Dành sự quan tâm cho các VĐV nhí
(Baonghean) - Nghệ An có 2 trung tâm đào tạo VĐV thành tích cao là Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT và CLB SLNA. Cả 2 đơn vị này có nhiều lứa VĐV năng khiếu, trong đó có không ít VĐV thiếu nhi, tạo nguồn kế cận cho các lứa VĐV thành tích cao trong tương lai. Để các VĐV năng khiếu đó trở thành những tài năng thể thao, ngoài chế độ tập luyện, các đơn vị cũng rất quan tâm quản lý, giáo dục, tạo ra những sinh hoạt văn hóa tinh thần lành mạnh cho các VĐV.
Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT Nghệ An hiện đang quản lý 292 VĐV thành tích cao. Trong số này, có 89 VĐV ở độ tuổi thiếu niên, nhi đồng, 3/4 trong số này đang sinh hoạt tập trung tại trung tâm. Để theo đuổi sự nghiệp thể thao, nhiều VĐV ở các huyện đã phải xa gia đình, sống tự lập tại trung tâm từ lúc 9 -10 tuổi. Anh Nguyễn Văn Huệ - Trưởng phòng đào tạo, kiêm HLV môn Wushu cho biết: “Trung tâm không chỉ là nơi rèn luyện tài năng mà còn là ngôi nhà, gia đình lớn của các em - nơi các em ăn ở, luyện tập, vui chơi”. VĐV cờ vua La Thị Thu Trang ở xã Hữu Kiệm (Kỳ Sơn), vào trung tâm từ tháng 8/2013 khi mới hơn 9 tuổi, do nhà ở xa nên mỗi tháng em mới về một lần. Trang tâm sự: “Ban đầu, phải sống xa gia đình, em rất bỡ ngỡ và nhớ bố mẹ. Nhưng sau vài tháng, em thấy việc sinh hoạt, tập luyện rất thoải mái. Các thầy, các anh chị và các bạn ở đây đều thân thiện, nhiệt tình nên em không còn thấy nhớ nhà nhiều như trước”.
Các VĐV thiếu nhi thi đấu môn đá cầu tại Đại hội TDTT tỉnh. |
Các VĐV thiếu nhi, đặc biệt là các VĐV sống xa gia đình, nhận thức còn non nớt, môi trường hoạt động rộng do thường xuyên tham gia các giải đấu, các chuyến tập huấn nên dễ bị ảnh hưởng lẫn nhau, nếu nhận thức kém hoặc không có bản lĩnh rất dễ bị sa ngã. Để tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống cho các VĐV thiếu nhi, trung tâm đã thành lập phòng quản lý VĐV để quản lý việc ăn ở, sinh hoạt, luyện tập của VĐV; các cán bộ của phòng cũng quan tâm hơn đến các VĐV nhỏ tuổi, thường xuyên động viên, nhắc nhở, uốn nắn các em trong sinh hoạt cũng như trong tập luyện. Bên cạnh đó, hàng tháng, trung tâm tổ chức các buổi sinh hoạt văn hoá, kiểm điểm nghiêm túc các VĐV vi phạm trong sinh hoạt cũng như tập luyện. Nhờ đó, trong những năm qua, không có VĐV nào ở lứa tuổi thiếu nhi vi phạm kỷ luật phải trả về địa phương; các VĐV học sinh đều đạt hạnh kiểm tốt.
Bên cạnh việc quản lý, giáo dục VĐV, Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT cũng chú ý đến các sinh hoạt văn hóa, tinh thần của các em. Vào các dịp như Ngày Quốc tế Thiếu nhi, Trung thu, Tết Nguyên đán, trung tâm đều tổ chức các buổi gặp mặt, liên hoan để tạo không khí vui tươi, phấn khởi cho các VĐV sau những ngày luyện tập, thi đấu căng thẳng. Vào dịp Tết Thiếu thi (1/6) hàng năm, các VĐV thiếu nhi được tham gia liên hoan chung với con em cán bộ, công nhân viên của trung tâm. Ngoài bánh kẹo, các tiết mục văn nghệ, một phần thi được các VĐV nhí rất hào hứng tham gia và cổ vũ, tạo nên những trận cười sảng khoái, đó là thể hiện “tài năng” ở những môn không phải sở trường, như VĐV bi sắt biểu diễn cầu mây, bơi lội biểu diễn đá cầu, cờ vua biểu diễn võ thuật… Ngoài ra, các VĐV thiếu nhi đạt thành tích tốt trong học tập và trong thi đấu được trao thưởng. Năm học 2013 – 2014, có hơn 50 VĐV thiếu nhi của trung tâm đạt học sinh tiên tiến trở lên, trong đó có 9 em đạt học sinh giỏi. Ngoài ra, có không ít VĐV ở lứa tuổi thiếu nhi đạt thành tích cao ở các giải đấu dành cho lứa tuổi trẻ (dưới 18 tuổi). Tiêu biểu như Võ Xuân Hải (SN 2000) giành HCV tại Giải vô địch thiếu niên boxing toàn quốc năm 2013; Trần Thị Diễm Quỳnh (2001), Nguyễn Thị Hà Phương (SN 2006) giành HCV tại Giải cờ vua các nhóm tuổi trẻ miền Trung năm 2014; Lương Thị Giang (SN 1999) giành HCĐ Giải lặn vô địch các lứa tuổi trẻ năm 2014, Nguyễn Thị Thúy (SN 1999) – HCĐ bi sắt tại Đại hội TDTT tỉnh lần thứ VII…
Một đơn vị thể thao khác cũng đang quản lý một số lượng lớn các VĐV thiếu nhi, đó là CLB SLNA. CLB hiện có 99 cầu thủ trong độ tuổi thiếu niên, nhi đồng ở 3 lứa tuổi U11, U13 và U15 (SN 1999 – 2003). Cũng như các VĐV ở Trung tâm Đào tạo và Huấn luyện TDTT, hầu hết các cầu thủ nhí đều phải sống xa nhà, sinh hoạt tập trung tại CLB. Để quản lý tốt các VĐV nhí, CLB đã tăng cường đội ngũ quản sinh, thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở việc ăn, ở, học văn hóa của cầu thủ; phát động phong trào thi đua học tập, rèn luyện giữa các lớp U. Trong những năm gần đây, số cầu thủ thiếu nhi là học sinh tiên tiến trở lên đều tăng. Năm học 2013 – 2014 có 61/99 em đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, trong đó có 3 em là học sinh giỏi toàn diện. Cầu thủ Trần Quốc Thành (SN 2001) đến từ huyện Tân Kỳ tâm sự: “Những ngày đầu vào CLB, em và rất nhiều bạn đã khóc vì nhớ nhà. Nhiều bạn đang đùa nghịch, nhưng mỗi khi nhận được điện thoại của bố mẹ, lại trốn đi nơi khác, vừa nói chuyện vừa khóc. Nhưng được các thầy động viên, giúp đỡ trong sinh hoạt và tập luyện, chúng em ngày càng gắn bó với nhau và đều tích cực tập bóng cũng như cố gắng trong học tập. Dịp Quốc tế Thiếu nhi năm ngoái, chúng em được các bác, các chú, các thầy tổ chức nhiều hoạt động rất vui như hái hoa dân chủ, thi tâng bóng theo nhạc, thi hát karaoke..”.
Hy vọng rằng trong thời gian tới, các đơn vị thể thao thành tích cao sẽ tiếp tục quan tâm, chăm lo hơn nữa đến các VĐV thiếu nhi, có thêm nhiều sinh hoạt văn hóa, tinh thần đa dạng, phong phú để tạo nên không khi vui tươi, phấn khởi cho các VĐV, giúp các em hưng phấn hơn trong tập luyện và thi đấu để đem về nhiều vinh quang cho thể thao tỉnh nhà.
Bài, ảnh: Minh Quân