Dành tâm huyết cho quê hương...
(Baonghean) - Nhân kỷ niệm 60 Ngày Thầy thuốc Việt Nam, phóng viên Báo Nghệ An có cuộc trò chuyện với Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Trung Chính, cố vấn cao cấp của Bệnh viện Ung bướu Nghệ An.
![]() |
PGS, TS Nguyễn Trung Chính (giữa) thăm hỏi bệnh nhân. |
- Thưa Phó Giáo sư Nguyễn Trung Chính, được biết Phó Giáo sư hiện là một trong những nhà khoa học hàng đầu của cả nước về lĩnh vực ung thư; đặc biệt, khi đang là một nhà khoa học danh tiếng, Chủ nhiệm Khoa Ung bướu của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, nhưng Phó Giáo sự đã quyết định về với Nghệ An – mà như nhiều người đánh giá là “vùng trũng y học”. Phải chăng đó là mong muốn quay về nguồn cội, trả nghĩa quê hương?
- Tôi sinh năm 1953 ở TP. Vinh, lớn lên thi đậu Đại học Bách khoa nhưng tình nguyện nhập ngũ. Là người lính từng chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên trước giải phóng miền Nam, không biết bao nhiêu lần tôi chứng kiến đồng đội mình quằn quại trong đau đớn và chính tôi cũng đã đau đớn vì những vết thương. Chữa lành những vết thương chiến tranh đó là động lực, quyết tâm, sự đồng cảm để thúc giục tôi đến với nghề y. Năm 1976, tôi theo học Đại học Quân y và đến tháng 10/1982 thì ra trường. Hoạt động nghề Y của tôi bước sang trang mới – lĩnh vực ung thư khi được Bộ Quốc phòng phân công làm việc tại Khoa Huyết học Bệnh viện 7, Quân khu 3. Từ năm 1983 - 1987, tôi được cử đi học chuyên khoa sơ bộ huyết học truyền máu 2, chuyên khoa 1 tại Đại học Y Hà Nội. Vừa học vừa làm, tháng 12/1994, tôi bảo vệ thành công luận án tiến sỹ và cũng là người đầu tiên ở Việt Nam thực hiện đề tài truyền máu tự thân mà ứng dụng rất tốt.... Tôi luôn day dứt về miền quê chôn rau, cắt rốn của mình - Nghệ An nói riêng và miền Trung nói chung chưa dịu đi vết thương chiến tranh lại bộc phát nỗi lo dịch bệnh hoành hành, đặc biệt là bệnh unng thư. Nơi đây, số bệnh nhân mắc ung thư là rất đông do hậu quả chất độc hóa học màu da cam để lại. Điều đó thôi thúc tôi quyết tâm làm một việc gì có ý nghĩa cho quê hương mình.
Tháng 9/2007, tôi có dịp làm việc với Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An lúc đó là ông Nguyễn Thế Trung. Tôi đề đạt thành lập Bệnh viện Ung bướu ngay tại quê hương Nghệ An để giúp những bệnh nhân ung thư do di chứng chiến tranh để lại. Với sự quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, đặc biệt là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Phan Đình Trạc (nay là Phó Trưởng ban Thường trực Ban Nội chính Trung ương), sự vận động của cá nhân, ý tưởng này đã được chấp thuận và rồi thành hiện thực. Đến tháng 8/2011, Bệnh viện Ung bướu Nghệ An được ra đời, tôi đã xin Bộ Quốc phòng về làm chuyên gia, cố vấn cao cấp tại bệnh viện. Hàng tuần, tôi bay ra, bay vào Hà Nội - Vinh và ngược lại để hoàn thành công tác tại 2 đơn vị. Đến năm 2013, tôi được nghỉ hưu theo chế độ, đã có điều kiện toàn tâm toàn ý phục vụ quê hương.
- Phó Giáo sư có thể cho biết về những cống hiến quan trọng của mình đối với nền y học nước nhà và nhân dân Nghệ An?
- Trong suốt quá trình nghiên cứu, học tập, lao động, tôi tự đánh giá mình đã thực hiện thành công 2 nghiên cứu quan trọng, có tính ứng dụng cao và rộng rãi. Thứ nhất, đó là nghiên cứu ghép tủy xương (ghép tế bào gốc tạo máu tự thân) đối với bệnh U lympo ác tính. Hướng nghiên cứu này đã ghép tủy thành công trên 10 bệnh nhân U lympo ác tính không hodgkin tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 và Bệnh viện Ung bướu Nghệ An. Thứ hai, là nghiên cứu ghép tủy xương đối với bệnh nhân đa “u tủy”, chỉ ra phác đồ điều trị cụ thể cho bệnh nhân đa “u tủy”, đây là phác đồ điều kiện hóa trước ghép đối với bệnh đa “u tủy” và đã tiến hành ghép 2 ca đa “u tủy” thành công cho bệnh nhân…Ngoài ra, bản thân tôi còn có một số hướng nghiên cứu khác mang tính khoa học và thực tiễn cao như dị ghép tủy xương, thu thập máu cuống rốn, đánh giá kết quả điều trị bệnh U lympo ác tính không hodgkin bằng hóa chất chống ung thư.
Tại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, từ cuối năm 2013, chính thức triển khai kỹ thuật ghép tế bào gốc điều trị ung thư và đến nay đã có 7 bệnh nhân ung thư được chữa khỏi; vừa qua bệnh viện tổ chức lễ ra viện cho 2 bệnh nhân ghép tế bào gốc tạo máu tự thân điều trị ung thư vú đầu tiên tại Việt Nam. Những thành công này là thành công chung, nó rất có ý nghĩa khi được thực hiện ở Nghệ An - một tỉnh nghèo, các điều kiện khám, chữa bệnh còn hạn chế. Các ca ghép thành công đã mở ra triển vọng bệnh nhân được điều trị khỏi hoàn toàn ung thư. Sắp tới tôi và kíp ghép sẽ thực hiện ghép tế bào gốc điều trị ung thư cổ tử cung và ghép tế bào gốc điều trị ung thư phổi.
- Phó Giáo sư từng từ chối một vị trí “có tiền, có tiếng” để ở lại Bệnh viện Ung bướu Nghệ An, vậy Phó Giáo sư có thể trải lòng về điều đó? Nhà ở Hà Nội, công tác tại Nghệ An, Phó Giáo sư gặp khó khăn gì?
- Quá trình làm việc, tôi có giúp đỡ, hỗ trợ cho Trung tâm Ung bướu Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec xây dựng Trung tâm ghép tủy Vinmec. Đây là một trung tâm có máy móc cực kỳ hiện đại. Bệnh viện Đa khoa quốc tế Vinmec có mời tôi về làm giám đốc phụ trách trung tâm này, với mức lương 5.000 USD/tháng. Nhưng như đã nói, tôi về Nghệ An là để giúp quê hương, làm một người con hiếu nghĩa chứ không phải vì tiền, vì danh. Bệnh viện Ung bướu Nghệ An là đứa con tinh thần và ở đây luôn có được sự quan tâm đầu tư của Tỉnh ủy, UBND tỉnh nên tôi đã có đầy đủ điều kiện để phát huy tay nghề, tiếp tục những nghiên cứu của mình.
Về sinh hoạt hiện tại của tôi cũng không khác gì trước đây. Đầu tuần bay vào Vinh, cuối tuần lại bay ra Hà Nội. Người nghiên cứu khoa học thì chuyện ăn, ở cũng giản đơn: Ngày ăn cơm bình dân ngay trước cổng bệnh viện, tối ngủ ngay tại phòng làm việc ở bệnh viện. Tôi hoàn toàn thấy thoải mái trong công việc và sinh hoạt. Tôi có hứa với vợ và hai con của mình là về giúp quê hương 3 năm rồi ra Hà Nội nghỉ ngơi, dưỡng già. Nhưng e rằng, tôi lại thất hứa bởi quê hương còn nhiều bệnh nhân ung thư đang cần mình…
- Xin cảm ơn Phó Giáo sư về cuộc trò chuyện này, chúc Phó Giáo sư sức khỏe, ngày càng có thêm nhiều đóng góp quan trọng cho nền y học nước nhà và quê hương!
Thanh Sơn (Thực hiện)