Đánh thức tiềm năng du lịch

25/02/2013 18:18

(Baonghean) Mảnh đất Đô Lương được thiên nhiên ban cho nhiều thắng cảnh đẹp; và còn được biết đến với nhiều di tích lịch sử, nhiều địa danh đã đi vào huyền thoại. Tiềm năng đó đang chờ được đánh thức, khám phá...

Từ Thị trấn Đô Lương, theo Quốc lộ 15 đi về phía Thị trấn Lạt (Tân Kỳ) khoảng 15 km rồi rẽ theo đường đất lớn về phía Tây xã Giang Sơn là đến hồ Mộ Dạ, nơi có suối nước khoáng nóng Giang Sơn nổi tiếng. Vào mùa Đông, đứng từ trên bờ nhìn xuống cả một thung lũng hình lòng chảo ngập trong bể nước. Thiên nhiên hữu tình, mặt nước trong xanh in bóng núi đồi xanh mướt một màu tràm tạo cho hồ Mộ Dạ một cảnh đẹp hiếm có. Dẫn chúng tôi đi dạo quanh hồ, anh Thái Văn Cường, xóm trưởng xóm Thịnh Đồng cho biết: Vẻ đẹp và sự kì bí của suối nước nóng Giang Sơn đã được người dân trong xã biết đến từ nhiều năm nay. Sau đó, nhờ truyền miệng nên hàng năm vào mùa hè khách du lịch thường đến rất đông để tắm bùn.



Vùng suối nước nóng Giang Sơn vẫn còn rất hoang sơ.

Chính vì nguồn tài nguyên vô giá đó, nên ý tưởng về một vùng du lịch sinh thái đã được hình thành trong tiến trình xây dựng ngành Du lịch của huyện Đô Lương. Nhiều nhà đầu tư thấy được lợi thế “trời cho” đó cũng đã đến tiến hành khảo sát và lập đề án xin đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau, dự án xây dựng vùng du lịch sinh thái vẫn chỉ đang là văn bản. Mới đây, Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại và Du lịch Hà An đã có đề án Đầu tư xây dựng Dự án Khu Du lịch nước khoáng nóng Giang Sơn với tham vọng biến nơi đây thành một điểm du lịch đặc thù của Nghệ An, đó là du lịch kết hợp nghỉ dưỡng với suối nước khoáng nóng Giang Sơn. Song song với đó sẽ đầu tư xây dựng ở đây một nhà máy nước khoáng đóng chai, phát triển vùng nuôi trồng thủy sản và xây dựng các khu vui chơi giải trí, biệt thự nghỉ dưỡng. Dự án theo kế hoạch sẽ triển khai xây dựng từ năm 2013 và đến năm 2020 sẽ hoàn thiện. Nếu được thực hiện đúng kế hoạch sẽ mở ra một “chương” mới cho ngành Du lịch huyện nhà. Đồng thời là cơ hội để người dân nơi đây phát triển ngành dịch vụ, công nghiệp.

Để dự án trên được triển khai đúng tiến độ, thời gian qua Hội đồng Bồi thường giải phóng mặt bằng huyện Đô Lương đã tiến hành đo đạc kiểm đếm. Tuy nhiên, với tổng diện tích gần 250 ha, quá trình giải phóng mặt bẳng quả không dễ dàng bởi vừa liên quan đến đất lâm nghiệp, vừa liên quan đến đất nông nghiệp, đất nhà ở của các hộ dân. Bàn về tính khả thi của dự án, ông Võ Văn Ngọc, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho rằng: Việc đền bù phải làm cẩn trọng để đảm bảo mọi quyền lợi chính đáng của nhân dân. Về phía huyện, sẽ tạo mọi điều kiện để nhà đầu tư hoạt động và có các chính sách hợp lý để thu hút.

Dự án Khu Du lịch nước khoáng nóng Giang Sơn không phải là dự án du lịch duy nhất ở Đô Lương đến nay còn triển khai dang dở. Hiện một số dự án khác như Khu di tích Lịch sử Truông Bồn (xã Mỹ Sơn), dự án tôn tạo đình Lương Sơn (Bắc Sơn) cũng đang bị chậm tiến độ do thiếu vốn. Về các tiềm năng du lịch khác hiện Đô Lương có 177 di tích, danh thắng được đưa vào danh mục quản lý, trong đó có 11 di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh, đặc biệt có 10 di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia như đền Quả Sơn, đền Đức Hoàng, đình Phú Nhuận, nhà thờ họ Hoàng Trần, đền Phú Thọ... Đô Lương cũng có nhiều lễ hội dân gian đặc sắc, thể hiện nét văn hóa và tinh thần thượng võ của vùng như Lễ hội Đình Long Thái, Lễ hội Đền Đức Hoàng. Đặc biệt Lễ hội Đền Quả Sơn được tổ chức vào ngày 19, 20/1 âm lịch hàng năm thu hút hàng nghìn khách tham quan và là một điểm đến tâm linh thường xuyên của nhiều khách trong và ngoài tỉnh.

Nói về những tiềm năng trên, ông Lê Văn Lương – Trưởng phòng Văn hóa huyện Đô Lương rất đỗi tự hào. Tuy nhiên, ông cũng cho rằng: Các dự án phát triển du lịch hiện nay triển khai chưa đồng bộ và chưa nhiều. Hoạt động du lịch cũng chủ yếu phát triển theo hướng bột phát, giá trị kinh tế thu được từ ngành Du lịch chưa cao, chưa xứng với tiềm năng sẵn có.

Tương lai gần ngành Văn hóa huyện Đô Lương dự kiến sẽ tham mưu cho huyện để lên kế hoạch phát triển du lịch. Nhưng đề án thế nào, phát triển ra sao, ông Lê Văn Lương xác định: Chỉ định hướng cụ thể khi định hình cơ bản được quần thể khu di tích lịch sử Truông Bồn và Khu Du lịch sinh thái suối nước nóng Giang Sơn đi vào hoạt động...


Mỹ Hà

Mới nhất
x
Đánh thức tiềm năng du lịch
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO