Đánh thức tầm xuân
(Baonghean) - Mẹ à, Tết này con không về nhé, con còn phải đi Tết mấy chục ông sếp, ông trưởng phòng chuẩn bị về hưu rồi, cái ghế ấy bây giờ bao nhiêu là người nhắm nhe, mình không chạy trước là mình dại. Thế mẹ nhé!
- Chắc là con về muộn bố ơi, cả nhà cứ ăn tất niên đi, con còn phải đi họp lớp, có mấy đứa bạn đi nước ngoài về, không gặp chúng nó bây giờ thì bao giờ mới gặp được!
- Để năm sau vợ chồng con về, đưa cả thằng cu về thăm ông bà, chứ đi lại xa xôi thế này vợ con nó cũng ngại, con hứa với bố mẹ nhất định năm sau chúng con về!
Năm nay ta hứa năm sau về, năm sau ta lại ngần ngừ khất lần sang năm sau nữa.
Chẳng biết từ bao giờ cái Tết đoàn viên trở thành một thứ trách nhiệm, một lần ta phải trả bài cho những người thân yêu. Ta dửng dưng nghĩ rằng những người thân trong gia đình là những người vị tha, độ lượng với ta nhất nên nếu phải chọn lựa giữa vô vàn mối quan tâm, ta sΩn sàng bắt họ chờ đợi để ta yên trí chạy theo những danh lợi hay thú vui của bản thân, đến khi chán chường rồi mới thong dong tìm đường về nhà. Mười năm, rồi hai mươi năm, rồi khi ta đi đến cuối cuộc đời, lúc đó mới giật mình nhận ra ta đã để tuột khỏi tầm tay bao nhiêu là mùa xuân đáng yêu, đáng quý.. Ông bà, bố mẹ, anh chị em cứ mòn mỏi chờ đợi ta để quây quần bữa cơm đoàn viên, có đợi mãi bên đời ta được không, hay rồi đây cũng vì tạo hoá xoay vần, sinh lão bệnh tử hoặc hoàn cảnh đẩy đưa mà rời xa ta, để cho mùa xuân bỗng thành cằn cỗi? Nếu cuộc đời là đại dương và ta là cánh buồm thì những người thân yêu của ta là ngọn hải đăng cho thuyền ta biết đâu là bến bờ neo đậu. Thế nhưng sống trên đời có mấy người biết hài lòng với bến bờ hay xác định được lúc nào là lúc ta cần quay về, mà cứ mãi mải mê rong ruổi sóng nước, chạy theo công danh, tiền tài là những thứ phù phiếm như vỏ sò trên bãi cát. Đến một lúc nào đó, khi ta lạc lõng giữa sóng nước mênh mông, khi ánh sáng của những ngọn hải đăng đã mất hút trong sương khói, mới biết rằng cuộc đời ta chẳng được bao nhiêu mùa xuân, mà sao ta không biết yêu, biết quý, để chúng trôi qua trong hoài phí, cô đơn.
Thuyền tôi xa khơi không biết đã mấy mùa chim én lượn, có lẽ vì thấm cái mặn mòi, chát chúa của biển người, đất khách mà mùa xuân trong tôi đã chết tự bao giờ. Hay là mắt tôi mờ nên không thấy được những chồi non xanh biếc, tai tôi lãng nên lắng nghe mãi mà chẳng thấy mùa xuân về? Tôi già cỗi hay mùa xuân già cỗi? Hay chính cái thưở tôi giương buồm ra khơi, xa khỏi quê hương, gia đình, bè bạn, cũng là lúc cái nụ hoa mùa xuân vừa chớm nở trong tôi đã vội úa tàn? Tự nhiên nhớ quắt quay một chiều 30 Tết, thấy mắt ướt đẫm và mũi cay cay tưởng như đâu đây còn ngào ngạt mùi hương trầm thơm nồng ông vừa thắp lên trong chiều rả rích mưa bay. Những ngày tháng ấy, bây giờ biết tìm đâu nữa? Hồn tôi giờ như nụ tầm xuân ngủ mê ngoài vườn tối, biết ai người đánh thức tầm xuân?
Bạn bè xưa một thưở cùng nhau lớn lên, đứa nào cũng mê chơi pháo, ăn bánh chưng, nhận lì xì ngày Tết, giờ đây mỗi người mỗi ngả, biết có còn chung nhau nỗi nhớ niềm thương thơ ngây pha chút thành kính với những mùa xuân xưa cũ nữa không? Hay Tết đến xuân về ai ai cũng mải mê với bạn bè, sếp lớn sếp bé, phong bì phong bao, hơi đâu bận tâm đến bữa cơm mộc mạc, thảo thơm và những thú vui, thú chơi truyền thống để vui vầy bên gia đình nữa? Tôi nghĩ như vậy mà thổn thức khóc thầm, khóc cho tôi kẻ viễn xứ đã đành, khóc cả cho những người còn may mắn được ở bên những người thân yêu của mình mà không biết nắm giữ lấy khoảnh khắc xuân thì mong manh, ngắn ngủi. Những người ấy, không biết bao giờ mới chịu đánh thức tầm xuân?
Hải Triều (Email từ Paris)