Đạo lý kính già

01/10/2015 10:24

(Baonghean) - Bắt đầu từ năm nay, tháng 10 trở thành “Tháng hành động vì người cao tuổi”. Trong đó, một trong những nhiệm vụ được quan tâm là “Hành động vì người cao tuổi có hoàn cảnh khó khăn”…

Cụ Phạm Tiến Dũng ở xóm Liên Tháp, xã Nghĩa Liên, huyện Nghĩa Đàn năm nay đã 83 tuổi nhưng còn minh mẫn, hàng ngày có thể giúp con cháu cho đàn gà ăn và quét dọn vườn tược từ trong ra ngoài. Để có được sự dẻo dai này, bên cạnh sự chăm sóc của con cái trong gia đình thì yếu tố quan trọng khác đó là cụ thường xuyên tham gia ở câu lạc bộ dưỡng sinh của xóm và không bỏ sót các hoạt động nào của Hội Người cao tuổi xã tổ chức. Đặc biệt, mới đây, thông qua Chương trình “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng” cụ lại có điều kiện để được kiểm tra sức khỏe, tư vấn nhiều thông tin về các phòng, chữa bệnh như tiểu đường, hô hấp, cao huyết áp. Cụ vui vẻ cho biết: Ở tuổi của tôi, tự chăm được sức khỏe cho mình, không làm phiền con cháu đã là niềm hạnh phúc rồi. May là chúng tôi dù ở vùng sâu, vùng xa nhưng vẫn được chính quyền và các ban, ngành quan tâm nên mọi chính sách về người cao tuổi đều được ưu tiên đầy đủ. Còn cụ bà Lê Thị Mai (82 tuổi), ở xóm Bai cách đây 3 năm bị tai biến, chân, tay tê cứng, đi lại có phần khó khăn. Biết hoàn cảnh cụ neo người, các thành viên trong Câu lạc bộ “Người già chăm sóc người già” thay nhau thăm hỏi, chăm sóc và vận động cụ tham gia câu lạc bộ.

Các cụ ở CLB Người cao tuổi xã Nghĩa Liên (Nghĩa Đàn) tham gia Chương trình “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng”.
CLB Người cao tuổi xã Nghĩa Liên (Nghĩa Đàn) tham gia Chương trình “Tư vấn và chăm sóc sức khỏe người cao tuổi dựa vào cộng đồng”.

Nghĩa Liên là 1 trong 3 xã thuộc huyện Nghĩa Đàn được Chi cục Dân số/Kế hoạch hóa gia đình chọn triển khai thực hiện mô hình “Tư vấn và chăm sóc sức khoẻ người cao tuổi dựa vào cộng đồng”. Qua đó, nhằm giúp người cao tuổi có nhiều cơ hội tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc sức khỏe phù hợp, biết tự chăm sóc bản thân đúng cách, phòng tránh mắc các bệnh thường gặp, sống vui, sống khỏe, qua đó góp phần nâng cao chất lượng dân số. Các chi hội người cao tuổi thành lập và duy trì hiệu quả các CLB như CLB thể dục dưỡng sinh, CLB “Người cao tuổi giúp người cao tuổi”, CLB Thơ… Ông Nguyễn Văn Mai, Phó Chủ tịch Hội Người cao tuổi xã Nghĩa Liên, chia sẻ: Mô hình này góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống, phát huy vai trò của người cao tuổi. Đồng thời nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân, gia đình và toàn xã hội về trách nhiệm chăm sóc, giúp đỡ người cao tuổi.

Nhờ sự giúp đỡ, động viên của các hội viên, nhiều cụ đã khắc phục khó khăn, vươn lên làm giàu. Cựu chiến binh Võ Ngọc Tân ở xóm 1, xã Hưng Tân (Hưng Nguyên) là một trong số đó. Hơn 10 năm trước, khi đó gia đình ông rất khó khăn. Ông xin thầu khoán hơn 1,3 ha vùng đất xấu ở làng Thường để xây dựng trang trại. Để có hơn 700 triệu đồng, hơn một nửa ông phải vay ngân hàng, vay anh em trong chi hội… Với bản lĩnh của người lính, ông và gia đình đã từng bước cải tạo biến một vùng đất trũng thành trang trại trù phú với vườn cây ăn quả, ao nuôi cá, nuôi gà, vịt, ngan… với thu nhập trên 200 triệu đồng/năm. Ông Trần Văn Lạc, Chủ tịch Hội Người cao tuổi của huyện Hưng Nguyên, cho biết: Mặc dù hội viên của hội tuổi đã cao nhưng hơn 50% hội viên vẫn tham gia làm kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, làm giàu chính đáng. Cũng nhờ làm chủ, không phụ thuộc nhiều kinh tế vào con cái nên hội viên của hội có nhiều điều kiện để giúp đỡ những hội viên khó khăn, neo đơn, không nơi nương tựa.

Hiện 20/23 xã, phường, thị trấn có Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau”. Nhờ vậy, các hội viên không chỉ giúp nhau vốn, phát triển kinh tế mà còn kịp san sẻ, đỡ đần cho nhau, quan tâm đến nhau mỗi khi bị đau ốm bệnh tật. Trên 2 tỷ đồng cũng đã được giải ngân để giúp hội viên phát triển các mô hình kinh tế, trong đó ưu tiên nhiều cho những hội viên nghèo, gặp nhiều khó khăn trong cuộc sống. Hưởng ứng “Tháng hành động vì người cao tuổi”, hội cũng có nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe và đời sống tinh thần cho hội viên. Từ 29/9 - 20/10, hội sẽ phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Đa khoa Nghệ An khám mắt miễn phí cho hội viên hội người cao tuổi ở 23 xã, thị, tổ chức truyền thông về cách phòng tránh và chữa các loại bệnh thông thường cho người cao tuổi, tổ chức các giải thể thao, tổ chức đêm thơ…

Chủ trương lấy tháng 10 là Tháng hành động vì người cao tuổi được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 544/QĐ-TTg, ngày 25/4/2015. Mục đích là nhằm phát huy truyền thống “Uống nước nhớ nguồn”, lòng hiếu thảo của con cháu với bố mẹ, ông bà và tinh thần kính lão, trọng thọ; Thu hút sự quan tâm của tổ chức, cá nhân và các tầng lớp nhân dân tích cực tham gia chăm sóc, phụng dưỡng và phát huy vai trò của người cao tuổi. Tại tỉnh ta, ngay trong năm đầu tiên triển khai, Tháng hành động người cao tuổi sẽ được tổ chức với nhiều hoạt động ý nghĩa như tổ chức các câu lạc bội giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, tổ chức các hội thi, hội diễn nhằm nâng cao sức khỏe, đời sống tinh thần cho người cao tuổi; tổ chức hội thảo, tư vấn về phòng bệnh, khám chữa bệnh, cấp thuốc miễn phí; đẩy mạnh các hoạt động tặng quà, thăm hỏi người cao tuổi, đặc biệt là người cao tuổi có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, người cao tuổi thuộc diện chính sách, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, biên giới, hải đảo; nhận hỗ trợ, giúp đỡ người cao tuổi neo đơn, không nơi nương tựa… Trao đổi về ý nghĩa của “Tháng hành động người cao tuổi”, ông Trần Hữu Ích, Chủ tịch Hội Người cao tuổi tỉnh chia sẻ: Nghệ An là một trong những tỉnh có số lượng hội viên đông và đang bước vào giai đoạn già hóa. Gần 18% hội viên vẫn đang thuộc diện hội nghèo. Chính vì đó, chúng tôi hy vọng với việc lần đầu tiên triển khai “Tháng hành động vì người cao tuổi” sẽ kêu gọi được tất cả các cấp, các ngành, các doanh nghiệp, các tổ chức xã hội quan tâm hơn nữa đến người cao tuổi bằng những việc làm thiết thực, giàu ý nghĩa. Điều đó, cũng thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, “Kính lão đắc thọ” của dân tộc Việt Nam.

Bài, ảnh:

Mỹ Hà - Ngọc Anh

Thời gian qua, Hội Người cao tuổi các cấp đã tăng cường vận động nguồn lực với chủ trương “xã hội hóa công tác chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi’’; trong đó nổi bật là “Quỹ chăm sóc và phát huy vai trò người cao tuổi”. Nhờ vậy, đã có có 447 hội cơ sở có quỹ, đạt 93,12% số xã và mỗi năm vận động được từ 15-20 tỷ đồng; năm 2014, các cấp hội còn động viên các gia đình xây dựng Quỹ phụng dưỡng ông bà, cha mẹ đã huy động 160 tỷ đồng… Toàn tỉnh có gần 2.000 câu lạc bộ thể dục dưỡng sinh; 103 Câu lạc bộ “Liên thế hệ tự giúp nhau”; Chương trình “Mắt sáng cho người cao tuổi” được triển khai sâu rộng đến các cơ sở, đem lại ánh sáng cho nhiều người cao tuổi mù lòa; vận động hội viên ủng hộ để giúp 900 ngàn lượt người cao tuổi mua thẻ bảo hiểm y tế.

Đạo lý kính già
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO