nhiên ghép thành gành, vừa để nhân dân, quân sỹ tắm rửa giặt giũ hàng ngày, vừa ngăn nước chống sạt lở bãi bồi và làm bến chuyển quân khi ra trận. Nhân dân trong vùng đã gọi tên bến nước này là gành Bang, để nhớ về ông (bang biện). Tại đàn Tế Cờ, ngày 17/3/1874, trước anh em nghĩa sĩ đang sôi sục lửa căm thù giặc, Trần Tấn đã làm lễ tế trời đất, dựng cờ khởi nghĩa, kêu gọi nhân dân đứng lên vì sự nghiệp chung. Sau mỗi chiến thắng và trước lúc xuất quân, ông cũng thường làm lễ tại đây.

Qua thời gian, dẫu rêu phong trầm mặc và ít nhiều bị phá huỷ bởi tự nhiên, đàn Tế Cờ vẫn hiên ngang trên núi Đài Sơn, chứng tích một thời vang dội, gắn liền với tên tuổi của Trần Tấn và cuộc khởi nghĩa mà ông lãnh đạo.

Ngày nay, con cháu họ Trần cùng nhân dân địa phương, vẫn tổ chức đều đặn mỗi năm 3 lần tế lễ: ngày khởi nghĩa, ngày giỗ Trần Tấn, ngày Tết Nguyên đán, để tưởng nhớ Trần Tấn cùng các nghĩa sỹ, cũng như cầu mong sức khoẻ, mùa màng tươi tốt, cuộc sống an lành hạnh phúc.

Ghi nhận công lao to lớn của ông trong sự nghiệp đánh giặc cứu nước, ngày 30/2/2002, Bộ Văn hoá – Thông tin đã công nhận đàn Tế Cờ, mộ Trần Tấn và nhà thờ Trần Tấn là Di tích Lịch sử - Văn hóa quốc gia. Năm 2008, đàn Tế Cờ được tu bổ lần đầu tiên. Năm 2012, tôn tạo đường lên đàn tế bằng đá khối, kích thước 30 - 60 - 15cm lấy từ Nghi Yên – Nghi Lộc. Một con đường đá nhiều bậc dài gần 150m dẫn lên di tích đã hoàn thành. Hiện nay, được sự quan tâm của Nhà nước, các tổ chức, cá nhân từ Trung ương tới địa phương và dòng họ Trần…, nhiều hạng mục của di tích đang được trùng tu, tôn tạo. Đàn Tế Cờ được xây dựng một hệ thống tường bao mới. Nhà thờ Trần Tấn đang trùng tu nhà thượng, nhà hạ, xây mới tường bao và tôn tạo cổng chính. Một con đường nhựa nối liền di tích với đường 533 sẽ ra đời trong nay mai theo dự án đang được đầu tư.

140 năm trôi qua, cuộc khởi nghĩa Trần Tấn - Đặng Như Mai vẫn còn vang vọng tinh thần bất khuất, kiên cường của những người con xứ Nghệ trong công cuộc chống giặc giữ nước!

Bài, ảnh: Huy Thư

Mới nhất

x
Đàn Tế Cờ trên núi Đài Sơn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO