(Baonghean) - Trang trại của chị Hà ở cách trung tâm xã trên 6 km, vùng đất cằn sỏi đá ngày nào bây giờ ngút ngàn màu xanh của rừng cây nguyên liệu keo lai. Bên bát nước chè xanh đặc quánh, chị Hà nhớ về quá khứ. Năm 1994 vợ chồng cưới nhau ra ở riêng với hai bàn tay trắng, anh đi làm thợ nề, chị chạy chợ làm đủ thứ nghề, nhưng đói nghèo vẫn bám riết quanh năm.
Năm 2006, vợ chồng chị Hà quyết tâm vào vùng đồi Cồn Sống để khai hoang lập nghiệp, ai cũng cho vợ chồng chị là “hâm”. Ngày đầu tiên vợ chồng vào “khai thiên phá thạch” thật ngán ngẩm, vùng đồi hoang vắng không dấu chân người, um tùm sim, mua là nơi trú ngụ của rắn rết, lợn lòi… Khó khăn, thách thức là vậy, nhưng đôi vợ chồng trẻ vẫn tràn đầy niềm tin “có sức người sỏi đá cũng thành cơm”. Vùng đồi chủ yếu đất sỏi gập ghềnh, mưa lớn tạo thành những rãnh “khe suối”, muốn trồng rừng làm trang trại thì phải san gạt bằng phẳng.
Chỉ với cây cuốc, thuổng và sức người, vợ chồng chị Hà làm quần quật cả ngày lẫn đêm. Qua hơn 2 năm vật lộn với bao vất vả nhọc nhằn, vợ chồng chị Hà đã “biến” những sườn đồi rậm rì những sim, mua, lau lách thành rừng keo, bãi màu. Chị vạch lộ trình và kế hoạch sản xuất rất cụ thể: Cải tạo vùng đất rộng gần 4 ha để trồng keo lai; vùng đất bằng, thấp hơn khai hoang để trồng màu, cây lương thực để phát triển trang trại; vùng đất gần với khe suối, cải tạo làm khu vực chăn nuôi. Thời gian đầu, để “lấy ngắn nuôi dài” chị trồng thêm các loại cây màu, chuối, chăn nuôi lợn… Số tiền vay mượn được cùng với các khoản vay của ngân hàng, người thân, chị Hà đầu tư trồng rừng nguyên liệu, chủ yếu là keo lai.
Thời gian đầu trồng keo lai rất vất vả, vùng đất sỏi xen lẫn đá ong, khiến bao cuốc thuổng phải cong vênh, sứt mẻ khi đào hố. Trồng cây đã khó, nhưng chăm cây còn vất vả hơn gấp bội, chị Hà phải xuống khe suối gánh nước tưới cho từng mầm xanh. Rồi đất cũng không phụ công người, qua năm tháng, rừng cây đã ngút ngàn màu xanh, chim về hội tụ reo ca. Tận dụng vùng đất keo lai che bóng mát, chị Hà đầu tư nuôi trên 300 con gà, gần 10 con lợn và 6 con trâu, bò. Năm 2010 chị bán lứa keo đầu tiên được trên 200 triệu đồng, cộng với tiền từ chăn nuôi tổng doanh thu đạt trên 300 triệu đồng/năm. Số tiền chưa phải là nhiều, nhưng với vùng đất chỉ toàn đá sỏi, bằng đôi tay ngày đêm “vỡ” đất, công sức chăm trồng khuya sớm, số tiền đó quả như mơ đối với vợ chồng chị Hà.
![]() |
Chị Phan Thị Hà ở xóm Tân Phúc, xã Tân Long (Tân Kỳ) chăm sóc rừng keo lai.
Khoản thu nhập đầu tiên từ trang trại, vợ chồng chị Hà tiếp tục tái đầu tư. Chị Hà tâm sự: Trước đây trồng keo lai nhưng chưa nắm chắc quy trình kỹ thuật, nên trồng mật độ rất thưa, chỉ trên 1000 gốc/ha. Sau khi mày mò nghiên cứu và được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn, chúng tôi trồng đúng quy trình trên 1.600 gốc/ha. Dư giả ít tiền từ trồng keo, chị Hà quyết định cải tạo ao hồ rộng hơn 2 ha để nuôi cá. Ao hồ này lâu nay hoang hóa, cỏ năn, lau lác bám dày mặt nước, vợ chồng chị lại tiếp tục cuộc “thủy chiến”, dùng cuốc chim để đào từng gốc cỏ năn, cỏ lác và cây bụi chằng chịt. Xử lý xong lớp cỏ dại và cây bụi, vợ chồng lại ngày đêm đắp đất gia cố bờ đập, đắp cao bờ chắn, đề phòng khi lũ lớn lướt qua.
Chị Hà dẫn tôi ra ao cá xuyên qua rừng keo hơn 3 tuổi mà thân cây đã mập mạp. Phía cuối khu rừng keo, mặt nước lấp lánh ánh bạc. Một hồ nước với đủ các loại cá trắm, cá rô, cá mè, cá chép. Ngày nào cũng đánh bắt tỉa, bán để có thêm thu nhập. Mỗi năm, ao cá này cho thu nhập trên 40 triệu đồng. Ánh mắt chị Hà tràn đầy niềm tin: Anh coi, lứa keo lai khoảng 3 - 4 năm nữa sẽ cho thu hoạch, bây giờ giao thông thuận tiện, đường nhựa được Nhà nước làm vào tận nơi. Nhà máy sản xuất gỗ ván ép ở Nghĩa Đàn sắp hoàn thành, keo lai sẽ không lo ế. Dự tính, riêng keo lai sẽ cho thu nhập khoảng 70 triệu đồng/ha, cộng với các nguồn thu từ nuôi lợn, trâu, bò và cá, thì tổng thu nhập khoảng 400 triệu đồng/năm.
Sau hành trình tham quan “khu du lịch sinh thái”, trưa buổi chị Hà mời chúng tôi về nghỉ “mát” trong căn nhà trị giá trên 250 triệu đồng khang trang bề thế, lừng lững giữa ngút xanh cây rừng. “Nhà cửa, tiền nuôi con ăn học và trang trải cuộc sống... đều nhờ “lộc” của vùng đất đá sỏi này cả đấy các chú ạ” chị Hà phấn khởi khoe.
Dự định của chị là sẽ tiếp tục đầu tư xây dựng thêm chuồng trại, mở rộng chăn nuôi gà, trâu, bò… xen dắm trồng thêm cây xoan đâu, khai thác hết quỹ đất “đá sỏi” nơi đây để “làm giàu”.