"Đảng viên đi trước..." ở Thanh Thịnh
(Baonghean) - Trong khi nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng thì ở xã Thanh Thịnh (Thanh Chương), mỗi thôn có hàng chục hộ dân tự nguyện hiến đất, hoa màu và của cải vật chất để xây dựng công trình phục vụ cộng đồng, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đó là kết quả của công tác “dân vận khéo” do cán bộ, đảng viên thực hiện.
(Baonghean) - Trong khi nhiều địa phương còn gặp khó khăn, vướng mắc về giải phóng mặt bằng thì ở xã Thanh Thịnh (Thanh Chương), mỗi thôn có hàng chục hộ dân tự nguyện hiến đất, hoa màu và của cải vật chất để xây dựng công trình phục vụ cộng đồng, góp phần thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Đó là kết quả của công tác “dân vận khéo” do cán bộ, đảng viên thực hiện.
Ở Thanh Thịnh, công tác “dân vận khéo” được thể hiện rõ nét trong quá trình thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Để “thấm” vào tư tưởng đảng viên, nhân dân về ý nghĩa của Chương trình xây dựng NTM, những cuộc sinh hoạt chi bộ, Hội CCB, Phụ nữ, Chi ủy và Ban cán sự đã nêu gương những điển hình về phong trào hiến đất ở những địa phương được báo chí thông tin; nêu bật vai trò cán bộ, đảng viên đoàn kết, gương mẫu đi đầu… Cứ thế, công tác tuyên truyền, quán triệt tư tưởng đã đi trước một cách bài bản, quá trình triển khai thực hiện đề cao dân chủ, nên được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Thôn 1B đã huy động nội lực trong nhân dân để nâng cấp khuôn viên nhà văn hóa và sân thể thao với diện tích 800m2 bằng bê tông kiên cố. Ngoài mức quy định, nhiều hộ dân còn tự nguyện đóng góp thêm, điển hình như ông Trần Sỹ Khánh, Trần Ngọc Sáu, Lê Ngọc Thao. Chia sẻ việc cho thôn vay ứng trước 20 triệu đồng không lấy lãi, đảng viên Lê Ngọc Tường cho rằng: “Tôi nghĩ việc cho thôn vay ứng trước số tiền này rất nhỏ so với thành quả mà nhân dân đã làm được, hơn nữa mình là đảng viên thì cần gương mẫu từ việc nhỏ nhất để người dân làm theo”. Theo gương đồng chí Tường, ông Nguyễn Văn Tứ và Trần Văn Trang cũng cho thôn vay 45 triệu đồng với mức lãi suất thấp nhất…. Ngoài việc hiến đất, vườn, tài sản trên đất, người dân không đòi hỏi tiền đền bù giải phóng mặt bằng. Máy móc làm đến đâu, các hộ dân đều vui vẻ đăng ký tự nguyện nấu cơm, nước phục vụ thợ máy… Do có sự đồng thuận cao của người dân, thôn 1B đã hoàn thành cứng hóa hơn 2 km đường giao thông với số tiền đầu tư hơn 300 triệu đồng. Toàn thôn có 27 hộ hiến 3.000m2 đất vườn, trên 1.000 cây keo và bạch đàn…
Kiểm tra đường nội đồng tại xóm 1A, Thanh Thịnh (Thanh Chương). |
Cùng trên tuyến bám sát với đường mòn Hồ Chí Minh, thôn 1A có 152 hộ, với 474 nhân khẩu, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Trước hết là khó khăn về giao thông, các tuyến đường nhỏ hẹp, đường đi, lối lại chằng chịt sống trâu, ổ voi. Để triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới, Ban cán sự thôn và chi bộ đã tập trung làm tốt công tác dân vận tạo sự ủng hộ của nhân dân ủng hộ. Ban công tác mặt trận có 6 thành viên do đồng chí bí thư chi bộ làm trưởng ban. Do diện tích của thôn rộng, dân cư thưa thớt, có những hộ dân ở trên đồi, vì vậy cả thôn phải làm tới 4 điểm loa phát thanh. Tuy vậy, các thành viên của Ban công tác mặt trận vẫn trực tiếp gặp gỡ từng hộ dân để tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước, lợi ích của giao thông đối với phát triển kinh tế - xã hội; trên cơ sở đó vận động các hộ dân hiến đất, chặt cây, tháo dỡ công trình nằm sát đường, giải phóng mặt bằng cho đơn vị thi công. Với phương châm “khó làm trước, dễ làm sau”, “đảng viên đi trước, làng nước theo sau”, chỉ sau một thời gian ngắn, tổ dân vận thôn đã vận động người dân hiến hàng ngàn m2 đất, dỡ bỏ bờ bao, tường nhà và cây cối để mở rộng 3 tuyến đường liên thôn có chiều dài lần lượt là 1,2 km; 800m, 400m với tổng kinh phí 320 triệu đồng do Nhà nước hỗ trợ. Ngoài hiến đất, các hộ dân còn đóng góp gần 70 triệu đồng làm được 140m đường giao thông nội đồng, hiện còn 600m nhân dân đang đóng góp để hoàn thành trong 6 tháng đầu năm 2015. Nói về việc hiến đất và đóng góp kinh phí để mở đường, đảng viên Lê Văn Liễu cho rằng: “Là đảng viên thì phải gương mẫu đi đầu, có vậy, dân mới tin và làm theo”.
Cũng như các thôn 1A và 1B, năm 2013 nhờ chi bộ, ban cán sự xóm có phương pháp vận động hợp lý, thôn 4 đã vận động được người dân đóng góp gần 100 triệu đồng để làm giao thông nội đồng, 6 tháng đầu năm 2014 cũng vận động đạt xấp xỉ 50 triệu đồng. Công tác dân vận khéo ở đây do Ban vận động gồm 5 thành viên luôn đi sâu, sát, lắng nghe ý kiến và giải thích để người dân hiểu lợi ích của làm đường giao thông nông thôn và giao thông nội đồng nên nhận được đồng thuận cao trong nhân dân.
Đồng chí Nguyễn Thanh Chung - Bí thư Đảng ủy xã Thanh Thịnh cho biết: “Từ hiệu quả “dân vận khéo” ở các thôn 4, 1B, 1A, Đảng ủy xã đã chỉ đạo khối dân vận nhân rộng ra các thôn khác để huy động nhân dân làm đường nội đồng ưu tiên cho sản xuất. Với phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, nhiều hạng mục đã và đang hoàn chỉnh để đưa vào phục vụ dân sinh. Sự nỗ lực vươn lên thoát nghèo, cũng như phấn đấu đổi thay thông qua thực hiện chương trình xây dựng NTM của Đảng bộ, nhân dân xã Thanh Thịnh đang được “tiếp sức” bởi UBND tỉnh đã có chủ trương và đang khảo sát để đầu tư nâng cấp đập Bài Bằng trị giá khoảng 15 tỷ đồng. Công trình này không chỉ giúp xã ổn định nguồn nước phát triển nông nghiệp mà còn có thêm 1 km đường nhựa đi qua một số xóm. Cho nên, Đảng bộ xã Thanh Thịnh cần tiếp tục phát huy bài học về hiệu quả từ công tác “dân vận khéo” để công trình sớm hoàn thành”.
Đạm Phương