Đảng cầm quyền Nhật Bản trước nguy cơ tan rã

27/06/2012 07:00

Nguy cơ xuất hiện sau khi Hạ viện thông qua gói dự thảo luật liên quan đến cải cách thuế và phúc lợi xã hội, trong đó có dự luật tăng thuế tiêu thụ gây tranh cãi.

Điều thu hút sự chú ý chính là việc sẽ có bao nhiêu nghị sĩ của Đảng Dân chủ cầm quyền bỏ phiếu chống. Trên thực tế, trong số 96 phiếu chống có đến 57 phiếu thuộc về các nghị sĩ của Đảng Dân chủ. Ngoài ra, có 16 nghị sĩ thuộc Đảng Dân chủ vắng mặt hoặc không bỏ phiếu để phản đối dự luật tăng thuế tiêu thụ.



Đường phố Tokyo (ảnh KT)

Nhóm 73 nghị sĩ này được gọi chung là “nhóm nổi loạn” do đã chống lại quyết định của ban lãnh đạo Đảng. Người đứng đầu “nhóm nổi loạn” này là cựu Chủ tịch đảng Ichiro Ozawa, một chính trị gia đầy kinh nghiệm được mệnh danh “tướng quân trong bóng tối”. Chính ông Ozawa là người đã tổ chức thành công thắng lợi lịch sử của Đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử tháng 8 năm 2009 đưa đảng này lên nắm quyền tại Nhật Bản.

Ông Ozawa đe dọa rời sẽ rời khỏi Đảng Dân chủ và kéo theo một số nghị sĩ trung thành với ông để thành lập đảng mới nhằm phản đối dự luật tăng thuế tiêu thụ. Báo chí Nhật Bản cho rằng, hiện có khoảng hơn 40 nghị sĩ đã viết sẵn đơn xin ra khỏi đảng và để ông Ozawa toàn quyền quyết định.

Phát biểu trước báo giới sau khi gói dự thảo luật được thông qua, ông Ozawa cho biết trước mắt sẽ tiếp tục ở lại đảng nhưng ông cũng ám chỉ khả năng sớm ra khỏi đảng.

Nếu ông Ozawa và nhóm nghị sĩ trung thành rời khỏi đảng, uy tín của Đảng Dân chủ và chính quyền của Thủ tướng Noda sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Thậm chí nếu có từ 54 nghị sĩ trở lên rời khỏi đảng, đây sẽ là thảm họa với Đảng Dân chủ cầm quyền bởi Đảng Dân chủ sẽ mất đa số tại Hạ viện. Khi đó, giải tán Hạ viện và bầu cử trước thời hạn là kết cục khó tránh khỏi.

Tuy nhiên, vẫn chưa thể biết được số lượng nghị sĩ sẽ tách ra theo ông Ozawa. Điều này còn tùy thuộc vào thái độ và biện pháp trừng phạt của ban lãnh đạo đảng đối với các nghị sĩ không tuân theo quyết định của đảng. Do đó, đã có không ít ý kiến đề nghị nương nhẹ với “nhóm nổi loạn”. Cựu Thủ tướng Hatoyama, một trong số các nghị sĩ bỏ phiếu chống lại dự luật tăng thuế tiêu thụ nói: “Tôi không nghĩ đến việc ra khỏi đảng. Cho dù có bất cứ hình thức xử lý nào tôi cũng chấp nhận. Tôi mong Ban lãnh đạo đảng cân nhắc hình thức xử lý do con số 57 nghị sĩ phản đối là tương đối lớn”.

Mặc dù Thủ tướng Noda, đồng thời là Chủ tịch Đảng Dân chủ tuyên bố sẽ xử lý nghiêm “nhóm nổi loạn” nhưng có lẽ Ban lãnh đạo đảng sẽ không áp dụng biện pháp mạnh nhất là khai trừ đảng. Tổng thư ký Đảng Dân chủ Koshiishi nói: “Để Đảng Dân chủ tiếp tục nắm chính quyền, không được phép làm đảng tan rã. Chúng tôi sẽ coi đó là ưu tiên số một”.

Theo giới quan sát, cho dù vụ việc có tiến triển theo hướng nào, Đảng Dân chủ trên thực tế đã mất đi tính thống nhất của mình và chính quyền của Thủ tướng Noda sẽ còn tiếp tục suy yếu./.


Theo VOV.VN - ĐT

Mới nhất

x
Đảng cầm quyền Nhật Bản trước nguy cơ tan rã
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO