Danh nhân - chiến sỹ cách mạng người Nghệ An sinh năm Nhâm Dần 1902
(Baonghean.vn) - Đặng Thai Mai, Lê Hồng Phong, Tôn Thị Quế và Nguyễn Thị Xân là những danh nhân - chiến sỹ cách mạng người Nghệ An sinh năm Nhâm Dần 1902.
Giáo sư, Nhà văn, Nhà nghiên cứu Văn học Đặng Thai Mai, sinh năm Nhâm Dần, ngày 25/12/1902, tại làng Lương Điền, nay thuộc xã Thanh Xuân, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An; thân sinh là Phó bảng Đặng Nguyên Cẩn, làm quan đến Đốc học các tỉnh Hà Tĩnh, Bình Thuận, Nghệ An, là một sĩ phu yêu nước trong phong trào Duy Tân của Phan Bội Châu...
Quá trình hoạt động cách mạng, Đặng Thai Mai được Đảng và Nhà nước ta cử giữ các chức vụ quan trọng: Bộ trưởng Bộ Giáo dục; Chủ tịch UBKCHC Thanh Hóa; liên tục là đại biểu Quốc hội; Chủ tịch Hội Liên hiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam; Viện trưởng Viện Văn học.
Đặng Thai Mai đã để lại các công trình, tác phẩm đồ sộ. Đảng và Nhà nước ta đã ghi nhận công lao và trao tặng cho ông các phần thưởng cao quý: Huân chương Hồ Chí Minh đợt đầu; Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật năm 1996...
Lê Hồng Phong, còn có tên là Lê Huy Doãn, bí danh là Trí Bình, quê làng Thông Lãng, tổng Phù Long, nay là xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên. Thân sinh là ông Lê Huy Quán...
Từ hoạt động yêu nước, năm 1924, ông cùng Phạm Hồng Thái được đưa sang Quảng Châu, gặp Hồ Tùng Mậu, Lê Hồng Sơn và gia nhập tổ chức Tâm Tâm xã. Cuối năm 1924, ông được Nguyễn Ái Quốc huấn luyện về chủ nghĩa Mác - Lê nin và các kinh nghiệm hoạt động Quốc tế; được kết nạp vào Việt Nam Thanh niên Cách mạng đồng chí Hội...
Tại Đại hội Quốc tế Cộng sản lần thứ VII (7/1935), ông được bầu làm Ủy viên dự khuyết BCH Quốc tế Cộng sản. Năm 1946, Lê Hồng Phong được cử về nước hoạt động với danh nghĩa là đại diện của Quốc tế Cộng sản bên cạnh Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương.
Năm 1938, ông bị thực dân Pháp bắt ở Sài Gòn và bị kết án 10 tháng tù. Hết hạn tù, đồng chí bị đưa về quê quản thúc (1939), chưa kịp liên lạc với Đảng thì bị bắt lại, giam ở Khám lớn Sài Gòn, rồi đày ra Côn Đảo. Đồng chí bị bọn cai ngục đánh đập, tra khảo dã man đến phát bệnh nặng và mất vào ngày 6/9/1942 tại Nhà tù Côn Đảo.
Bà khi nhỏ tên là Tôn Thị Em, sinh ngày 10/8/1902 tại xã Võ Liệt, huyện Thanh Chương, khi lấy chồng được gọi theo tên chồng là Nho Định. Thân sinh bà là thầy đồ Tôn Thúc Đích (1875-1929). Danh nhân cách mạng nổi tiếng Tôn Quang Phiệt là anh trai của bà. Năm 1926 Tôn Thị Quế bắt được liên lạc với Nguyễn Thị Minh Khai ở Vinh. Bà đóng giả người buôn bán để hoạt động, cung cấp kinh phí cho Đông Dương cộng sản Đảng của Tổng bộ Thanh Chương.
Trong cuộc biểu tình của 3.000 nông dân Hạnh Lâm đốt phá san bằng Đồn điền Ký Viện; rồi của hơn 100 học sinh Trường Pháp - Việt Thanh Chương, bà đi hết các làng xã trong huyện để tuyên truyền vận động thành lập Hội Phụ nữ giải phóng và Nông hội Đỏ. Bà hoạt động sôi nổi và có đóng góp tích cực trong cao trào Xô Viết Nghệ Tĩnh 1930 - 1931 và đến năm 1945 cùng các đồng chí của mình tham gia Tổng khởi nghĩa cướp chính quyền ở địa phương.
Sau Cách mạng Tháng Tám thành công, Tôn Thị Quế tiếp tục hoạt động công tác Phụ vận. Đến ngày 6/1/1946, bà được bầu là Đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa và tiếp tục là Đại biểu Quốc hội khóa II. Bà được điều ra làm Ủy viên BCHTW Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, rồi sang làm Phó Vụ trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao. Bà được Đảng và Nhà nước trao nhiều phần thưởng cao quý như Huân chương Sao vàng, Huân chương Hồ Chí Minh...
Bà còn có bí danh là Trúc, Chính, sinh năm Nhâm Dần (1902) tại làng Kỳ Trân, tổng Thượng Xá, nay thuộc X. Nghi Trường, H. Nghi Lộc. Bà sinh ra trong một gia đình nhà Nho yêu nước. Ông nội là Cử nhân Nguyễn Năng Tĩnh (1795-1876), làm quan đến Ngự sử, xin nghỉ, về nhà mở trường dạy học. Thân sinh là Tú tài Nguyễn Năng Cảnh, một nhà Nho khẳng khái, bất hợp tác với giặc, bạn học cùng Giải nguyên Phan Bội Châu.
Hội Phục Việt được thành lập ở Vinh - Bến Thủy (14/7/1925), Nguyễn Thị Xân cùng em gái là Nguyễn Thị Thiu được Nguyễn Thị Minh Khai và các yếu nhân của Đảng dìu dắt cho gia nhập vào tổ chức để hoạt động cách mạng (tháng 3/1928); 3 lần bị địch bắt, tra tấn dã man nhưng vẫn giữ ý chí đấu tranh cách mạng.
Bà đã trải qua nhiều trọng trách của Đảng: Ủy viên BCH Phụ nữ Trung bộ, kiêm Bí thư Đảng Đoàn Phụ nữ tỉnh Nghệ An, Hội trưởng Hội LHPN Việt Nam. Bà đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng Nhất; Huân chương Chống Mỹ cứu nước hạng Nhất; Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng và nhiều phần thưởng cao quý khác. Bà mất năm 1992 tại Hà Nội.