Đào tạo lái xe - "nhân nào thì quả nấy!"

19/07/2013 11:40

Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ra quyết định đình chỉ Trung tâm Sát hạch lái xe Đà Nẵng vì trung tâm này có những sai phạm như không đảm bảo kỹ thuật, chưa đưa kiểm soát sát hạch lý thuyết công khai để người dân giám sát, theo dõi, lưu trữ dữ liệu chưa đảm bảo. Trước đó ít ngày, 2 cơ sở đào tạo lái xe ô tô ở TP Hồ Chí Minh và Hậu Giang cũng bị Bộ Giao thông – Vận tải đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái xe ô tô vì vi phạm các quy định về công tác đào tạo lái xe các hạng.

(Baonghean) - Bộ Giao thông vận tải (GTVT) vừa ra quyết định đình chỉ Trung tâm Sát hạch lái xe Đà Nẵng vì trung tâm này có những sai phạm như không đảm bảo kỹ thuật, chưa đưa kiểm soát sát hạch lý thuyết công khai để người dân giám sát, theo dõi, lưu trữ dữ liệu chưa đảm bảo. Trước đó ít ngày, 2 cơ sở đào tạo lái xe ô tô ở TP Hồ Chí Minh và Hậu Giang cũng bị Bộ Giao thông – Vận tải đình chỉ tuyển sinh đào tạo lái xe ô tô vì vi phạm các quy định về công tác đào tạo lái xe các hạng.

Vẫn biết câu “muộn còn hơn không”, nhưng giả sử Bộ GTVT ra tay sớm hơn vài ba năm thì dám chắc tình trạng lộn xộn, vi phạm các quy định của Nhà nước trong đào tạo và sát hạch lái xe không đến mức như hiện nay. Trong khi đó, ở các trung tâm sát hạch lái xe, hiện tượng “đại thí” đủ các kiểu tại các cuộc thi sát hạch ở các loại hình diễn khá ngang nhiên và tràn lan. Đó là chưa nói đến những đường dây “chạy” giấy phép lái xe mà dư luận vẫn bàn tán râm ran mỗi khi nhắc đến. Một trong những nguyên nhân dẫn tới hiện tượng trên là nhu cầu lái xe của người dân ngày một tăng, trong khi các cơ sở đào tạo lái xe vì lợi nhuận đã cạnh tranh học viên bằng lối dạy và học cũng như sát hạch lái xe một cách dễ dãi. Dễ dãi đến mức người cầm bằng lái trong tay nhưng không đủ tự tin để ngồi sau vô lăng là chuyện không hiếm.

Ở Nghệ An hiện có 7 cơ sở đào tạo lái xe đóng ở Thành phố Vinh, xoay quanh các cơ sở này còn nhiều “cơ sở vệ tinh” và kiểu dạy “vệ tinh” ở các huyện, thị xã và ở ngay trong thành phố. Những hiện tượng vi phạm dám chắc cũng tương tự như nhiều cơ sở trong số 330 “trung tâm” đào tạo lái xe trong cả nước mà dư luận và báo chí phản ánh. Hẳn những ai từng học lái xe, từng tham gia sát hạch ở trung tâm sát hạch lái xe đều biết rất rõ điều đó.

Nếu như theo Thông tư 46/2012 của Bộ GTVT thì thời gian học lái của hạng B1 là 556 giờ, B2 là 588 giờ và hạng C là 920 giờ thì liệu có bao nhiêu cơ sở đào tại lái xe đảm bảo? Và, có tài xế nào được học đầy đủ về Luật Giao thông đường bộ, đầy đủ về môn học đạo đức người lái xe? Nếu có một đoàn của cơ quan có thẩm quyền nào đến các trung tâm đào tạo để kiểm tra, dám chắc về tài liệu, hồ sơ, thậm chí cả bài kiểm tra của học viên đầy đủ.

Vậy là câu hỏi vì sao tai nạn trong những năm gần đây đang ở mức báo động và 6 tháng 2013 tăng cả 3 tiêu chí không phải là điều khó hiểu! Không là điều khó khi lý giải vì sao số xe vi phạm các quy định về an toàn giao thông ngày càng tăng; tại sao hiện tượng “xe điên” thỉnh thoảng lại “ra mắt” trên các con phố, trên các trục đường! Và, xin các cơ quan đừng phạt các “tài xế nghiệp dư”! Vì họ được dạy như thế, học như thế và sát hạch phần nhiều cũng như thế thì chạy xe như thế là đương nhiên. Tốt nhất là hãy mời họ đến các cơ sở đào tạo lái xe đi học lại một cách nghiêm túc.


Việt Long

Mới nhất

x
Đào tạo lái xe - "nhân nào thì quả nấy!"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO