Đánh bom ở trung tâm Bangkok (Thái Lan): Bắt nguồn từ xung đột trong nội bộ Thái Lan

19/08/2015 09:01

(Baonghean) - Tối ngày 17/8, một vụ đánh bom bên ngoài đền Erawan, thủ đô Bangkok (Thái Lan) đã làm ít nhất 20 người thiệt mạng và hàng chục người khác bị thương. Chưa đầy 24 giờ sau, trưa ngày 18/8, một vụ đánh bom khác lại xảy ra gần cầu Sathorn, thủ đô Bangkok. Sự kiện này không chỉ gây chấn động trong nước mà còn thu hút sự chú ý của khu vực và thế giới. Phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Thiếu tướng Lê Văn Cương, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược Bộ Công an về vấn đề này.

Hiện trường vụ đánh bom tại Thái Lan ngày 17/8. Nguồn internet
Hiện trường vụ đánh bom tại Thái Lan ngày 17/8. Nguồn internet

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, hai vụ đánh bom vừa xảy ra tại Bangkok khiến cả thế giới chú ý bởi mức độ nghiêm trọng chưa từng có trước đây ở Thái Lan. Thiếu tướng có nhận định như thế nào về kẻ chủ mưu đứng sau vụ đánh bom và mục đích của chúng?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Đây là vụ đánh bom lớn nhất trong vòng nhiều thập niên qua ở Thái Lan nói riêng và các nước ASEAN nói chung. Sự kiện này đặc biệt gây chấn động bởi Thái Lan có thể xem như là thánh địa, là trung tâm của ASEAN. Hiện Liên Hợp quốc và chính quyền sở tại vẫn chưa đưa ra kết luận cuối cùng về sự kiện này.

Xét trên phương diện chính trị học, pháp luật học, tôi cho rằng đây là một vụ đánh bom khủng bố. Theo tôi, có ba nhóm đối tượng có thể đưa vào diện điều tra, thứ nhất là các tổ chức khủng bố như al-Qaeda hay IS; thứ hai là các đối tượng đòi ly khai và gây ra các cuộc xung đột đẫm máu ở 4 tỉnh miền Nam Thái Lan trong thập niên vừa rồi; thứ ba là các thế lực đối lập chính trị ở Thái Lan, xuất phát từ mâu thuẫn chính trị nội bộ, tranh giành quyền lực. Cá nhân tôi cho rằng tác giả của vụ đánh bom sẽ nằm trong số những đối tượng đó, dựa trên những mục đích về kinh tế, về chính trị và ngoại giao.

Đến thời điểm này, Thủ tướng Thái Lan cho rằng vụ đánh bom này không giống với các vụ đánh bom mà lực lượng đối lập gây ra ở 4 tỉnh miền Nam Thái Lan, ngụ ý rằng chính phủ Thái Lan không đổ lỗi cho các lực lượng này. Tuy nhiên, để có kết luận xác thực, các cơ quan an ninh, cảnh sát Thái Lan sẽ phải tiếp tục điều tra để đưa ra ánh sáng kẻ chủ mưu và làm rõ mục đích tấn công. Đó không chỉ là trách nhiệm với 70 triệu người Thái Lan, mà với cả cộng đồng các nước ASEAN và cộng đồng thế giới.

Phóng viên: Theo Thiếu tướng, các vụ đánh bom để lại hậu quả như thế nào đối với Thái Lan?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Các vụ đánh bom vừa qua đã để lại hậu quả hết sức nặng nề cho chính quyền và nhân dân Thái Lan trên mọi phương diện. Về mặt kinh tế, Thái Lan là điểm đến du lịch hấp dẫn cho nhiều du khách, ngành du lịch đóng góp khoảng 10% GDP trong nền kinh tế Thái Lan. Cả hai vụ đánh bom đều xảy ra ở những điểm tập trung số lượng lớn khách du lịch nên chắc chắn, sau chuỗi sự kiện này, Thái Lan không còn là điểm đến an toàn đối với khách nước ngoài nữa và lượng khách du lịch đến quốc gia này sẽ giảm. Điều này chắc chắn sẽ tác động đến thu nhập và đời sống của hàng chục triệu người dân Thái Lan sống nhờ vào hoạt động du lịch, kéo theo ảnh hưởng đến nền kinh tế chung.

Thứ hai, về mặt chính trị - ngoại giao, vụ đánh bom xảy ra giữa trung tâm Thủ đô Bangkok e rằng sẽ khiến cho vai trò, vị trí, uy tín của Thái Lan trong ASEAN và cộng đồng quốc tế bị suy giảm.

Do vậy, có thể nói, các cuộc đánh bom ở Bangkok vừa rồi đã tác động mạnh đến Thái Lan trên tất cả mọi lĩnh vực, từ kinh tế, chính trị - an ninh đến ngoại giao.

Phóng viên: Theo Thiếu tướng, chính quyền Thái Lan cần có những giải pháp gì trong thời gian tới để ngăn những vụ việc tương tự xảy ra?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Từ năm 2000 cho đến nay, nội bộ chính trường Thái Lan thường xuyên diễn ra các cuộc đấu tranh quyết liệt dẫn đến xung đột, thậm chí là đổ máu. Bên cạnh các mâu thuẫn chính trị, trong lòng xã hội Thái Lan cũng có những xung đột về sắc tộc, đặc biệt là tôn giáo. Từ vụ khủng bố này, tôi cho rằng, người đứng đầu chính quyền nước này nếu muốn hàn gắn những vết nứt đó và củng cố toàn diện xã hội Thái Lan thì phải xây dựng, điều chỉnh và bổ sung một chính sách tích cực về kinh tế, an sinh xã hội, đối ngoại. Chỉ có đảm bảo lợi ích hài hòa giữa các nhóm phe phái chính trị trong nước, đảm bảo lợi ích chính đáng của các giai tầng trong xã hội mới có thể giải quyết tận gốc rễ những vấn đề đang chia cắt xã hội Thái Lan. Đây là vấn đề cơ bản, quan trọng bậc nhất để quốc gia này ổn định phát triển, trở thành trụ cột vững chắc của ASEAN.

Phóng viên: Thưa Thiếu tướng, từ vụ đánh bom này, có thể rút ra bài học gì và đặt ra thách thức gì cho cộng đồng các nước ASEAN?

Thiếu tướng Lê Văn Cương: Chỉ còn 3 tháng nữa, Hội nghị thượng đỉnh các nước ASEAN sẽ quyết định việc hình thành cộng đồng ASEAN. Sự kiện đánh bom vừa qua là hồi chuông báo động không chỉ với chính quyền Thái Lan mà còn đối với cả cộng đồng ASEAN.

Thứ nhất, các nước ASEAN phải có một tiếng nói chung và quan điểm thống nhất trong nhận thức về những mối nguy hiểm từ chủ nghĩa khủng bố, từ đó có quyết tâm chung trong lĩnh vực an ninh phi truyền thống, cụ thể là tăng cường hợp tác chống khủng bố. Sự nhất quán trong nhận thức và đường lối hoạt động của khối ASEAN sẽ phải thể hiện ở mức độ gắn kết cao hơn, trong các vấn đề chung đặt ra cho khu vực, đơn cử như vấn đề biển Đông.

Thứ hai, ASEAN phải nâng cao hơn nữa vai trò của mình đối với thế giới. Một trong số những việc mà ASEAN có thể làm tốt là trở thành cầu nối gắn kết, hoà giải các thực thể có mâu thuẫn trên trường quốc tế, ngồi lại với nhau để bàn thảo và cùng giải quyết theo hướng hài hoà, có lợi cho tất cả. Trách nhiệm, yêu cầu đó lại càng trở nên cấp thiết hơn sau sự kiện đánh bom ở Thái Lan lần này.

Phóng viên: Cảm ơn Thiếu tướng về cuộc trò chuyện!

Phương Thảo

(Thực hiện)

Mới nhất
x
Đánh bom ở trung tâm Bangkok (Thái Lan): Bắt nguồn từ xung đột trong nội bộ Thái Lan
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO