Dân trực tiếp bầu chủ tịch xã?
Vấn đề này được nêu tại Hội thảo Giới thiệu kết quả nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, do Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội công bố ngày 19/8/2013 tại Hà Nội. Theo đó, Trung tâm này đã khảo sát và lấy ý kiến của 800 đại biểu HĐND, cán bộ công chức đang làm việc trong các HĐND và người dân ở 5 địa phương, thì thấy, hầu hết những người được hỏi đều có ý kiến tán thành việc để dân trực tiếp bầu chủ tịch xã.
(Baonghean) - Vấn đề này được nêu tại Hội thảo Giới thiệu kết quả nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương, do Trung tâm thông tin, thư viện và nghiên cứu khoa học thuộc Văn phòng Quốc hội công bố ngày 19/8/2013 tại Hà Nội. Theo đó, Trung tâm này đã khảo sát và lấy ý kiến của 800 đại biểu HĐND, cán bộ công chức đang làm việc trong các HĐND và người dân ở 5 địa phương, thì thấy, hầu hết những người được hỏi đều có ý kiến tán thành việc để dân trực tiếp bầu chủ tịch xã.
Từ Cách mạng tháng 8/1945 đến nay, ta chưa có nhiều cải cách đối với chính quyền cơ sở, nhất là chính quyền cấp xã. Đề xuất này cũng phù hợp với chủ trương nhất quán đã được Đảng xác định là Nhà nước ta là nhà nước của dân, do dân, vì dân. Có thể coi ý kiến để dân bầu trực tiếp chủ tịch xã lần này là bước đột phá đầu tiên, rất quan trọng trong việc cải cách hành chính chính quyền các cấp cơ sở. Ý kiến này hiện đang được nhiều người đón nhận và coi như một ý tưởng mới mẻ, có tính đột phá. Nói ý tưởng này mới mẻ là ta nói từ góc nhìn về sự cải cách chính quyền trong chế độ ta từ sau năm 1945.
Còn như, xét về lịch sử, trải mấy ngàn năm, qua nhiều triều đại, xã hội phong kiến Việt Nam các thời đều có cơ cấu chính quyền là chỉ bổ nhiệm quan lại đến cấp phủ, huyện. Các cấp từ tổng, xã đến thôn, làng đều do dân bầu. Đó là đặc điểm mang tính truyền thống trong cơ cấu hành chính của nước ta thời xưa. Từ thời Lý đến thời Nguyễn, nước ta mỗi tổng, qua hội đồng kỳ mục, dân bầu một ông cai tổng. Mỗi làng, dân bầu trực tiếp 3 ông: lý trưởng, phó lý, hương bộ. Ba ông này và cả ông cai tổng cấp trên nữa đều không ăn lương nhà nước, cũng không có bổng lộc gì từ dân, họ làm việc tự nguyện, đảm nhận tất cả mọi việc, từ “phép vua” chính sự đến các việc thuộc phạm vi dân sự “lệ làng”. Câu ngạn ngữ “Ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng” hoặc “Ăn cơm nhà vác ngà voi” là thực tế hoàn toàn có thật xuất phát từ hoạt động của các vị chức sắc dân sự này”.
Do cùng sinh sống trên một địa bàn dân cư lâu đời nên giữa người dân và người được dân lựa chọn để bầu vào chức danh chủ tịch xã, có nhiều quan hệ, gần gũi, quen biết và tất nhiên là rất hiểu nhau. Chắc chắn người dân sẽ lựa chọn người tốt, người có đức, có năng lực, có nhiệt tình phục vụ nhân dân và có khả năng hoàn thành nhiệm vụ của nhà nước khi cấp trên giao phó. Người được dân lựa chọn tất nhiên cũng là người có uy tín, được nhân dân tin tưởng. Người được dân tin, dân mến, dân giao phó nhiệm vụ ắt sẽ có tâm lý muốn làm việc thật tốt, ăn ở, đối xử thật tốt để đền đáp lại lòng dân.
Về phía người dân, được thỏa mãn ý muốn lựa chọn cán bộ theo sự tín nhiệm của mình, ắt sẽ có ý thức chấp hành mọi chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, làm tốt mọi việc để giúp đỡ, ủng hộ người cán bộ do mình đã lựa chọn bầu ra, đồng thời cũng là để chứng minh cho mọi người biết sự lựa chọn đó của mình là đúng đắn, sáng suốt. Nói tóm lại, việc để dân trực tiếp bầu chủ tịch xã là hợp tình, hợp lý, hợp lòng dân, có nhiều khả năng sẽ lựa chọn được người cán bộ tốt, kế thừa được truyền thống cơ cấu chính quyền từng được thử thách trong lịch sử. Việc dân trực tiếp bầu chủ tịch xã, vừa có lợi cho dân lại vừa có lợi cho uy tín của người cán bộ được bầu... Vẫn còn những điều băn khoăn, cần được tính tới.
Trong quá khứ, người Việt Nạm ta sinh sống ở các làng xã thường dễ có tính bè phái, thiên lệch, hay bênh che ủng hộ người của thôn mình, làng mình, họ mình. Tâm lý đó, cách suy nghĩ đó cần được người dân nhìn nhận tác hại của nó để dần dà khắc phục. Còn một vấn đề nữa, cần được quy chế quy định cụ thể rõ ràng. Đó là vấn đề ý Đảng, lòng dân.
Chức danh chủ tịch xã có nên quy định dứt khoát người được bầu phải là đảng viên, hay có thể mở rộng ra, chấp nhận cả những cán bộ tốt, ngoài Đảng? Kéo theo các vấn đề vừa kể trên, việc bầu cử chính quyền các cấp còn phụ thuộc vào các chế định của Hiến pháp. Mọi thể thức, mọi quy định về việc bầu cử tất nhiên cũng phải hoàn toàn hợp hiến. Vậy nên, muốn thực hiện việc dân trực tiếp bầu chủ tịch xã thì rõ ràng, việc sửa đổi hiến pháp phải đi trước một bước. Chúng ta chờ đợi ý kiến xác quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong những kỳ họp gần đây?!
Thạch Quỳ