(Baonghean.vn) - Nằm trong hoạt động chuẩn bị khởi công xây dựng Khu tưởng niệm Nhà yêu nước Phan Bội Châu tại Nghệ An, sáng 2/8, Ban quản lý Di tích danh thắng Nghệ An phối hợp với Hội Cựu học sinh Trường THPT chuyên Phan Bội Châu đã đến dâng hương, tưởng niệm tại Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại thành phố Huế.
|
Khuôn viên Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu tại thành phố Huế. |
Khu Di tích lưu niệm Phan Bội Châu là nơi cụ Phan sinh sống trong thời gian từ năm 1926 – 1940, giai đoạn cụ bị thực dân Pháp và tay sai giam lỏng. Với tấm lòng trung kiên, ái quốc, tại đây Sào Nam – (tên gọi khác của cụ Phan Bội Châu) tiếp tục kêu gọi phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc trong mọi tầng lớp nhân dân. Sau khi Phan Bội Châu mất (29/10/1940), năm 1941 cụ Huỳnh Thúc Kháng đã đứng ra xây lăng mộ và nhà thờ tưởng niệm cụ Phan.
|
Phần mộ cụ Phan Bội Châu. |
|
Đoàn dâng hương trước phần mộ Nhà yêu nước Phan Bội Châu. |
Với tấm lòng ngưỡng mộ và tri ân sâu sắc đối với Nhà yêu nước, chí sỹ cách mạng Phan Bội Châu, đoàn công tác đến từ Nghệ An đã dâng hương tưởng niệm người con kiệt xuất của quê hương Nghệ An. Đồng thời thỉnh báo với anh linh cụ Phan về việc tỉnh Nghệ An sẽ khởi công xây dựng Nhà tưởng niệm cụ tại quê hương Nam Đàn. Công trình được xây dựng bởi sự đóng góp của các cựu học sinh trường Phan Bội Châu và sự hỗ trợ của UBND tỉnh. Dự kiến Nhà tưởng niệm sẽ chính thức được khởi công vào ngày 11/8/2015.
Dưới đây là một số hình ảnh về Nhà yêu nước Phan Bội Châu tại thành phố Huế:
|
Phần mộ cụ Phan Bội Châu nằm trong một quần thể di tích được thiết kế rất thẩm mỹ. |
|
Tại khuôn viên Khu di tích có phần mộ của ông Phan Nghi Đệ và vợ là Bùi Thị Em - con trai thứ và con dâu cụ Phan. |
|
Tại đây còn có cả mộ phần của Nhà yêu nước Tăng Bạt Hổ. |
|
Trong khuôn viên di tích còn có Bia kỷ niệm quan hệ giao lưu Việt - Nhật từ phong trào Đông Du được cụ Phan phát động đầu thế kỷ 20. |
|
Mỗi hiện vật trong Khu di tích đều gắn với cuộc đời hoạt động yêu nước sôi nổi của cụ Phan. |
|
Tại đây các thành viên trong đoàn công tác được gặp gỡ, trao đổi với ông Phan Thiệu Cát - cháu nội của cụ Phan Bội Châu. |
|
Mọi người được nghe giới thiệu về cuộc đời hoạt động của cụ Phan Bội Châu. |
|
Ông Phan Thiệu Cát giới thiệu về cuộc đời cụ Phan Bội Châu. |
|
Tại khuôn viên Khu di tích có Nhà trưng bày hiện vật, hình ảnh về cụ Phan Bội Châu |
|
Đoàn tham quan bức tượng cụ Phan Bội Châu đặt bên sông Hương, cầu Trường Tiền (TP Huế). |
|
Bức tượng do Kiến trúc sư Lê Thành Nhơn đúc năm 1974 với sự đóng góp của học sinh, trí thức trên cả nước lúc bấy giờ. Bức tượng cao khoảng 4,5m, nặng hơn 6 tấn được đúc bằng đồng. Trước năm 2012, bức tượng đặt tại Khu Di tích lưu niệm cụ Phan Bội Châu (số 119 - đường Phan Bội Châu) |
|
Đoàn cũng đã đến thăm nghĩa trang mang tên cụ Phan Bội Châu tọa lạc trên đồi Quảng Tế - xã Thủy Xuân (TP Huế). Nghĩa trang được cụ Phan lập nên để những người yêu nước, có tinh thần dân tộc được an nghỉ. |
|
Tại đây có phần mộ của ông Nguyễn Huy Nhu (Nghi Lộc - Nghệ An), Tiến sỹ khoa Bính Dần, nguyên Giáo sư Hán học Viện Đại học Huế. |
|
Có phần mộ của Nhà văn Hải Triều (Nguyễn Khoa Văn) và nhiều chiến sỹ cách mạng khác. |
Đào Tuấn