Danh sách ứng cử đại biểu: Tránh tạo cảm giác "quân xanh"

23/09/2014 22:26

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nên lồng ghép bình đẳng giới vào nguyên tắc lập danh sách ứng cử viên.

Thảo luận về dự án Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân chiều 23/9, nhiều ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu thêm về quy định Hội đồng bầu cử quốc gia, nguyên tắc lập danh sách ứng cử, vận động bầu cử, trong đó cần quan tâm đến yếu tố bình đẳng giới.

Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các nữ đại biểu Quốc hội. Ảnh:VNN
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân và các nữ đại biểu Quốc hội. Ảnh:VNN

Nên có điều quy định về tỉ lệ giới trong bầu cử?

Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị cần quan tâm đến điều này nếu không có người sẽ rơi vào yếu thế, đừng để những người khi bước vào bầu cử đã nghĩ mình là "quân xanh”.

Dẫn số liệu tỉ lệ nữ giảm dần trong 3 kỳ bầu cử gần đây, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đề nghị nên lồng ghép bình đẳng giới vào nguyên tắc lập danh sách ứng cử viên để đảm bảo yêu cầu.

Cho rằng thực tế ở nước ta chưa cần luật riêng về tỉ lệ giới trong bầu cử nhưng Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng cần một điều quy định về vấn đề này, ví dụ mỗi giới không cao hơn 65% hoặc 70% hay không được thấp hơn 30% hoặc 35%. Nếu không quy định cứng trong luật thì tỉ lệ nữ có thể sẽ tiếp tục giảm trong những lần bầu cử tiếp theo.

Dự buổi làm việc của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và phát biểu về nội dung này, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan bày tỏ: “Phải xử lý chứ nếu không tỉ lệ nữ không bao giờ đạt như yêu cầu”. Phó Chủ tịch nước cũng đề nghị xem xét lại nguyên tắc xác định người trúng cử. Dự thảo quy định: "Trong trường hợp nhiều người được số phiếu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử". Điều này chưa phù hợp vì người có nhiều sáng tạo, trẻ tuổi mà có tài, người có nhiều đóng góp chưa chắc là người nhiều tuổi.

Nhiều ý kiến cũng tán thành cần quy định cụ thể hơn về việc tuyên truyền, vận động bầu cử để bảo đảm có sự thống nhất trong thực hiện, vừa có thể linh hoạt, tạo điều kiện cho người ứng cử sử dụng được một cách tốt nhất các cơ hội giới thiệu về bản thân, song vẫn cần chặt chẽ để bảo đảm tính công bằng, dân chủ, khách quan trong quá trình bầu cử.

Hồ sơ ứng cử không cần Phiếu lý lịch tư pháp

Các ý kiến trong Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng tình với cơ quan thẩm tra về việc không bổ sung thêm vào hồ sơ ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân 2 loại giấy tờ là Giấy khám sức khỏe của tổ chức y tế có thẩm quyền và Phiếu lý lịch tư pháp đối với người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh và cấp huyện.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Phan Trung Lý, việc bổ sung giấy khám sức khỏe, phiếu lý lịch tư pháp sẽ gây tốn kém về kinh phí, lãng phí thời gian, công sức của người ứng cử cũng như của các cơ quan, tổ chức có liên quan trong việc hoàn thiện các giấy tờ này. Việc phân biệt chỉ người ứng cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh, cấp huyện mới cần có Phiếu lý lịch tư pháp trong khi người ứng cử đại biểu Hội đồng nhân dân cấp xã lại không cần là không hợp lý, không bảo đảm tính công bằng.

Mặt khác, trong đơn ứng cử, lý lịch của người ứng cử đã có mục để người ứng cử tự nêu rõ về tình trạng sức khỏe, lịch sử bản thân và phải tự chịu trách nhiệm về lời khai của mình.

Băn khoăn quy định về Hội đồng bầu cử quốc gia

Hội đồng bầu cử quốc gia là một thiết chế hiến định, với những chức năng đã được xác định rõ là tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội và chỉ đạo, hướng dẫn công tác bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp; Chủ tịch Hội đồng do Quốc hội bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm, các thành viên khác do Quốc hội phê chuẩn.

Nhiều ý kiến đề nghị dự thảo Luật cần được tiếp tục rà soát, làm rõ thêm để bảo đảm các quy định của Luật về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể, cơ cấu tổ chức của Hội đồng này phù hợp với nội dung và tinh thần của Hiến pháp.

Cụ thể là nội hàm của việc tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội, trách nhiệm của Hội đồng này đến đâu trong quá trình chuẩn bị và tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội; vai trò của Hội đồng bầu cử quốc gia trong chỉ đạo, hướng dẫn bầu cử đại biểu Hội đồng nhân dân; mối quan hệ giữa Hội đồng bầu cử quốc gia với chính quyền địa phương, các tổ chức phụ trách bầu cử ở địa phương cũng như với các cơ quan, tổ chức khác tham gia vào quy trình bầu cử....

Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội Trương Thị Mai đề nghị quy định rõ thẩm quyền của Hội đồng vì các Luật liên quan chưa đề cập. Còn Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền nhấn mạnh: Luật này có nhiệm vụ cụ thể hóa quy định của Hiến pháp, tuy nhiên, dự thảo chưa làm nổi bật được về chỉ đạo hướng dẫn, cơ cấu tổ chức, nhiệm vụ quyền hạn... Có ý kiến cho rằng vì đây là vấn đề lớn và mới nên cần bàn thêm, trong đó có thành phần Hội đồng.

Theo VOV

Danh sách ứng cử đại biểu: Tránh tạo cảm giác "quân xanh"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO