(Baonghean) - Sau khi chia tách, huyện Nghĩa Đàn đã tạo dựng một diện mạo phát triển năng động. Thành công đó phải kể đến vai trò của công tác dân vận trong việc tạo sự đồng thuận của người dân để thực hiện các dự án, các chương trình…
Đứng trước ruộng lúa đang xanh thì con gái, niềm vui hiện hữu trên khuôn mặt đầy nếp nhăn hằn theo thời gian của lão nông Phan Công Hòa- xóm trưởng xóm Trung Khánh, xã Nghĩa Khánh (Nghĩa Đàn). Cả cuộc đời gắn với đồng ruộng, lần chuyển đổi ruộng đất năm 2012 theo chủ trương của Đảng bộ xã Nghĩa Khánh thì ông thực sự mãn nguyện. Ông Hòa cho biết: “Việc dồn điền đổi thửa thành công đã đem lại những lợi ích vô cùng to lớn. Trước khi chuyển đổi ruộng đất, nhiều hộ trong xóm có đến 9 thửa ruộng, nay mỗi hộ còn 1-2 thửa, quy hoạch lại thành những mảnh lớn liền vùng, liền thửa cùng với việc đầu tư làm đường giao thông, thủy lợi nội đồng tạo thuận tiện cho việc đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thâm canh, tăng vụ, tiết kiệm được thời gian chăm sóc và giảm sức lao động cho người dân”.
Trước đây, sản xuất khó khăn, người nông dân không còn mặn mà với ruộng đồng. Giờ đây họ gắn bó hơn, biết trân trọng giá trị của đất đai. Một số diện tích bỏ hoang trước đây được cải tạo đưa vào sử dụng. Trong câu chuyện về kỳ tích sau chuyển đổi ruộng đất của xóm, ông Hòa không quên nhắc nhở: Công tác vận động quần chúng là quan trọng nhất. Cán bộ phải nắm bắt chủ trương, truyền đạt thấu tình đạt lý để dân hiểu, dân tin, dân làm theo.
Từ xóm Trung Khánh, dẫn chúng tôi đi thăm đồng, nhìn ra cánh đồng lúa xanh đang gợn sóng theo từng làn gió thu nhẹ, phảng phất hương lúa mới, Bí thư Đảng bộ xã Nghĩa Khánh. Cù Xuân Long chỉ tay về phía con đường bê tông nối dài các xứ đồng phấn khởi cho biết: “Không chỉ vận động nhân dân thực hiện thành công chuyển đổi ruộng đất, người dân trong xã còn đóng góp hơn 4 tỷ đồng và ngày công để phục vụ công tác mở rộng các tuyến đường, tuyến mương nội đồng phục vụ cho tưới tiêu. Là xã thuần nông, để phát triển nông nghiệp nông thôn, đưa cơ giới hóa vào sản xuất để thâm canh, tăng vụ, sản xuất theo hướng hàng hóa, tạo điều kiện để thúc đẩy sự phát triển ngành nghề khác thì phải chuyển đổi ruộng đất, dồn đất từ mảnh nhỏ thành mảnh lớn theo đúng tinh thần Chỉ thị 08 của Tỉnh ủy và Chỉ thị 11 của huyện ủy về việc “Đẩy mạnh vận động nông dân dồn điền đổi thửa và khuyến khích tích tụ ruộng đất để phát triển sản xuất quy mô lớn trong nông nghiệp”.
Khi có đề án về dồn điền đổi thửa, UBND xã tạm thời trưng dụng về đất đai toàn bộ. Đồng loạt ra quân làm thủy lợi và phá vỡ mặt bằng trên tất cả các xứ đồng, hệ thống thủy lợi bờ vùng, bờ thửa làm xong mới tổ chức cân đối để chia đất cho nhân dân. Biện pháp, phương án chia đất như thế nào cho hợp lý, xã giao cho các xóm tổ chức họp dân lấy ý kiến, bàn về tỷ lệ chia đất một cách chặt chẽ, niêm yết công khai hệ số chuyển đổi đất cho bà con đăng ký tự nguyện; hộ nào có ý kiến trái chiều, cán bộ xóm đến tận nhà giải thích cho dân hiểu.
Riêng xóm trưởng và bí thư chi bộ nhận diện tích phần đất xấu trước. Với sự nỗ lực vào cuộc của toàn hệ thống chính trị, khơi dậy tinh thần ý thức trong nhân dân, toàn xã đã tiến hành chuyển đổi ruộng đất theo phương án đề ra với tổng diện tích 2.731 ha/1,638 thửa của 1800 hộ; từ 7-11 mảnh, nay bình quân/hộ xuống 2 mảnh, góp phần khắc phục tình trạng manh mún, tạo ra các thửa có diện tích lớn, tiết kiệm chi phí, tạo điều kiện đưa cơ giới hóa vào sản xuất. Đồng chí Cù Xuân Long- Bí thư Đảng bộ xã Nghĩa Khánh chia sẻ bài học kinh nghiệm: “Vấn đề quan trọng hàng đầu là làm tốt công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thay đổi nhận thức. Khi thực hiện dồn điền đổi thửa, bà con rất ủng hộ dù phải hy sinh lợi ích bản thân vì hiểu lợi ích cộng đồng của nó.
