Cử tri bày tỏ ý kiến phần trả lời chất vấn về bạo lực học đường

Công Kiên 06/07/2023 18:05

(Baonghean.vn) - Chiều 6/7, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Thái Văn Thành đã trả lời ý kiến chất vấn của các đại biểu HĐND tỉnh về vấn đề bạo lực học đường. Nội dung này được nhiều cử tri quan tâm và bày tỏ ý kiến.

Sau đây là ý kiến của một số cử tri do phóng viên Báo Nghệ An ghi nhận:

Ông Phan Thái Dương - cử tri thị trấn Hưng Nguyên (Hưng Nguyên):

“Qua theo dõi phần trả lời chất vấn của ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo được truyền hình trực tiếp trên NTV, tôi nhận thấy tình trạng bạo lực học đường đã thực sự đến mức báo động. Từ báo cáo sơ bộ cho thấy, bạo lực học đường đang có xu hướng gia tăng và diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường.

Tôi cơ bản đồng ý với những giải pháp ông Thái Văn Thành đưa ra nhằm từng bước hạn chế bạo lực học đường. Tuy nhiên, có thể do giới hạn về mặt thời gian nên các giải pháp ông Thành đưa ra còn chung chung, chưa thực sự cụ thể, rõ ràng để cử tri nói chung, các thầy, cô giáo và phụ huynh nói riêng nắm bắt một cách chi tiết.

bna_1 ý kiến.jpg
Ông Phan Thái Dương. Ảnh: Công Kiên

Theo tôi, để ngăn chặn bạo lực học đường, cùng với nhà trường và xã hội, gia đình giữ vai trò quan trọng nhất. Sự gia tăng của bạo lực học đường cơ bản bắt nguồn từ những trò chơi bạo lực trên không gian mạng, được lan truyền trên mạng xã hội. Vì thế, các bậc làm cha, làm mẹ phải kiểm soát chặt chẽ con cái, giám sát các hoạt động của con trên không gian mạng để ngăn ngừa kịp thời.

Nói tóm lại, bạo lực học đường diễn ra khắp nơi, có cả ngoài không gian trường học, nguyên nhân sâu xa bắt nguồn từ sự giáo dục của gia đình. Vì thế, thực hiện các giải pháp ngăn chặn cần phát huy tối đa vai trò của gia đình. Và khi xây dựng hệ thống giải pháp, ngành Giáo dục và Đào tạo cần lưu tâm vấn đề này”.

Anh Nguyễn Minh Hải - cử tri phường Bến Thủy (thành phố Vinh):

“Bạo lực học đường đang trở thành một vấn nạn nghiêm trọng làm ảnh hưởng đến sức khỏe và tinh thần, kết quả học tập của học sinh. Đặc biệt, vấn đề không chỉ tồn tại với hành vi bạo lực thông thường mà còn dẫn đến việc xúc phạm nhân phẩm, cô lập, trù dập trên không gian mạng.

Với những giải trình của ông Thái Văn Thành – - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo ta có thể thấy ngành Giáo dục tỉnh nhà cũng đã nắm bắt tình hình, đánh giá đúng thực trạng cũng như có nhiều giải pháp cho vấn đề này. Tuy nhiên, đây là vấn đề mà đòi hỏi sự vào cuộc của nhiều ban, ngành cùng sự đồng lòng của các bậc phụ huynh mới giải quyết được.

bna_3 ý kiến.jpg
Anh Nguyễn Minh Hải. Ảnh: Công Kiên

Bên cạnh những biện pháp tuyên truyền, giáo dục, kết hợp với hội cha mẹ học sinh, hội giáo chức... để giáo dục hành vi chuẩn mực cho học sinh, thiết nghĩ, Sở Giáo dục và Đào tạo nên phối hợp với cơ quan an ninh tổ chức tuyên truyền về những mức phạt, mức án mà hành vi bạo lực học đường có thể phải đối mặt, với các ví dụ cụ thể đã xảy ra trong các năm qua.

Vì với lứa tuổi học sinh, nhiều khi đó chỉ là hành vi thỏa mãn về suy nghĩ của cá nhân nhất thời, chưa ý thức được hành vi vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, cần phải đẩy mạnh phối hợp với gia đình để kiểm soát việc sử dụng mạng xã hội của con cái, lắng nghe và chia sẻ kịp thời với những tâm tư, suy nghĩ, không để vấn đề đi quá xa dẫn đến những hậu quả đáng tiếc…”.

Anh Phạm Văn Tiến -cử tri xã Thanh Lâm (Thanh Chương):

“Từ thực tế cuộc sống diễn ra xung quanh cũng như theo dõi báo, đài, tôi thực sự quan tâm đến vấn đề bạo lực học đường. Theo dõi phần trả lời chất vấn của ông Thái Văn Thành - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo, tôi thấy phần thực trạng, phân tích nguyên nhân và các giải pháp hạn chế, ngăn ngừa bạo lực học đường là sát với thực tế hiện nay.

bna_2 ý kiến.jpg
Anh Phạm Văn Tiến. Ảnh: Công Kiên

Qua đó, thể hiện tinh thần trách nhiệm của ngành Giáo dục đối với vấn nạn bạo lực học đường. Ông Thành đã xác định được vai trò của ngành mình, đồng thời, nêu lên trách nhiệm của gia đình cũng như cộng đồng xã hội, bởi vì bạo lực học đường bắt nguồn từ nguyên nhân và nhiều khi xảy ra ngoài không gian trường học.

Điều này hoàn toàn hợp lý, bởi các thầy, cô giáo ở trường không thể kiểm soát hết tất cả các hành vi cũng như suy nghĩ của học sinh, nhất là khi các em không còn trên lớp học. Để giáo dục nhân cách và tình yêu thương cho học sinh, cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Nhấn mạnh điều này, đại biểu Thái Văn Thành đã lý giải một cách ngắn gọn, súc tích và có trọng tâm”.

Mới nhất

x
Cử tri bày tỏ ý kiến phần trả lời chất vấn về bạo lực học đường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO