Đằng sau bản án 20 năm tù của cựu Tổng thống Ai Cập

23/04/2015 08:16

(Baonghean) - Tòa án hình sự Cairo hôm 21/4 đã kết án Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi 20 năm tù giam vì các tội bắt giữ, tra tấn người biểu tình trong thời gian ông cai trị đất nước. Theo các nhà phân tích, bản án dành cho ông Morsi không chỉ là một thông điệp cứng rắn nhắn gửi tới Tổ chức Anh em Hồi giáo mà còn là một phép thử về phản ứng của cộng đồng quốc tế về tính pháp lý trong quá trình xét xử ông Morsi.

Trước khi đến với bản án hiện tại, ông Mohammed Morsi và các nhà lãnh đạo của tổ chức Anh em Hồi giáo đã trải qua rất nhiều lần xét xử. Và ở lần tuyên án này, ông Mohammed Morsi cùng 14 thành viên khác phải chịu mức án 20 năm tù giam về các tội bắt cóc, tra tấn và sử dụng vũ lực đối với những người biểu tình trong suốt thời gian diễn ra các cuộc tuần hành ở Thủ đô Cairo hồi năm 2012. Trước đó, kể từ khi ông Morsi bị quân đội lật đổ vào tháng 7/2013, giới chức Ai Cập đã cấm tổ chức Anh em Hồi giáo hoạt động, hàng trăm người ủng hộ ông Morsi đã bị tuyên án tử hình trong các phiên tòa xét xử hàng loạt. Bởi vậy, mặc dù ông Morsi cùng các thành viên khác đã thoát cáo buộc nghiêm trọng nhất là tàn sát người biểu tình - cáo buộc có thể dẫn tới án tử hình, song bản án 20 năm tù vẫn được coi là một đòn giáng mạnh vào Tổ chức Anh em Hồi giáo vốn đã chịu nhiều áp lực từ chính quyền với mục tiêu làm suy yếu tổ chức này.

Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi tại phiên tòa.
Tổng thống bị lật đổ Mohammed Morsi tại phiên tòa.

Tất nhiên, những thành viên của Anh em Hồi giáo ngay lập tức bày tỏ thái độ không “tâm phục khẩu phục” đối với bản án này. Họ gọi phán quyết của tòa án là “trò hề công lý”, “một bản án chung thân cho dân chủ ở Ai Cập”. Phản ứng của tổ chức Anh em Hồi giáo không phải là không có lý khi đã xuất hiện một số ý kiến về tính công bằng và minh bạch của phiên tòa xét xử này. Theo đó, mức án đưa ra được dựa trên lời khai của những nhân chứng không đáng tin cậy và những bằng chứng không toàn diện. Ông Toby Cadman, một luật sư chuyên về lĩnh vực quyền con người ở Ai Cập cũng cho rằng, phiên tòa xét xử ông Morsi mang mục đích chính trị và ẩn chứa thông điệp rằng chính quyền của Tổng thống El Sisi sẽ không dung thứ cho sự phản kháng của các phe phái đối lập, đặc biệt là tổ chức Anh em Hồi giáo.

Cùng chung nhận định này, một nhà báo Ai Cập là Yehia Ghanem cũng cho rằng toàn bộ phiên tòa xét xử ông Morsi là một tính toán chính trị ngay từ đầu, và những người Ai Cập cũng như toàn thế giới phải hiểu rằng “sẽ không có chỗ cho những quy tắc dân chủ”. Bởi vậy, ông Amr Darrag, một thủ lĩnh của tổ chức Anh em Hồi giáo và cũng là người đồng sáng lập nhánh chính trị của tổ chức này đã kêu gọi Mỹ và Anh trì hoãn viện trợ quân sự cho Ai Cập - điều mà ông gọi là “tiếp tay cho sự chuyên chế tàn bạo”.

Nếu phán quyết của Tòa án Cairo với ông Morsi là một phép thử đối với cộng đồng quốc tế thì họ đã nhận được lời giải đầu tiên từ phía Mỹ. Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest tuyên bố Mỹ tiếp tục phản đối mạnh mẽ các vụ bắt giam và xét xử mang tính chính trị, và ông Morsi cần phải được xét xử theo đúng trình tự cơ bản của luật pháp. Phía Mỹ cho biết sẽ rà soát lại cơ sở mà tòa án Ai Cập dựa vào đó để ra phán quyết bỏ tù 20 năm đối với ông Mohammed Morsi. Nhưng theo các nhà phân tích, dù cho phán quyết của Tòa án Cairo có phải là một nước cờ chính trị như cáo buộc của tổ chức Anh em Hồi giáo, hay như lo ngại của Mỹ hay không, thì đó cũng là lựa chọn có thể hiểu được của Tổng thống đương nhiệm Fatah El Sissi.

Cộng đồng quốc tế đã hiểu quá rõ tình cảnh mà Ai Cập phải đối mặt khi ông El Sissi lên nắm quyền, đó là tình trạng an ninh hỗn loạn với sự chia rẽ sâu sắc trong xã hội. Và chắc chắn ông El Sissi sẽ không muốn đối mặt với bất cứ sự phản kháng nào có dấu hiệu nhen nhóm trở lại, khi mà đất nước Ai Cập mới chỉ trải qua gần 1 năm tạm yên ổn kể từ khi ông chính thức nhậm chức. Trong tháng 5 tới, ông Morsi sẽ còn tiếp tục phải đối diện với 2 phiên tòa nữa với các tội danh cấu kết với các chiến binh nước ngoài để giải cứu các tù binh Hồi giáo năm 2011, cấu kết với phong trào Hamas của Palestine, Hezbolla của Lebanon và Vệ binh cách mạng Iran để thực hiện các hành vi khủng bố tại Ai Cập, tiết lộ các bí mật quốc gia cho Qatar gây nguy hiểm cho quốc gia - những tội danh cũng có thể dẫn tới án tử hình. Với những tính toán của ông El Sissi, dư luận thế giới đang chờ đợi liệu ông Mohammed Morsi có thể bước qua “cửa tử” một lần nữa.

Thúy Ngọc

Mới nhất
x
x
Đằng sau bản án 20 năm tù của cựu Tổng thống Ai Cập
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO