Đào tạo cử tuyển: Chất lượng thấp, đầu ra khó
(Baonghean) - Chế độ cử tuyển thực hiện theo Nghị định 134/2006/NĐ – CP của chính phủ nhằm tạo điều kiện cho học sinh dân tộc thiểu số, học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn được vào học tại các trường đại học, cao đẳng, tạo cán bộ nguồn cho các xã, huyện miền núi. Tại tỉnh ta, nhờ chính sách này, thời gian qua đã có hàng trăm học sinh được nhập học. Tuy vậy, quá trình thực hiện vẫn đang còn một số bất cập và còn nhiều khó khăn…
Học sinh Trường THPT Dân tộc Nội trú tỉnh trong ngày khai giảng. |
Bất cập công tác tuyển sinh
Theo Nghị định 134 về chính sách cử tuyển, học sinh là con em dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn sẽ được xét tuyển vào đại học. Việc xét tuyển dựa trên chỉ tiêu hàng năm và nhu cầu thực tế của địa phương. Các hội đồng xét tuyển cũng sẽ căn cứ vào đặc điểm từng vùng, từng dân tộc trên địa bàn để giới thiệu những học sinh thích hợp.
Tuy vậy, cách làm này hiện nay cũng có nhiều bất cập khi chất lượng học sinh đăng ký học cử tuyển chưa đồng đều và vẫn còn nhiều học sinh học lực trung bình, điểm thi đại học thấp vẫn trúng tuyển. Nhìn vào danh sách học sinh của các huyện gửi đi học trong những năm vừa qua có thể thấy rõ điều đó. Như tại huyện Kỳ Sơn, trong số 13 người đăng ký vào hệ cử tuyển năm học 2013 thì chỉ có 2 học sinh đủ điểm sàn, lại có có trường hợp như Già Y Sành (Mỹ Lý) và Hoa Bá Thần (Mường Ải) học khối C nhưng huyện lại cử đi học Y khoa Thái Bình và Đại học Nông nghiệp Hà Nội nên đã không đủ điều kiện xét tuyển. Hoa Bá Thần (Mường Ải) thi khối C nhưng lại đăng ký vào học tại trường Đại học Nông nghiệp. Hay như ở huyện Quỳ Hợp, huyện cử em Hà Thị Oanh (xã Châu Thái) đi học Khoa Xây dựng, Trường Đại học Vinh nhưng thi đại học chỉ được 4 điểm và lại học khối C. Ở Tân Kỳ cũng có trường hợp em Nguyễn Văn Hằng, học khối C nhưng huyện lại cử đi học Đại học Giao thông Vận tải…Trong danh sách đề nghị đi học theo chế độ cử tuyển của huyện Quế Phong, điểm thi của các em cũng chỉ trung bình từ 10 – 14,5 điểm, thấp hơn khá nhiều nếu theo quy định của các trường đại học…
Theo ông Thò Bá Rê, Phó phòng Nội vụ, UBND huyện Kỳ Sơn, dù chính sách cử tuyển là nhằm tạo điều kiện cho con em vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số được đi học đại học, cao đẳng để nâng cao trình độ và tạo nguồn cán bộ nguồn cho địa phương nhưng vì huyện Kỳ Sơn là một huyện đặc biệt khó khăn, chất lượng đào tạo còn có nhiều hạn chế nên để tìm một em thực sự đủ tiêu chuẩn là rất khó. Bên cạnh đó, trong quá trình xét tuyển còn phải tính tới sự cân đối giữa các vùng, giữa các dân tộc nên lại càng gặp nhiều khó khăn. Cụ thể, những học sinh đủ điều kiện thì đa phần lại tập trung ở khu vực thị trấn và những vùng lân cận, nhưng nếu chỉ lấy học sinh ở các vùng này thì không công bằng. Hay, trong một gia đình thì chỉ có thể lấy một thành viên, để ưu tiên cho các vùng khác. Vậy nhưng, các học sinh ở vùng đặc biệt khó khăn đa phần lại thi điểm thấp, nếu lấy “đằng sằng” thì chỉ được từ 1 – đến 2 năm, thiệt thòi cho các em, cho các xã và sẽ còn rất lâu nữa ở những vùng này mới đạt chuẩn cán bộ.
Năm học 2013 – 2014 vừa rồi, tỉnh Nghệ An được phân bổ 60 chỉ tiêu vào các trường đại học, cao đẳng. Tuy vậy, theo ông Nguyễn Hải - chuyên viên Phòng Giáo dục chuyên nghiệp, toàn tỉnh chỉ xét tuyển được 37 hồ sơ, còn lại các huyện trình danh sách lên nhưng hội đồng xét duyệt phải loại vì không đủ tiêu chuẩn, không đủ điểm, sai đối tượng. Đây là một việc đáng tiếc nhưng là cần thiết bởi nếu không làm chắc từ vòng ngoài thì dù “lọt” đến các trường đại học các em cũng khó có thể theo kịp.
Trên thực tế, vài năm trở lại đây đã có gần 10 trường hợp sinh viên của tỉnh, học theo diện cử tuyển ở các trường đại học đã bị các trường buộc thôi học hoặc ngừng học bởi không theo kịp chương trình như các trường hợp trong năm 2012 của các em Lữ Thị Nhâm, Vi Thị Thơm, Pịt Văn Đông… ở Trường Đại học Y Thái Nguyên, Đại học Y Thái Bình, Đại học Y dược Hà Nội. Chị Moong Thị Thắm, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa huyện Kỳ Sơn thì lại lo ngại bởi hiện tại học sinh theo học cử tuyển ngành Y khoa khá đông và theo kế hoạch thì vài năm tới sẽ phủ kín các bệnh viện và trạm y tế xã. Nhưng ngành Y là một ngành đặc thù, đòi hỏi tay nghề và trình độ, nếu đầu vào không đạt thì khó có thể có kết quả đào tạo tốt. Điều đó, ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình công tác, ảnh hưởng đến công tác khám và điều trị, thậm chí là tính mạng người bệnh.
Bó đầu ra…
Đầu ra cho sinh viên cử tuyển là một vấn đề đáng lo ngại. Mặc dù quy định của Nhà nước và các văn bản chỉ đạo của tỉnh và của ngành hàng năm đều nói rõ các huyện cần phải căn cứ cụ thể trên nhu cầu thực tế của địa phương để tính toán kỹ lưỡng việc xây dựng chỉ tiêu, nhất là trong những lĩnh vực còn thiếu. Ngoài ra cần xác định rõ địa chỉ công tác của các học sinh cử tuyển sau 4 năm tới…Tuy vậy, trên thực tế vẫn còn rất nhiều sinh viên đã ra trường nhưng chưa tìm được việc làm. Tại huyện Kỳ Sơn, hiện còn khoảng 6 em đã tốt nghiệp nhiều năm trong ngành Sư phạm hiện chưa sắp xếp được công việc.
Ở huyện Tương Dương, ông Vi Tân Hợi, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: Cái được nhất trong chính sách cử tuyển đó là nâng cao trình độ cho người dân tộc thiểu số, vùng đặc biệt khó khăn. Còn để sắp xếp công việc cho các em sau khi ra trường là vấn đề nan giải. Thứ nhất là bởi huyện không được tăng thêm biên chế, còn huyện xã thì không thể bố trí được việc làm dựa vào ngân sách tại chỗ vì hiện nay tỉnh không có chủ trương ký hợp đồng huyện, hợp đồng xã. Ông Hợi cũng nói rằng: Dù huyện luôn luôn có chính sách ưu tiên cho học sinh cử tuyển nhưng ít nhất trong năm tới các ngành ở huyện về cơ bản đã bố trí hết, thế nên việc tuyển dụng phải “xếp hàng”. Trên toàn tỉnh, từ năm 2005 đến nay số sinh viên cử tuyển sau khi tốt nghiệp không tìm được việc làm cũng lên tới hàng chục người, nhất là trong các ngành Sư phạm, Nông - lâm, Ngoại ngữ tiếng Trung.
Về nguyên nhân, do một số nơi khi cử học sinh cử tuyển đã không xem xét, rà soát kỹ nhu cầu nhân lực địa phương của mình xem ngành gì cần nhân lực, thừa thiếu bao nhiêu, mà chỉ cử đi cho hết... chỉ tiêu hoặc cử số lượng học sinh tùy theo mức cân đối ngân sách. Việc phân bổ chỉ tiêu đào tạo, xây dựng kế hoạch và nhu cầu chỉ tiêu cử tuyển của các huyện còn gặp nhiều khó khăn, chưa có những quy hoạch, kế hoạch lâu dài để đăng ký chỉ tiêu, các ngành nghề phù hợp. Khách quan, do những năm qua, học sinh miền núi chủ yếu học khá về các môn xã hội, trong khi đó nhu cầu các ngành nghề đào tạo chủ yếu là kỹ thuật, kinh tế nên khó lựa chọn đối tượng. Số sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng của tỉnh nói chung, các huyện miền núi nói riêng mấy năm gần đây liên tục tăng, chất lượng học sinh cao hơn cử tuyển. Trong khi đó, nhu cầu biên chế của các huyện ổn định, nên việc bố trí học sinh cử tuyển vào làm việc theo nguyện vọng gặp khó khăn, nếu tổ chức thi thì học sinh cử tuyển khó cạnh tranh. Ngoài ra, trong quá trình xét duyệt còn tình trạng vì cả nể, quen biết nên còn nhiều học sinh có năng lực hạn chế vẫn được lựa chọn đi học. Hoặc nhiều phụ huynh vẫn có tâm lý chỉ cần con có suất đi học đại học khi không thi đậu nên chưa tính đến việc đi học theo đúng năng lực, dẫn đến nhiều khó khăn sau khi ra trường.
Trước những vấn đề còn tồn tại nhiều năm nay ở chính sách cử tuyển, nhất là về vấn đề chất lượng và “đầu ra” của sinh viên sau khi ra trường, bắt đầu từ năm học 2013 – 2014, tỉnh ta đã có nhiều thay đổi. Theo đó, với những em đăng ký vào ngành Y, ít nhất phải đủ điểm sàn, chỉ ưu tiên với những trường hợp như con em thương binh, liệt sỹ, bộ đội xuất ngũ. Các ngành nghề phải sát với nhu cầu địa phương và các huyện phải xác định rõ địa chỉ làm việc của các em sau khi ra trường – ông Nguyễn Mạnh Hà, Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết.
Ngoài ra, nên chăng cũng như công tác tư vấn tuyển sinh vào các trường đại học, trong công tác sơ tuyển cũng cần phải có sự tham gia tư vấn, định hướng của những người có chuyên môn nghiệp vụ, việc chọn ngành cho sinh viên cũng cần có sự tham gia của cơ sở đào tạo. Bên cạnh đó, các địa phương khi cử học sinh đi học cần rà soát kỹ nguồn nhân lực của mình; chú trọng những lĩnh vực, ngành nghề mang tính đặc thù của địa phương, cân nhắc kỹ việc đăng ký những nhóm ngành quá khó hoặc đang bão hòa hiện nay.
Mỹ Hà - Minh Quân