Chúng tôi về xã Nghĩa Lộc (Nghĩa Đàn), địa phương có trên 40% đồng bào giáo dân và dân tộc thiểu số, không khí hiến đất làm đường diễn ra hết sức sôi động. Dưới sự lãnh đạo của các cấp, Đảng ủy, chính quyền xã Nghĩa Lộc đã triển khai nhiều cách làm hay, thu được nhiều kết quả tốt trên các mặt. Đơn cử việc xây dựng nông thôn mới, Nghĩa Lộc đã thu được kết quả rất khả quan trong công tác vận động nhân dân của lương và giáo hiến đất làm đường giao thông.
Trước đó, Đảng ủy, chính quyền xã đều chủ động bàn bạc và đi tới thống nhất kế hoạch thực hiện với linh mục và hội đồng mục vụ giáo xứ để cùng vận động nhân dân chung tay thực hiện. Tiêu biểu nhất là xóm Hồng Lộc, nơi có 97 hộ với 70% là bà con giáo dân đang sinh sống. Nhân dân xóm Hồng Lộc không chỉ hiến đất, vật kiến trúc trên đất, cây cối mà còn đóng góp của, công để làm, mỗi gia đình đóng góp 400 ngàn đồng, cộng với số tiền ủng hộ thêm được tổng cộng 50 triệu đồng. Đồng chí Cao Xuân Ba – Bí thư Đảng ủy xã cho biết: “Chúng tôi xác định ngũ cán bộ, đảng viên, phải nghiêm chỉnh, chuẩn mực trong công việc, gương mẫu trong lối sống hàng ngày để hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị, giữ vững niềm tin trong nhân dân.
![]() |
Thu hoạch mủ cao su tại nông trường 1/5, Nghĩa Đàn.
Từ thực tiễn xã Nghĩa Khánh, Nghĩa Lộc cho thấy, công tác dân vận đóng vai trò quyết định trong việc người dân thực hiện tốt chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước. Trong đó, phải kể đến vai trò của đội ngũ cán bộ làm công tác dân vận ở cơ sở đã bám sát chức năng, nhiệm vụ với cách thức vận động sáng tạo, hợp lòng dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Chính vì thế, trong thời gian qua trên địa bàn Nghĩa Đàn đã vận động nhân dân hiến hơn 300.000m2 đất, tự tháo dỡ nhiều công trình xây dựng của gia đình mình như nhà cửa, công trình phụ, nhiều cây cối, hoa màu và hơn 9.000m tường rào, tổng giá trị lên đến hàng chục tỷ đồng để làm đường giao thông nông thôn.
Với những cách làm đó huyện Nghĩa Đàn là một trong những địa phương thành công trong việc vận động nhân dân giải phóng mặt bằng để các nhà đầu tư thực hiện các dự án lớn một cách nhanh chóng. Hàng trăm hecta đất được giải phóng để xây dựng khu trung tâm hành chính của huyện, các tuyến đường giao thông trọng yếu như: Đường nối Quốc lộ 1A - Nghĩa Đàn - Thái Hòa, đường nối đường Hồ Chí Minh đi Quốc lộ 48, đường Trung- Bình- Lâm, Dự án Nhà máy gỗ MDF… Giải phóng 2.245,6 ha thực hiện Dự án Chăn nuôi bò sữa và chế biến sữa tập trung quy mô công nghiệp đã góp phần tạo nên diện mạo mới của huyện Nghĩa Đàn kể từ sau chia tách.
Để thực hiện được nhiệm vụ đó thì cán bộ làm dân vận phải nắm được chủ trương về thu hồi đất (phục vụ dự án nào?, diện tích thu hồi, các chính sách liên quan đến viêc thu hồi…), đồng thời phải trực tiếp đến từng xóm và xuống từng nhà để làm công tác vận động, cùng với đó phải làm tốt công tác đối thoại với nhân dân về các chủ trương, chính sách và các quyền lợi của nhân dân khi bị thu hồi đất với cách thức vận động đa dạng phong phú, phù hợp với từng loại đối tượng.
Trao đổi với chúng tôi, đồng chí Phan Tiến Hải - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nghĩa Đàn cho biết: “Để đạt được những thành tích trong công tác vận động nhân dân xây dựng nông mới và giải phóng mặt bằng, bàn giao đất cho các dự án là kết quả của sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị đã vào cuộc làm tốt công tác tuyên truyền và công tác tư tưởng cho nhân dân, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, luôn bám sát phương châm: Dân biết, dân bàn, dân đóng góp, dân làm, dân quản lý và dân hưởng lợi. Thực hiện tốt phương châm đi trước, cán bộ đến trước để nắm bắt tình hình tư tưởng của nhân dân trước khi triển khai các chủ trương để sớm có kế hoạch tham mưu cho cấp ủy, chính quyền trong việc vận động nhân dân thực hiện”.