Đánh thức tiềm năng sinh vật cảnh
(Baonghean) - Nghệ An vốn là vùng đất có tiềm năng sinh vật cảnh (SVC). Với 83 km bờ biển, 6 cửa sông và lạch với nguồn sinh vật biển dồi dào: 207 loài thủy sản, nếu biết tận dụng các loại tôm, cua, sò, ốc, trai… để làm SVC cũng tạo ra nhiều sản phẩm SVC kỳ thú. Xứ Nghệ dồi dào về đá với những vùng đá vôi liên tiếp trải dài từ Hoàng Mai đến Hồng Lĩnh, có đá đỏ, đá xanh, đá trắng, đá vỉa, đá liếp, đá da bò, da báo, da voi… nếu “khéo tay hay sưu tầm” cũng cho ta nhiều sản phẩm SVC hấp dẫn. Gỗ lũa Nghệ An phong phú, mà toàn loài quý hiếm, thiết mộc có nhiều ở Quỳ Hợp, Tân Kỳ, Kỳ Sơn, Đô Lương... Gỗ lũa Đô Lương tham gia Festival SVC TP. Hồ Chí Minh và triển lãm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, được rất nhiều người ưa chuộng. Chim xứ Nghệ rất nhiều. Theo khảo sát hiện có 335 loài, nhiều loài là chim cảnh quý, như: công, trĩ, phướn, hùng hoàng, khướu, niệc, yểng, sáo, vẹt, họa mi, chào mào, cu gáy, đa đa…
Ảnh minh họa
Nói về hệ cây thì Nghệ An nhiều vô kể. Theo Sở NN và PTNT Nghệ An, đất rừng và đất lâm nghiệp chiếm đến 71% diện tích tự nhiên. Khu dự trữ sinh quyển miền Tây Nghệ An chiếm trên 1 triệu ha đã được UNESCO công nhận là khu dự trữ sinh quyển thế giới với đa dạng sinh học. Bước đầu phát hiện 1.193 loài thực vật thuộc 163 họ, 537 chi, 342 loài động vật. Ở vùng đồi trọc đất cằn mặc dù đã được phủ kín thông, tràm, bạch đàn... nhưng dưới tán cây lại có nhiều loại cây làm cảnh đẹp như: sanh, si, đa, đề, sim, mua, me, móc, rành rành, ruối, mức, sơn tuế, nguyệt quế, kim quýt, trúc, sậy, sạt, trứng, vó ngựa, lấu, mun chân chim, mai đá… Rồi các loại cây trồng viền, tạo nên khuôn viên đẹp mắt với nhiều loại kéo dài từ vùng đồi, qua dải đồng bằng hẹp tới bãi dọc, bãi ngang đến vùng nước lợ ven biển như cây ngàn sao, chuỗi ngọc, chè mạn, cùn rum... loại này dâm dễ cắt tỉa để tạo nên kiểng tắc, kiểng thú hấp dẫn.
Trong nhà vườn của bà con xứ Nghệ có nhiều loài cây “môi trường” như ngũ da bì, thiết mộc lan, chuối nước, vạn niên thanh… Có nhiều loại cây vừa làm cảnh vừa làm thuốc như huyết dụ, trắc bá, khế, lựu, đại, tường vi, nha đam, lan vòi, trinh nữ hoàng cung, cúc... Các loài cây vừa làm cảnh vừa là “thực phẩm chức năng”, nếu ta biết cách trồng và chọn đất trồng hợp lý thì rất hữu dụng như: lằng, chè xanh, thanh lan, đinh lăng, vọng cách, lộc vừng, sung, chanh, khế, quýt… Đó là những loại cây bản địa sống lâu đời với người, phục vụ con người nhưng con người chưa thực lòng chăm sóc và trân trọng chúng để làm cho người và cảnh đẹp hơn, hòa đồng hơn, thân thiện hơn; chưa nói nhiều loại cây nhập nội lâu đời, có cây đã thành cổ lão điển hình là các loại cây lá kim như: thông, phi lao rất dễ làm đẹp.
Vừa qua, Hội SVC Nghệ An đã khảo sát được 461 cây thuộc 43 loài có độ tuổi từ 100 đến 1.000 năm tuổi, phần nhiều gắn với di tích lịch sử, văn hóa tâm linh. Nếu được bảo tồn thì đây không những là “kho báu” của Nghệ An mà còn là của quốc gia. Nghệ An hiện có 5 làng nghề SVC đã được UBND tỉnh công nhận. Đó là các làng nghề: Hồng Phú (Quỳnh Hồng), Nghi Liên, Nghi Kim, Nghi Ân, Hưng Đông (TP.Vinh). Nhưng tính hiệu quả kinh tế của các làng nghề chưa thật cao, vì cơ sở còn manh mún, chưa có đầu tư công nghệ bài bản. Nhưng dẫu sao đó cũng là những đột phá đi lên trong bước đường kinh doanh.
Hội SVC đã và đang tham mưu với cấp ủy, chính quyền, Mặt trận, cùng ngành NN & PTNT, ngành Văn hóa các cấp nhằm bảo tồn, phát huy sự đa dạng của nguồn SVC nhằm xây dựng phong trào, đưa nguồn sinh vật cảnh quý giá này vào phục vụ đời sống.
Hồ Đức Thỉnh (Hội SVC Quỳnh Lưu)