Đăng ký doanh nghiệp: Không phân biệt đối xử
Việc đăng ký kinh doanh (nay là đăng ký doanh nghiệp) được quy định khá chi tiết trong Luật Doanh nghiệp (DN) năm 2005.Đó là điều hoàn toàn đúng và phù hợp với thông lệ quốc tế. Song, với nhà đầu tư nước ngoài, việc đăng ký DN còn nhiều bất cập.
Điều 50 Luật Đầu tư quy định: “Nhà đầu tư nước ngoài lần đầu tiên đầu tư vào Việt Nam phải có dự án đầu tư và làm thủ tục đăng ký đầu tư hoặc thẩm tra đầu tư tại cơ quan nhà nước quản lý đầu tư để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Giấy chứng nhận đầu tư đồng thời là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh”. Điều 56 Nghị định số 108/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư quy định: “Trường hợp nhà đầu tư góp vốn để đầu tư thì phải làm thủ tục đầu tư theo quy định của pháp luật về đầu tư”.
Với quy định của Luật Đầu tư, việc đăng ký thành lập DN của các nhà đầu tư nước ngoài bị điều chỉnh bởi những quy định khác, đồng thời khá phức tạp bởi các văn bản dưới luật, công văn chỉ đạo thiếu nhất quán.
Điều 9 Nghị định 139/2007/NĐ-CP của Chính phủ hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật DN quy định: “Tổ chức, cá nhân người nước ngoài lần đầu tiên đầu tư thành lập DN tại Việt Nam được thực hiện như sau: Trường hợp DN dự định thành lập có sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài không quá 49% vốn điều lệ thì việc thành lập DN thực hiện theo quy định của Luật DN. Việc đăng ký đầu tư trong trường hợp này áp dụng theo quy định tương ứng đối với dự án đầu tư trong nước”. Nghị định số 139/2007/NĐ-CP đã được thay bằng Nghị định số 102/2010/ NĐ-CP, trong đó quy định này vẫn giữ nguyên.
Song, ngày 18/3/2009, Bộ Kế hoạch và Đầu tư có Công văn số 1752/BKH-PC hướng dẫn về thủ tục thành lập DN liên doanh trong trường hợp bên nước ngoài chiếm dưới 49% vốn điều lệ, quy định: Khi nhà đầu tư nước ngoài góp vốn với nhà đầu tư Việt Nam thành lập DN liên doanh, trong đó bên nước ngoài chiếm không quá 49% vốn điều lệ thì nhà đầu tư phải có dự án đầu tư và phải làm thủ tục để được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, như quy định của Luật Đầu tư.
Vì vậy, đến nay, bất kỳ một DN nào có sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài, dù chỉ chiếm 1% vốn điều lệ, đều phải có dự án đầu tư và “xin” cấp Giấy chứng nhận đầu tư. Nghiêm trọng hơn, trước ngày 18/3/2009 (ngày có Công văn số 1752/BKH-PC), nhiều DN có nhà đầu tư nước ngoài góp vốn, mua cổ phần với tỷ lệ dưới 49% vốn điều lệ đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Đến nay, DN có nhu cầu thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh đã không được giải quyết, cơ quan cấp đăng ký kinh doanh yêu cầu phải có dự án đầu tư và xin cấp Giấy chứng nhận đầu tư, khiến không ít chủ DN như “gà mắc tóc”! Bởi, DN đã được thành lập và hoạt động từ năm 2008, đến nay chỉ di chuyển địa điểm hoặc tăng vốn điều lệ... lại phải “có dự án đầu tư” thì không biết sẽ phải viết gì, vẽ gì cho dự án? Việc đó khác nào... đánh đố!
Đề án 30 của Chính phủ đã kiến nghị thu hồi Công văn 1752/ BKH-PC vì đã ngang nhiên sửa nghị định của Chính phủ và gây khó khăn cho các nhà đầu tư nước ngoài, đồng thời tạo điều kiện các công chức tại cơ quan đăng ký kinh doanh tùy ý giải quyết hay không cũng đều... đúng, tiêu cực phát sinh từ đây. Song, không biết vì lý do gì, Bộ Kế hoạch và Đầu tư vẫn im lặng?
Theo.baocongthuong