(Baonghean.vn)- Đá Lát là đảo chìm, nằm gần đất liền nhất trong số các đảo trên quần đảo Trường Sa. Đây không chỉ là sự khẳng định chủ quyền thiêng liêng của tổ quốc đối với vùng biển Đông phía Nam mà còn là điểm tựa vững chắc của ngư dân đang ngày đêm bám biển.
Đảo Đá Lát thuộc cụm đảo Trường Sa, nằm ở phía Nam của quần đảo Trường Sa, cách đảo Trường Sa lớn khoảng 15 hải lý về phía Tây, cách Cam Ranh khoảng 245 hải lý về phía Đông Nam với bãi san hô ngầm dài khoảng 5,9km, rộng 1,6km, diện tích gần 10km2. Đây là bãi ngầm san hô khép kín, phía trong là hồ nước, khi thủy triều lên, toàn đảo ngập chìm trong nước, thủy triều xuống, các bãi san hô và đá mồ côi nhô lên khỏi mặt nước. |
Đảo Đá Lát nhìn từ xa. |
|
Xuồng CQ của đảo chìm Đá Lát |
Từ cuối năm 1987, tình hình khu vực quần đảo Trường Sa trở nên căng thẳng, nước ngoài có ý đồ chiếm đóng các đảo đá san hô của Việt Nam. Quân chủng Hải quân quyết định mở chiến dịch CQ 88 với mục đích bảo vệ chủ quyền của Việt Nam. Ngày 5/2/1988, lực lượng của Lữ đoàn 146, Vùng 4 hải quân do Đại tá Phạm Công Phán, Lữ đoàn trưởng chỉ huy triển khai đóng giữ đảo Đá Lát.
|
Là đảo đá san hô ngầm, việc di chuyển từ các tàu lớn vào đảo Đá Lát phải phụ thuộc hoàn toàn vào các xuồng cao tốc. |
Hiện nay, ở khu vực phía Nam của bãi đá ngầm san hô còn có của những cọc bê tông đã bị nước biển ăn mòn. Đây là dấu tích của ngôi nhà cao chân do lực lượng công binh hải quân xây dựng trên đảo.
|
Bia chủ quyền trên đảo Đá Lát |
Là đảo chìm, toàn bộ nước sinh hoạt trên đảo phải khai thác từ nước mưa và mang từ đất liền ra. Trong những năm qua, các cán bộ, chiến sĩ trên đảo chìm Đá Lát đã cải tiến dụng cụ chứa nước, tích cực tiết kiệm nên đã chủ động được nguồn nước sinh hoạt cho cán bộ, chiến sĩ, một phần để tăng gia sản xuất và hỗ trợ ngư dân.
|
Ngọn hải đăng Đá Lát. |
|
Cán bộ trạm hải đăng Đá Lát nói chuyện với đoàn khách đến từ đất liền. |
Năm 1996, trên bãi đá ngầm Đá Lát, một ngọn hải đăng cao hơn 40 mét được xây dựng, góp phần quan trọng vào việc đảm bảo an toàn cho tuyến hàng hải quốc tế trên biển Đông, trở thành cột sáng chủ quyền, soi rọi giữa biển trời Trường Sa.
Mặc dù trên đảo chìm Đá Lát chưa được xây dựng nhà văn hóa đa năng như một số đảo khác trong quần đảo Trường Sa nhưng với sự sáng tạo, chịu khó của các cán bộ, chiến sĩ, cảnh quan trên ngôi nhà lâu bền của đảo Đá Lát đang được xây dựng một cách khang trang. Trên đảo có tủ sách Hồ Chí Minh với hàng trăm đầu sách, báo, có hội trường xem ti vi, hát karaoke, có khu vực tăng gia, trồng rau, nuôi lợn,…
|
Chiến sỹ trẻ Phạm Đăng Tuấn (quê ở Phú Yên) trong phòng đọc sách trên đảo Đá Lát. |
|
Hệ thống điện mặt trời trên đảo Đá Lát. |
|
Chiến sĩ trên đảo Đá Lát chăm sóc vườn rau. |
Thượng úy trẻ Phạm Văn Bình, quê ở xã Thanh Hà, huyện Thanh Chương, hiện là Đảo Phó đảo Đá Lát cho biết, hiện nay, đảo đã được trang bị hệ thống điện gió, điện mặt trời, hệ thống thu phát sóng vệ tinh, sóng điện thoại, góp phần nâng cao đời sống của chiến sĩ, đưa đảo gần hơn với đất liền. Đặc biệt, Đá Lát là một trong những điểm sáng về công tác cứu hộ, cứu nạn, giúp đỡ ngư dân trên biển. Mỗi năm, các bác sĩ quân y trên đảo khám, cấp thuốc và sơ cứu cho khoảng 50 lượt ngư dân đánh cá trên vùng biển, cấp hàng ngàn khối nước ngọt cùng nhiều rau xanh, thực phẩm cho ngư dân, giúp đỡ ngư dân gặp nạn lúc sóng to, gió lớn,…
|
Đoàn cán bộ Ban tuyên giáo Trung ương tặng kỷ niệm chương cho Đảo Đá Lát. |
|
Cán bộ, chiến sĩ trên đảo Đá Lát tạm biệt đoàn khách trở về đất liền |
Những việc làm bình dị mà cao quý của các chiến sĩ trên đảo đã góp phần tô thắm thêm hình ảnh anh bộ đội Cụ Hồ, hình ảnh người chiến sĩ hải quân trong lòng nhân dân, giúp nhân dân ấm lòng hơn, tin tưởng hơn, ngày đêm bám biển sản xuất, phối hợp với các lực lượng vũ trang kiên quyết, kiên trì đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ quần đảo Trường Sa của Tổ quốc.
Nguyên Khoa